Thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật

08:52, 21/12/2018

Hội thảo khoa học toàn quốc “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội. 

70 tham luận đã đưa ra những cách tiếp cận, lý giải vấn đề xuất phát từ thực tiễn xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật trong hơn 20 năm qua. Mục tiêu của hội thảo là đánh giá tác động chủ trương xã hội hóa đến thực tiễn văn học, nghệ thuật; những thành công và hạn chế trên từng lĩnh vực; đề xuất các kiến nghị, giải pháp thúc đẩy hoạt động xã hội hóa.

Hội thảo được tổ chức vào thời điểm Ban Tuyên giáo Trung ương chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực tiễn, Hội thảo sẽ tổng hợp các bài học kinh nghiệm đồng thời đưa ra kiến nghị, giải pháp tiếp tục hoàn thiện chủ trương, dự báo xu hướng vận động, phát triển văn hóa, nghệ thuật trong giai đoạn tới.

Phát biểu đề dẫn, PGS, TS Phan Trọng Thưởng nhận xét, các tham luận gửi về Hội thảo đưa ra định nghĩa về xã hội hóa với nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn tới cách làm khác nhau, cho nên khi áp dụng vào các lĩnh vực khác nhau như điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, văn học, xuất bản… còn vướng mắc. GS, TS Đinh Xuân Dũng nhận định, hoạt động xã hội hóa văn học, nghệ thuật bao hàm một phạm vi rất rộng lớn, ngay trong một lĩnh vực cũng có những nội dung, mức độ và phương thức không giống nhau. Trong hơn 20 năm qua, quá trình này có sự biến đổi, mở rộng và đi vào chiều sâu; thậm chí, một số lĩnh vực còn vượt quá những nội dung, quy định phạm vi xã hội hóa, từ đó đặt ra những vấn đề mới có thể chưa dễ dàng tìm được lời giải đáp đầy đủ, thuyết phục. Theo GS, TS Đinh Xuân Dũng, tuy đã có những cố gắng nhất định, song cho đến nay chúng ta vẫn thiếu một số chiến lược mang tính tổng thể, hệ thống để thực hiện xã hội hóa, dẫn đến sự lúng túng. Nắm vững quy luật hình thành, phát triển của thị trường; tôn trọng tính đa dạng của các sản phẩm văn học, nghệ thuật do xã hội hóa tạo nên đồng thời định hướng cho quá trình xã hội hóa góp phần sản sinh các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật là yêu cầu trong thời gian tới.

Các đại biểu dự hội thảo đã đưa ra nhiều đánh giá, đề xuất cho từng lĩnh vực cụ thể. Về văn học, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: Ý nghĩa quan trọng nhất của việc xã hội hóa với văn nghệ sĩ là tài năng và tác phẩm được công chúng, xã hội thừa nhận và có sức sống lâu dài. Tuy nhiên, những năm qua, trong đời sống văn học nghệ thuật có cả nghìn CLB thơ ra đời; số lượng đông nhưng chất lượng không cao. Về công tác xuất bản, trước kia mỗi năm, một nhà xuất bản ấn hành khoảng 100 đầu sách, thì nay con số ấy là hơn 1.000 đầu sách. Số đầu sách tăng nhưng trữ lượng văn hóa lại không tương xứng. Vì vậy, hoạt động xã hội hóa cần có chiến lược cụ thể, phân định cái gì để nghệ sĩ làm, cái gì để người dân làm, sao cho tác phẩm phải đi vào lòng người, đấy mới là xã hội hóa ở mức độ cao nhất.

NSƯT Lê Chức chia sẻ, trong lĩnh vực sân khấu, không ít nghệ sĩ vẫn chưa quen cách thức xã hội hóa, tuy nhiên, lĩnh vực này cũng có những tín hiệu đáng mừng.Tại TP Hồ Chí Minh đã nổi lên các trung tâm, sân khấu xã hội hóa năng động, có nhiều kịch bản tốt được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng; nhiều vở diễn đã đoạt giải ở các hội diễn chuyên nghiệp. NSƯT Lê Chức đề xuất, cần tạo một môi trường sân khấu bình đẳng cho các khuynh hướng, mô hình cùng tồn tại, phát triển. Với những tác phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc vinh danh, kỷ niệm có thể mạnh dạn đặt hàng các đơn vị xã hội hóa đủ điều kiện về kịch bản cũng như năng lực dàn dựng, không nên phân biệt đó là đơn vị nhà nước hay tư nhân.

Ở lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, điện ảnh nước nhà đã được xã hội hóa 100%, làm thay đổi đáng kể diện mạo, số lượng phim sản xuất cũng như nhập khẩu tăng ồ ạt. Hai hoạt động chủ yếu trong điện ảnh là sản xuất phim và phát hành phim thì hầu như đã thuộc về các hãng tư nhân. Vì vậy, vài năm trở lại đây điện ảnh có dấu hiệu đang đi chệch hướng, bị thương mại hóa và lai căng hóa, cần khảo sát tình hình nhập phim, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại. Xã hội hóa là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, những bất cập nêu trên là do chưa phân định rạch ròi đâu là chức năng của Nhà nước, đâu là trách nhiệm của các bên tham gia xã hội hóa; nhà nước cần ban hành quy chế về xã hội hóa cho từng lĩnh vực riêng của hoạt động văn học, nghệ thuật.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, chủ trương xã hội hóa nhằm tăng cường việc huy động nguồn lực xã hội, nâng cao mức hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của người dân, tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp…, nhưng khi thực hiện cụ thể thì vẫn xảy ra những điều chưa được như mong muốn. Câu chuyện chung quanh quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là một thí dụ cho thấy chúng ta chưa chú ý đúng mức đến tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa, việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các hội nghề nghiệp không phải lúc nào cũng tốt.

Từ kết quả của hội thảo, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương sẽ có báo cáo cơ quan chức năng của Đảng và Chính phủ để có những điều chỉnh trong chiến lược phát triển văn hóa nói chung và việc xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật nói riêng. Các ý kiến, tham luận tại hội thảo sẽ là tài liệu tham khảo cho các nhà quản lý, nghiên cứu, đội ngũ văn nghệ sĩ cập nhật, ứng dụng vào thực tiễn sôi động của đời sống, công việc nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật thiết thực và sâu rộng.