Các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới vẫn đang là “mỏ vàng” của ngành du lịch Việt Nam. Trong năm 2018, số lượng khách tham quan tới các Di sản Thế giới đều tăng so với năm 2017, thu về hàng nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, di sản thu hút du khách hàng đầu là Vịnh Hạ Long với 4,1 triệu khách, trong đó có 2,82 triệu khách quốc tế, mang lại doanh thu 1.184 tỷ đồng. Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đứng ở vị trí thứ hai với doanh thu 665,8 tỷ đồng, thứ ba là Quần thể di tích Cố đô Huế với 375 tỷ đồng, sau đó là Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng 231 tỷ đồng và Khu phố cổ Hội An 266,2 tỷ đồng. Đó là chưa kể những di sản khác đã và đang được khai thác rất tốt.
Mang lại nguồn lợi lớn nhưng các di sản chỉ được đầu tư “èo uột” và trở nên mong manh trước những kế hoạch khai thác chồng chéo, thiếu bền vững.
Vắt kiệt di sản
Báo cáo với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam mới đây, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa nhận, việc triển khai công tác tu bổ, tôn tạo di tích theo lộ trình đặt ra trong Quy hoạch tổng thể quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới còn chậm do khó khăn về kinh phí, đặc biệt là trường hợp của Thành nhà Hồ, Thánh địa Mỹ Sơn và Khu phố cổ Hội An.
Bên cạnh đó, một số dự án xây dựng, phát triển du lịch trong khu di sản có nguy cơ ảnh hưởng tới giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới nhưng chưa được các địa phương nghiên cứu đầy đủ và vẫn còn dự án xây dựng không phép trong di sản, mà vụ việc nhức nhối nhất trong năm qua có lẽ là việc xây dựng đường lên núi Cái Hạ thuộc Quẩn thể danh thắng Tràng An.
Và nhìn chung, vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ở các khu di sản vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, đau lòng nhất là trường hợp của Vịnh Hạ Long, Di sản Thiên nhiên Thế giới mỗi ngày phải gánh hàng tấn rác, hàng vạn khối nước thải.
“Nhìn vào Hội An hay Vịnh Hạ Long, chúng ta có thể thấy ngay những thách thức đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản” – Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Hà Nội, ông Michael Croft nhận định. “Tất nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng, việc bảo tồn và phát huy các di sản không hề dễ dàng đối với Việt Nam bởi các bạn đang phát triển rất nhanh.
Cũng là bình thường và dễ hiểu khi trước đây Việt Nam đo đếm thành công bằng những con số nhưng tôi nghĩ rằng, bản thân các bạn từ lâu đã có ý thức rằng thành công còn nằm ở chất lượng, ở những trải nhiệm mà du khách có được, ở việc họ chi tiêu bao nhiêu khi đến đây, họ ở bao lâu và họ có quay lại hay giới thiệu cho bạn bè đến đây hay không.”
Chia sẻ quan điểm của ông Michael Croft, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cũng cho rằng, “trong quá trình phát triển nhanh, không phải chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước luôn xuất hiện mâu thuẫn giữa phát triển và văn hóa.”
“Văn hóa là lĩnh vực ai cũng ‘phán’ được nhưng làm được không phải dễ”
Đó là nhận định của Thứ trưởng Lê Hoài Trung khi bàn về giải pháp vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị của các di sản bằng cách khai thác du lịch theo hướng phát triển bền vững.
Hiện lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan các Di sản Thế giới ở Việt Nam vẫn chưa theo kịp các nước trong khu vực và trên thế giới nhưng tác động của việc khai thác du lịch theo hướng không bền vững đã tạo ra nhiều vết sẹo không thể lành đối với các di sản. Theo xu hướng liên tục tăng trưởng của lượng du khách đến Việt Nam, giới chức địa phương và ban quản lý các di sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong việc bảo tồn cung như đảm bảo cơ sở hạ tầng để tiếp đón lượng khách ngày càng tăng.
Đó là lý do vì sao Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đang tích cực hợp tác với các bộ, ban, ngành của Việt Nam để xây dựng một ngành công nghiệp du lịch bền vững dựa vào thế mạnh là các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Theo đó, UNESCO sẽ đóng vai trò là chuyên gia tư vấn những kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam phát triển bền vững.
“Điểm mấu chốt là chúng tôi cùng ngồi với nhau để lên kế hoạch, dựa trên chiến lược mà Ủy ban UNESCO Việt Nam đề ra theo tầm nhìn của chính phủ. Điều này là để đảm bảo những gì chúng tôi làm đều phù hợp với những ưu tiên của Việt Nam. Cách hợp tác này giúp chúng tôi tin tưởng và đặt nhiều tham vọng bởi chúng tôi đang làm việc với những ưu tiên của chính phủ Việt Nam” – ông Michael Croft cho biết.
Thực tế, UNESCO đã có các khuyến nghị đối với những di sản đã được công nhận như Thành nhà Hồ hay Hoàng thành Thăng Long và lãnh đạo các địa phương cũng đã tiếp thu những khuyến nghị đó nhưng các biện pháp hành động chưa thực sự mạnh mẽ.
“Muốn tranh thủ được UNESCO là chúng ta phải tranh thủ được ý tưởng và kinh nghiệm của UNESCO” – Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh. “Cách làm tốt nhất là các địa phương chủ động, chủ trì đề xuất và là chủ đầu tư cho các di sản của họ còn Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam hay Văn phòng UNESCO tại Hà Nội chỉ hỗ trợ về mặt chuyên môn. Có như thế mới huy động được nguồn vốn và là cách để các địa phương chịu trách nhiệm với chính di sản của họ”./.