Mùa Xuân ngân nga lời Sấng cọ

08:00, 26/01/2019

Hát Sấng cọ là nét văn hóa đặc trưng có từ lâu đời của người dân tộc Sán Chay. Mất một thời gian, điệu hát này gần như “vắng bóng” trong đời sống dân bản ở Đại Từ. Thời gian gần đây, một số nơi trên địa bàn huyện đã dần khôi phục lại. Vào những dịp lễ, Tết, cưới hỏi, điệu hát này lại được ngân lên, làm đẹp thêm đời sống văn hóa của bà con Sán Chay trên địa bàn.

Chúng tôi đến xã Phú Thịnh vào đúng ngày sinh hoạt của Câu lạc bộ hát Sấng cọ xã. Từ xa, chúng tôi đã nghe thấy làn điệu Sấng cọ từ phía nhà văn hóa xóm Đồng Chằm vọng lại. Ông Hầu Văn Ngôn, Chủ nhiệm LCB hát Sấng cọ tít đôi mắt cười khà khà khoe với chúng tôi: Ngày Xuân ở đây vui lắm. Trẻ con có manh áo mới chạy tung tăng hớn hở khoe nhau, chị em đi nương gặp nhau rôm rả chuyện làm bánh, mổ lợn, sắm sửa cho gia đình những món đồ mới ăn Tết. Đặc biệt là làn điệu Sấng cọ lại có dịp len sâu vào đời sống của bà con Sán Chay ở đây.

CLB hát Sấng cọ xã Phú Thịnh được thành lập từ năm 2015 với mong muốn khôi phục lại nét văn hóa riêng của đồng bào dân tộc Sán Chay và Cao Lan ở đây. CLB có hơn 20 thành viên, độ tuổi từ hơn 40 đến hơn 70. Lịch sinh hoạt của CLB vào các ngày mùng 5, 15 và 25 Âm lịch hằng tháng. Vào các ngày này, ngay từ sáng, các thành viên lại tụ họp tại nhà văn hóa xóm để cùng nhau hòa chung tiếng hát. Khi hát, các thành viên CLB đều sử dụng ngôn ngữ địa phương, mặc trang phục truyền thống dân tộc mình. Cứ đến ngày sinh hoạt, các thành viên háo hức lắm, hát hết bài này sang bài khác, đặc biệt là ôn lại những lời hát cổ trong các cuốn sách mà ông Ngôn đang lưu giữ.

Ông Ngôn là người có công lớn trong việc khôi phục lại điệu hát này ở Phú Thịnh. Chính ông đã bỏ công sức, thời gian để sưu tầm, lưu giữ, truyền lại cho mọi người những bài Sấng cọ, đặc biệt là những bài hát cổ. Hiện nay, ông đã sưu tầm và lưu giữ được 6 tập sách ghi chép với rất nhiều bài hát còn nguyên vẹn nội dung. Đây là những tập sách được ghi chép lại từ năm 1935 do cụ Lý Văn Thọ, cụ Hầu Văn Vượng và một số cụ yêu thích làn điệu Sấng cọ ghi chép lại và cất giữ. Ông Ngôn cho biết thêm: Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Sán Chay. Từ nhỏ, tôi đã được nghe những làn điệu Sấng cọ từ ông, bà. Nó theo tôi khi đi chăn trâu, làm rẫy và đi vào từng giấc ngủ, khi lớn lên nó cùng tôi gặp gỡ bạn bè, rồi xe duyên chồng vợ. Vì thế, tôi yêu điệu hát này và luôn đau đáu suy nghĩ làm thế nào gìn giữ nó.

Ngoài CLB hát Sấng cọ xã Phú Thịnh, xã Na Mao cũng đã thành lập CLB với trên 40 thành viên ở các xóm: Khuôn U, Văn Minh, Đồng Bản… Bà Trần Thị Án, Chủ nhiệm CLB cho biết: Từ bé, tôi đã được nghe hát Sấng cọ, bao điều hay, lẽ đẹp, đạo lý làm người, ông bà gửi cả vào câu hát mà giáo dục chúng tôi. Việc thành lập CLB ngoài việc để giữ gìn nét văn hóa đặc sắc này còn để bà con được giao lưu, học hỏi qua lời ca tiếng hát, vun đắp tình cảm, tình đoàn kết, gắn bó trong xóm, bản và đồng bào dân tộc Sán Chay các địa phương với nhau. Mong là điệu hát này sẽ còn ngân mãi để con cháu đời sau được nghe, được hát, được học cách làm người, đối nhân xử thế từ những câu hát thân thương của dân tộc mình mà trở thành người tốt.

Hát Sấng cọ hay còn gọi là hát ví Lưu tam, hát Xình ca là một làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc Sán Chay. Tùy mỗi địa phương, bà con có cách gọi khác nhau, nhưng tựu chung lại, đây là lối hát đối đáp nam nữ với những lời thơ thất ngôn trữ tình, giàu tình cảm. Sấng cọ mang tính giáo dục con người sự lương thiện, kính già, yêu trẻ, bày tỏ những tâm tư, tình cảm, ước muốn của bà con trong đời sống thường ngày, hay ca ngợi tình yêu con người qua những câu hát.

Sấng cọ có thể hát ở mọi lúc, mọi nơi, không hạn chế về không gian, thời gian. Mới gặp nhau thì hát lời chào hỏi, làm quen, trong các lễ hội, cưới hỏi, ngày Tết thì hát những lời tỏ tình và khi lên rẫy hái chè, bà con hát lời đối đáp dí dỏm… Chính vì thế, lời hát có nội dung rất phong phú. Tùy thuộc vào từng nội dung mà các bài hát có độ dài, ngắn khác nhau, mỗi bài hát có rất nhiều câu, mỗi câu gồm 28 từ, có bài hát đến thâu đếm, suốt sáng chưa hết. Nhưng tất cả nội dung các bài hát sấng cọ đều hướng con người vào những điều tốt đẹp. Chính điệu hát này đã xe nên duyên bao đôi vợ chồng, gắn chặt tình máu mủ, bằng hữu, làng xóm…

Ông Nguyễn Mạnh Hoạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Bởi những nét đẹp trong điệu hát Sấng cọ nên những năm gần đây, huyện Đại Từ đã đưa điệu hát này vào các chương trình lễ hội, văn nghệ nhằm đánh thức điệu hát này sau một thời gian “ngủ quên”. Đồng thời, huyện cũng khuyến khích các địa phương thành lập các CLB hát Sấng cọ để qua các buổi sinh hoạt của các CLB góp phần giữ gìn làn điệu Sấng cọ trong đời sống người dân tộc Sán Chay ở địa phương.