Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng và phát triển công nghệ cấp Quốc gia

14:06, 22/01/2019

Ngày 22-1, tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội); Trường Đại học Sân Khấu điện ảnh Việt Nam và Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao kết quả của Đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp Quốc gia.

Đề tài có chủ đề: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ đa phương tiện trong bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể”. Đây là Đề tài độc lập cấp Quốc gia, do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Hà, Trưởng Phòng thí nghiệm tương tác người máy Trường Đại học Công nghệ làm Chủ nhiệm. Mục tiêu chính của Đề tài là nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật đồ họa máy tính, xử lý video, xử lý ảnh, xử lý âm thanh hiện đại kết hợp với các kỹ thuật phân tích, học máy để trích chọn và lưu trữ dữ liệu về các hình thức văn hoá phi vật thể trên máy vi tính phục vụ cho mục đích bảo tồn, tra cứu, học tập và tạo ra các sản phẩm nghệ thuật mới.

Hội thảo thông qua các báo cáo tổng quan kết quả Đề tài; tham luận về nhu cầu ứng dụng công nghệ đa phương tiện trong bảo tồn và phát huy văn hoá phi vật thể; giới thiệu các phần mềm-công cụ ứng dụng công nghệ đa phương tiện trong bảo tồn và phát huy văn hoá phi vật thể.

Trong thời gian diễn ra Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 10 ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các đại biểu. Hầu hết các ý kiến đều khẳng định: Trong thời đại công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ đa phương tiện trong bảo tồn là giải pháp tiến bộ, mang lại hiệu quả thiết thực trong phát huy giá trị di sản văn hoá  phi vật thể.

Nhân dịp này, các đại biểu đã cùng tham quan Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam; trải nghiệm công nghệ thực tại ảo trong bảo tồn văn hoá; công nghệ số hoá vật thể 3 chiều; công nghệ số hoá chuyển động 3 chiều cho nghệ sĩ; hệ thống lưu trữ dữ liệu đa phương tiện hỗ trợ bảo tồn văn hoá phi vật thể và hệ thống hỗ trợ giảng dạy vai mẫu trong kịch hát dân tộc.