Văn học năm 2018 nhìn từ giải thưởng

09:17, 02/02/2019

Trong các hoạt động văn học diễn ra vào dịp cuối năm, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội vốn được coi là những giải thưởng uy tín, thường thu hút sự chú ý và chờ đợi của đông đảo bạn đọc. Năm 2018, việc giải thưởng của một số thể loại tiếp tục bị bỏ trống, nhất là thơ và văn xuôi khiến người ta gọi vui đó là sự “mất mùa” văn chương.

Trước hết, nhìn từ giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội thì năm 2018 được coi là một năm khá trầm lắng. Không có giải thưởng văn xuôi, thơ, lý luận phê bình; chỉ có giải thưởng về dịch thuật trao cho dịch giả Hoàng Ðăng Lãnh với tác phẩm Diệt vong của nhà văn Áo Thô-mát Bơn-hát (Thomas Bernhard). Ðây là năm thứ hai liên tiếp, thể loại thơ không có giải.

Với các giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam vừa được trao, tình hình cũng không khả quan hơn. Giải thưởng lý luận phê bình thuộc về cuốn Văn học Nga hiện đại, những vấn đề lý thuyết và lịch sử của Trần Thị Phương Phương; giải dịch thuật trao cho hai cuốn: Tương lai được viết trên đá cổ, thơ của (Phéc-nan-đô Ren-đô, Fernando Rando người Cô-lôm-bi-a), do Phạm Long Quận dịch; và Hoàng đế, tiểu thuyết của (Ri-sác Ca-pu-xchin-xki Riszard Kapuschinski, người Ba Lan) do Nguyễn Chí Thuật dịch. (Năm ngoái, Nguyễn Chí Thuật cũng đã đoạt giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội với tác phẩm Búp bê của một nhà văn Ba Lan là Bô-le-xláp Pru-xơ). Có thể thấy, cả ba cuốn sách được trao giải thưởng đều mang “yếu tố nước ngoài” và đây là năm thứ hai liên tiếp Hội Nhà văn Việt Nam không có giải thưởng cho thơ và văn xuôi. Phải chăng, việc cả hai Hội đều trao giải thưởng cho các tác phẩm văn học dịch và lý luận phê bình về văn học Nga là để bảo đảm “an toàn” về mặt chất lượng?

Hiện nay, mỗi năm có hàng chục nghìn đầu sách xuất bản, không ít trong số đó là sách văn học. Theo nhà thơ Trần Quang Quý, chỉ tính riêng Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2018 có khoảng 4.000 đầu sách văn học ra đời. Năm nay, số lượng tác phẩm được giới thiệu dự giải cũng khá nhiều theo báo cáo của Hội Nhà văn Việt Nam, thơ có 141 cuốn, văn xuôi 67, lý luận phê bình 24 và dịch thuật 14. Với số lượng lớn như vậy mà không tìm được tác phẩm để trao giải, nhất là trong lĩnh vực sáng tác vốn được coi là thể loại chủ lực của văn học, là điều khiến dư luận băn khoăn, lo lắng.

Hằng năm, các hoạt động liên quan đến văn học và phục vụ sáng tác diễn ra rất phong phú, đa dạng. Nhiều hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu học thuật được tổ chức; rồi mở trại sáng tác, đi thực tế, tài trợ sáng tác; hội chợ sách (trong nước và nước ngoài) cùng rất nhiều cuộc ra mắt sách… Số lượng đầu sách nhiều cũng chứng tỏ đội ngũ cầm bút ngày một đông lên, vậy mà vẫn không có sách hay. Tại sao? Có phải tất cả lý do bị đổ cho mặt trái của kinh tế thị trường, cho chuyện cơm áo gạo tiền, cho sự kiểm duyệt chặt chẽ hoặc thậm chí do sự bất an trong “tâm thức xã hội” như ai đó từng lý giải?

Nguyên nhân chưa có tác phẩm hay (dẫu chỉ xét theo tiêu chí giải thưởng văn học hằng năm) rất nhiều người viết bài này chỉ đề cập trong phạm vi sáng tác và xuất bản tác phẩm.

