Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể luôn được ngành Văn hoá của tỉnh quan tâm thực hiện tốt. Thời gian qua, việc thực hiện công tác này đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều di sản được khôi phục, phục dựng, bảo tồn, được “đánh thức” và thực sự phát huy giá trị.
Ông Trần Cơ Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Năm vừa qua, ngành Văn hoá của tỉnh đã gặt hái được nhiều thành công trên lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá. Minh chứng là việc ngành đã tham mưu cho tỉnh tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Đại đội 915 anh hùng - Chiến công và sự hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”; xuất bản kỷ yếu Hội thảo khoa học; tổ chức triển lãm “Di sản văn hóa Thái Nguyên - Bảo vệ và trao truyền”.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng 3 di tích lịch sử; công nhận 5 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; UBND tỉnh xếp hạng 6 di tích. Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, đơn vị thực hiện công tác quản lý di sản văn hóa kịp thời, đúng quy định. Phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học Di tích Nơi Báo Nhân Dân ra số đầu tiên (11-3-951) và Xưởng in Tiến Bộ (Định Hóa). Tiếp tục thực hiện đề tài khoa học “Sưu tầm, tư liệu hóa hệ thống văn bia Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích tỉnh Thái Nguyên”, Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”.
Hoạt động bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của ngành góp phần làm sống lại nhiều di sản quý báu của dân tộc, của địa phương. Đặc biệt là trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều di sản độc đáo, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc gần như bị lãng quên đã được các cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm đầu tư tôn tạo, phục dựng và nhanh chóng đi vào đời sống xã hội.
Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hoá chia sẻ: Theo dòng chảy của thời gian, sự giao thoa văn hoá giữa các dân tộc, các vùng miền, nhất là vào những năm gần đây, công nghệ thông tin phát triển và cuộc sống hiện đại đã nhanh chóng làm thay đổi đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều giá trị văn hóa mới được đồng bào tiếp thu và sử dụng nhiều hơn, kéo theo đó là những nét đẹp văn hóa đặc trưng cũng dần mai một. Khắc phục tình trạng này, từ nhiều năm gần đây, được sự quan tâm của tỉnh và việc trực tiếp vào cuộc của ngành văn hoá trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Điển hình là việc ngành triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc. Đặc biệt từ năm 2014, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 với mục tiêu huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhằm bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa, trong đó công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số cũng được coi trọng. Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết, từ cách đây ít năm, ngành chủ động ký kết với Ban Dân tộc tỉnh về Chương trình đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vùng đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi; đồng thời trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh quyết định ban hành kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh. Ông Hoàng Minh Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh cho biết: Bằng nguồn vốn sự nghiệp của tỉnh, bằng kinh phí chương trình mục tiêu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp, trong những năm gần đây, ngành văn hoá đã triển khai, thực hiện được một số đề tài khoa học, tiêu biểu là các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn âm nhạc dân gian các dân tộc Thái Nguyên; phục dựng đám cưới của người Tày ở xã Lam Vĩ (Định Hoá); đám cưới của dân tộc Sán Dìu, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ); Lễ cầu mùa của dân tộc Sán Dìu, xã Tức Tranh (Phú Lương); Lễ cấp sắc của người dân tộc Sán Dìu, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ)…