Duyên dáng áo dài truyền thống

09:41, 06/02/2019

Trải qua hàng nghìn năm, chiếc áo dài mang quốc hồn quốc túy vẫn là một phần không thể thiếu trong văn hóa người Việt. Với nét đẹp dịu dàng, duyên dáng mà sang trọng, ngày càng nhiều phụ nữ, trong đó có phụ nữ Thái Nguyên chọn áo dài làm trang phục trong các dịp lễ hội, đặc biệt là mỗi độ Tết đến Xuân về.

Từ thời Pháp thuộc, kế thừa các giá trị truyền thống từ áo tứ thân, ngũ thân, người Việt đã tạo ra một kiểu áo dài cổ kín, thu nhỏ cổ, gấu, nẹp tà, thân áo ôm sát người, cài nút bên phải. Tà được xẻ cao hơn để dáng áo thêm phần mềm mại. Đặc biệt áo dài xưa đều phải có 5 khuy áo nằm cân xứng vị trí cố định. 5 khuy áo tượng trưng cho “ngũ luân” theo Nho giáo đó là quan hệ xã hội giữa người với người: vua tôi, thầy trò, cha con, chồng vợ và bạn bè. Tượng trưng cho ngũ hành: Kim - mộc - thủy - hỏa - thổ; “ngũ thườngtượng trưng cho người quân tử theo đạo Khổng: Nhân - lễ - nghĩa - trí - tín. Trong triết lý nhà Phật 5 khuy lại tượng trưng cho ngũ uẩn - 5 yếu tố tạo thành một con người: Sắc - thọ - tưởng - hành - thức (hình thể, cảm xúc, nhận thức, quá trình suy nghĩ và ý thức).

Áo dài “truyền thống” vốn dĩ đã trải qua nhiều lần đổi thay. Còn nhớ dịp Tết Đinh Dậu 2017, áo dài cách tân rất được lòng phái nữ của mảnh đất Thái Nguyên. Chiếc áo này, chiều dài được thu ngắn, chất liệu vải may áo được thay đổi nên hai vạt trước sau không mềm mại, họa tiết sặc sỡ, bắt mắt. Quần thì được thay bằng chân váy xòe. Chị Nguyễn Thị Hiền, tổ 20, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) nói: Đây là thiết kế sáng tạo, phụ nữ thời này năng động, vội vã hơn nên thiết kế áo dài “ngắn hơn” và mang tính ứng dụng cao. Tuy nhiên, chị Hứa Thu Duyên, tổ 13, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Chiếc áo dài truyền thống bị lai căng, kệch cỡm, người mặc mất đi dáng hình thướt tha của tà áo dài.

Bẵng đi một thời gian, sau khi thử nghiệm với mốt áo dài cách tân thì nhiều phụ nữ ở Thái Nguyên lại quay trở lại với chiếc áo dài truyền thống. Dạo qua các tuyến phố như: Lương Ngọc Quyến, Hoàng Văn Thụ, Bến Tượng (T.P Thái Nguyên)… chúng tôi thấy có đến gần 30 tiệm may đo, cho thuê áo dài. Theo anh Lê Văn Phương, chủ nhà may Minh Phương, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), hàng năm, lượng khách đến may áo bắt đầu đông hơn vào mùa cưới (khoảng tháng 10 âm lịch) và đông nhất là vào dịp giáp Tết Nguyên đán.

Để có một chiếc áo dài đẹp, việc chọn chất liệu vải may áo là khâu quan trọng nhất. Màu sắc vải phải phù hợp vóc dáng từng người. Khách chọn vải, chọn mẫu may áo cũng cần biết tiết chế, chừng mực, tránh phản cảm. Vải để may áo dài vô cùng đa dạng, từ vải lụa mềm mịn, lụa tơ tằm truyền thống sờ vào thấy mát tay đến vải voan sóng mềm, vải gấm, nhung dày dặn, bóng bẩy với hoa chìm lộng lẫy. Chất vải quá mỏng thì cần có thêm lớp lót. Vải ren chọn loại chạm vào dày dặn nhưng mặc không bị nóng. Vải in họa tiết tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống như hái dừa, rồng, phượng, cá chép, Vinh hoa phú quý… cũng được chị em ưa chuộng. Trước khi may, người thợ phải lấy số đo thật chuẩn xác như số đo dài áo, hạ ngực, hạ eo trước sau, đo vừa người, không đo rộng cũng không đo chật mới tôn được vóc dáng của người mặc..

Ngoài việc lựa chọn dáng áo dài (vạt rộng hoặc hẹp hơn), mọi người thường chú ý đến chọn loại cổ, tay và độ dài áo. Ngày nay kiểu cổ áo dài được biến tấu đa dạng, Tùy người, tùy dáng, người ta chọn áo dài không cổ hoặc cổ tròng, cổ thuyền, cổ vuông. Cổ áo thông dụng nhất hiện nay là loại cổ tròn ba phân. Kiểu cổ áo này tôn lên vẻ đẹp chiếc cổ kiêu cao ba ngấn, thanh tú của người phụ nữ. Để thuận tiện cho người mặc, cúc áo ngày nay được các thợ may tra dây kéo sóng lưng hoặc bên eo. Quần mặc áo dài được may chấm gót, ống rộng với vải lụa mềm hay phi bóng, tùy theo sở thích (có thể may 2 lớp để tạo độ buông, rủ thướt tha). Thời gian gần đây nhiều người trẻ ở Thái Nguyên còn có xu hướng may quần cùng tông màu với áo dài.

Chị Nguyễn Thị Hằng, Phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), là một “tín đồ” của chiếc áo dài truyền thống chia sẻ: Chiếc áo dài giúp dáng vóc của chị em thon thả hơn. Tuy nhiên, khi mặc áo dài, dáng đi phải từ tốn, khoan thai. Dù mặc áo dài cổ cao hay thấp thì nên giữ lưng thật thẳng, ngẩng cao đầu. Người mặc áo dài phải toát lên được hình ảnh dịu dàng và nền nã, nữ tính nhưng kiêu hãnh và quý phái như chính bộ trang phục làm nên con người họ vậy.

Trong những ngày Tết, bao thiếu nữ thướt tha trong tà áo dài màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc; lũ trẻ diện áo dài hoa nhí nhảnh; các chị, các bà lớn tuổi thì trưng diện áo dài nhung đính cườm, sang trọng nổi bật… xuất hiện trên những cung đường yên ả nơi thành phố thép tạo thành bức tranh mùa xuân vô cùng sinh động.