Thời gian qua, cùng với việc tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, T.X Phổ Yên luôn quan tâm thực hiện tốt chương trình phát triển văn hóa - thể thao (VH-TT). Từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển toàn diện, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Thị Kim Tuyết, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin T.X Phổ Yên cho biết: Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được Thị xã tập trung tuyên truyền, triển khai sâu rộng trong nhân dân. Thị xã đã đưa ra các chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hóa, xóm, tổ dân phố văn hóa và cơ quan, đơn vị văn hóa gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm, căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương, ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các xã, phường đều xây dựng kế hoạch phù hợp và tổ chức cho các hộ dân đăng ký tham gia xây dựng gia đình văn hóa. Thông qua thực hiện phong trào, các khu dân cư từng bước xây dựng được hương ước, quy ước; những hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ; tình hình an ninh trật tự trên địa bàn bảo đảm. Hiện nay, toàn Thị xã có trên 90% số hộ đạt gia đình văn hóa, 85% các xóm, tổ dân phố và 96,5% các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa...
Về T.X Phổ Yên hôm nay, chúng tôi nhận thấy nhiều công trình cơ sở vật chất văn hóa tại các xã, phường đã được đầu tư xây dựng khang trang với đầy đủ những hạng mục cần thiết theo quy định, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các hoạt động VH-TT của bà con nhân dân. Được biết trong 3 năm gần đây, Thị xã đã đầu tư xây dựng mới 11 trung tâm văn hóa xã, 89 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố (với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng), sửa chữa 85 nhà văn hóa (với kinh phí trên 4 tỷ đồng)... Bà Lý Thị Liễu, một người dân ở xóm Hạ Đạt, xã Thành Công, cho biết: Trước đây, khi chưa có nhà văn hóa, các cuộc họp, sinh hoạt tập thể của xóm đều phải nhờ tại nhà của lãnh đạo xóm hoặc hộ dân nên rất bất tiện. Năm 2018, nhà văn hóa xóm Hạ Đạt đã được xây dựng với diện tích 157m2, tổng kinh phí 569 triệu đồng. Từ đó, vào cuối mỗi buổi chiều, người dân ở mọi lứa tuổi đều tích cực tham gia luyện tập văn nghệ, thể thao. Nhờ đó, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó, người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Song song với xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, công tác thể dục thể thao cũng được Thị xã quan tâm, đẩy mạnh. Đến nay, 100% các xã, phường đã có điểm vui chơi, luyện tập thể thao với 300 sân cầu lông, 22 sân bóng chuyền, 17 sân bóng rổ, 25 sân bóng đá mini, 9 sân tennis, 8 bể bơi. Hàng năm, các địa phương đều tổ chức giải thể thao gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội của đất nước, Thị xã với một số môn thể thao truyền thống như: Đẩy gậy, kéo co, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn… Thông qua các hoạt động này, nhiều câu lạc bộ thể thao đã được hình thành và duy trì luyện tập thường xuyên; chất lượng các môn thể thao cũng được nâng lên; nhiều tập thể, cá nhân đã giành được thành tích cao trong các giải đấu do tỉnh và địa phương tổ chức. Nhằm phát triển văn hóa đọc và nâng cao kiến thức trong cộng đồng, Thư viện Thị xã cũng thường xuyên mở cửa, đón hơn 500 lượt bạn đọc/năm với trên 500 đầu sách, báo, tạp chí. Ngoài ra, Thư viện Thị xã cũng thực hiện luân chuyển sách, báo đến điểm thư viện các xã, phường và trường học, phục vụ nhu cầu tìm hiểu kiến thức, thông tin của nhân dân, học sinh. Em Lý Thị Trang, học sinh Trường THCS Đỗ Cận cho biết: Tại Thư viện Thị xã, các đầu sách được cập nhật với đa dạng chủng loại, hệ thống mạng Internet cũng được trang bị đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin cũng như giải trí của người dân.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên cho biết: Nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Thị xã thường xuyên đổi mới và nâng cấp chất lượng hoạt động của cổng thông tin điện tử nhằm đáp ứng tuyên truyền các hoạt động, sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội của đất nước và địa phương. Hàng năm, Thị xã cũng bố trí nguồn ngân sách từ 4,7-6,3 tỷ đồng cho công tác quản lý văn hóa và các hoạt động sự nghiệp phục vụ nhiệm vụ chung của địa phương; từ 2,3-2,9 tỷ đồng cho công tác quản lý và phát triển truyền thanh, truyền hình Thị xã. Ngoài ra, Thị xã cũng kêu gọi xã hội hóa, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động VH-TT; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động VH-TT của địa phương… Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, toàn Thị xã có trên 90% số hộ đạt gia đình văn hóa (tăng trên 3% so với năm 2017); tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể thao đạt 50% (tăng 7% so với năm 2017); 100% người dân được sử dụng phương tiện thông tin liên lạc; các di tích lịch sử được gìn giữ và phát huy có hiệu quả…
Để phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn T.X Phổ Yên tiếp tục lan tỏa sâu rộng, Thị xã sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các địa phương thực hiện tốt các vấn đề ở khu dân cư như: Bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện tiết kiệm trong việc tang, cưới hỏi… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, môi trường sống lành mạnh; duy trì và phát triển hoạt động của các câu lạc bộ và lớp năng khiếu văn nghệ, thể thao…