Chưa bao giờ (và càng ngày) tình hình xuất bản lại thông thoáng, dễ dãi như bây giờ. Hiện tượng khá phổ biến hiện nay là nhiều nhà xuất bản chỉ quan tâm đến thị hiếu mua sách của người đọc (hiệu quả kinh tế) và việc “gác” những sai phạm về chính trị mà không mấy chú ý đến chất lượng tác phẩm, miễn sao đừng quá tệ là được. Kênh liên kết xuất bản với các công ty văn hóa, truyền thông, các nhà sách… có mặt tốt là huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia khai thác bản thảo và đưa sách ra thị trường. Nhưng hệ lụy của sự liên kết này là nhiều nhà xuất bản trở nên lười biếng, ỷ lại, khoán trắng việc tìm kiếm, đầu tư và kinh doanh sách cho các đơn vị tư nhân. Và đây cũng là “cửa” để những cuốn sách xoàng xĩnh dễ dàng được cấp phép ra đời. Một số giám đốc nhà xuất bản thú thực rằng, nếu không có nguồn thu từ việc “bán” giấy phép và in sách đặt hàng (của nhà nước và cá nhân) thì không thể tồn tại được!

Như vậy, số lượng hàng chục nghìn đầu sách văn học ra đời hằng năm gần như không phản ánh đúng chất lượng văn chương. Với người viết nghiệp dư, in sách để làm kỷ niệm cho cá nhân, gia đình hoặc thậm chí để “khoe” với ai đó thì không bàn. Nhưng với người viết chuyên nghiệp, sự buông lỏng chất lượng của các “chủ bút” dẫn đến sự dễ dãi sáng tạo, nhanh chóng thỏa mãn với bản thân hoặc thành tựu trong quá khứ. Sáng tạo là lĩnh vực đặc biệt, giống như con thuyền đi ngược dòng nước, không tiến, ắt phải lùi. Ðây có lẽ là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng như chúng ta đã thấy, sách thì nhiều mà tác phẩm lại vô cùng thiếu. Dường như sự suy giảm văn hóa đọc có nguyên nhân từ việc “loạn” sách trên thị trường, vàng thau lẫn lộn? Ðiều này xảy ra với chính giới cầm bút. Nhiều nhà văn khi in sách đã kiên quyết không tặng bạn văn vì nhận ra đa phần người được tặng sẽ không đọc; người ta chỉ đọc sách khi bỏ tiền ra mua, nghĩa là khi thật sự có nhu cầu.

Có một hiện tượng đáng chú ý là những năm gần đây xuất hiện khá đông tác giả không chuyên, viết sách như một dạng tự truyện từ đời sống máu thịt của mình, trong đó có những cuốn nội dung hay, lạ, hấp dẫn, gây xôn xao văn đàn. Nhiều người làm xuất bản mừng cho rằng đây là tín hiệu khởi sắc của văn học nước nhà. Thế nhưng khá nhiều tác giả trong số ấy lại chia sẻ rằng, họ viết văn như một cách thỏa mãn nhu cầu tự thân, viết xong câu chuyện của mình thì cũng “hết chuyện” luôn, không viết tiếp nữa. Một nền văn học dựa trên sự ngẫu hứng và ăn may thì khó có thể tiến lên một cách ổn định và bền vững được! Cùng với nhiều giải pháp đang được thực hiện, thì việc chấn chỉnh lại hoạt động xuất bản cả về nhận thức, tiêu chí và cơ chế hoạt động từ cấp quản lý đến cấp thực hiện là việc cần thiết để nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, nhất là trong lĩnh vực sách văn học, nghệ thuật.

Giải thưởng văn học hằng năm là một kênh để đánh giá tình hình sáng tác, chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, phát hiện tài năng, cổ vũ những xu hướng sáng tác mới. Việc thiếu vắng giải thưởng trong lĩnh vực thơ và văn xuôi trước hết là do chất lượng tác phẩm và tài năng của tác giả. Nhưng như người ta thường nói: Hội đồng nào thì giải thưởng ấy. Giữ uy tín của giải thưởng, không hạ thấp tiêu chí chất lượng, không để xảy ra tình trạng “ban phát”, “mặt trận”, “quan hệ cá nhân” khi chấm giải là điều rất đáng trọng; nhưng chọn ngưỡng “an toàn”, thiếu con mắt xanh hoặc quá nghiêm khắc trong đánh giá thì sẽ không phản ánh đúng tình hình sáng tác văn học và có thể làm nản lòng người sáng tạo. Ðây hẳn cũng là mong muốn của bạn đọc và những người cầm bút gửi tới các hội đồng giải thưởng văn học thời gian tới.