Văn minh lễ hội

08:06, 15/02/2019

Hiện nay, cả nước có tới 8.000 lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức vào các thời điểm khác nhau trong năm, nhưng chủ yếu tập trung vào dịp sau Tết Nguyên đán. Năm nào cũng vậy, dù các cơ quan hữu trách không ngừng tuyên truyền và có những biện pháp quản lý cụ thể, song vẫn còn đó những biến tướng cũng như nhiều biểu hiện thiếu văn minh từ hoạt động lễ hội.

Cách đây mấy hôm, trên mạng xã hội và một vài tờ báo điện tử có đăng thông tin và hình ảnh cho thấy, ngay sau khi Lễ hội đền Đuổm ở Phú Lương kết thúc, rác thải đã ngập tràn phía sân trước cửa đền, bên dưới sân khấu nơi tổ chức lễ hội. Trước đó, Ban Tổ chức lễ hội cũng như chính quyền địa phương đã tuyên truyền, phổ biến quy định về giữ gìn an ninh trật tự và vệ sinh chung nhưng người đi lễ cũng như các cửa hàng kinh doanh xung quanh khu vực Đền đã không chấp hành quy định. Vẫn còn tình trạng đốt hương quá nhiều và xả rác bừa bãi ra xung quanh, khiến môi trường và cảnh quan lễ hội bị ảnh hưởng.

Một trường hợp khác, ngay sau ngày đầu tiên khai hội Thanh Ninh, xã Thanh Ninh (Phú Bình), lợi dụng việc tổ chức lễ hội đông đúc, một số đối tượng đã trà trộn buôn bán hàng cấm và tổ chức các trò chơi trá hình để đánh bạc. Do là lễ hội văn hóa truyền thống của người dân địa phương nên thu hút tới hàng nghìn lượt người dân và du khách tới tham gia. Theo cơ quan chức năng ở địa phương, ngay trong buổi tối khai hội (ngày mùng 8 tháng Giêng), lực lượng công an đã thu giữ 26 khẩu súng đồ chơi nằm trong danh mục hàng cấm buôn bán vận chuyển của Bộ Công an. Tại đây, lực lượng chức năng còn phát hiện và xử lý một vụ có dấu hiệu đánh bạc dưới hình thức trò chơi phi tiêu ăn tiền...

Cũng trong các hoạt động lễ hội, nhiều biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt được phô bày. Nào là hiện tượng mê tín dị đoan, cúng bái, đốt vàng mã ngập tràn gây lãng phí, ô nhiễm môi trường và xấu cảnh quan xung quanh khu vực lễ hội. Nào là hiện tượng ăn xin tụ tập nơi cửa chùa, cửa đền, hiện tượng cướp lễ vật lấy may, hiện tượng chèo kéo du khách, tăng giá vé gửi xe, giá sản phẩm và giá các dịch vụ khác… Gần như không năm nào là không có những hình ảnh xấu xí xuất hiện tại các lễ hội.

Trong hoạt động lễ hội có rất nhiều loại hình dịch vụ ăn theo, trong đó đáng chú ý là loại hình nhà hàng, quán xá cung cấp thực phẩm, đồ ăn nhanh tại chỗ. Và thực tế thì gần như vấn đề an toàn thực phẩm tại đây đều chưa được kiểm soát chặt chẽ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, nguồn nước không được kiểm định, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Được biết, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm Kỷ Hợi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký công điện đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức lễ hội, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, văn minh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực; không để xảy ra hoạt động phản cảm; ngăn chặn tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách tại các điểm du lịch, lễ hội…

Đi lễ hội đầu năm là một nét đẹp văn hóa, nhưng cũng không vì thế mà quá sa đà để rồi quên đi nhiệm vụ, công việc mà mỗi người phải thực hiện ngay từ đầu năm. Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng cũng không vì thế mà lợi dụng để hoạt động mê tín dị đoan, buôn thần, bán thánh vụ lợi cá nhân. Đất nước ngày càng văn minh, phát triển thì ý thức cộng đồng của người dân càng cần được nâng lên. Hãy cùng nhau biến lễ hội thành những ngày hội văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với phong tục tập quán vùng miền, đặc biệt là phải thể hiện được nét văn minh cần có trong mỗi lễ hội.