Nhà báo, nhà thơ Hải Như và tôi

21:55, 16/04/2019

So với những bác, bá khác là học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, tôi được tiếp xúc nhà thơ, nhà báo Hải Như nhiều nhất, dễ không dưới 4 lần.

Những năm 1969, 1970 do là học sinh có khiếu ngâm thơ, tôi hay được đi phục vụ các hội nghị, đại hội của xã. Tôi thường ngâm bài Bác ơi, Theo chân Bác của nhà thơ Tố Hữu; Chúng cháu canh giấc Bác ngủ Bác Hồ ơi của Hải Như.

"Trăng vào cửa sổ đòi thơ

Bác vừa chợp mắt xin chờ trăng ơi

Chúng ta bước nhẹ chân, nhẹ nữa

Trăng trăng ơi hãy yên lặng cúi đầu

Cả cuộc đời Bác có ngủ yên đâu

Nay Bác ngủ chúng cháu canh giấc ngủ"...

Vì thế khi gặp nhà thơ lần đầu năm 1992 tại Báo Bắc Thái, chúng tôi mến phục, nể trọng bác Hải Như. Ngược lại bác Hải Như luôn thân thiện, cởi mở trong các cuộc phỏng vấn... "Đến với Huỳnh Thúc Kháng, chúng tôi đã làm phóng viên hoạt động tại chiến khu rồi. Đi từ Định Hóa, Chiêm Hóa xuống có mấy người, trong đó bên Sự Thật có Trung Chính, Nguyễn Hồng (Thép Mới), Trần Kiên, chúng tôi tự hào vì được học tại đó"...

Nhà thơ Hải Như cùng nhạc sĩ Văn Cao.

Ba lần sau bác về Thái Nguyên, lúc ấy tuổi đã cao nên thường có bác gái đi cùng để chăm sóc nhau sớm tối. Chúng tôi bố trí hai bác ở Nhà khách Tỉnh ủy cho yên tĩnh, lại gần Ban Chăm sóc bảo vệ sức khỏe. Vì là nhà báo lão thành, lại trong hành trình giúp tỉnh tìm địa chỉ đỏ một thời nên Hải Như là khách quý của Tỉnh ủy... Mỗi đợt như vậy dễ đến một tuần. Lần nào về Hải Như đều có tác phẩm đăng báo, động viên, giới thiệu về tỉnh rất nhiều. Lần cuối, Hải Như về dự 60 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam năm 2010. Lần này, như linh tính sẽ không trở lại nữa, bác chốt lại: Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đóng tại xóm Bờ Rạ, Gốc Mít thuộc xã Tân Thái, Cơ quan Văn nghệ Cứu quốc đóng tại xóm Chòi, xã Yên Mỹ cách nhau 10 cây số. Trường chỉ có 1 lớp khoảng 42 người, 29 giảng viên là lãnh đạo đến giảng. Đề nghị hậu thế dựng bia bên hồ Núi Cốc, vinh danh thiên cổ...

Nhà thơ bồi hồi nắm tay tôi tặng cuốn sách, "Ở hai dòng văn chương - Sách của nhà báo thời đổi mới". Trên đó ông ghi "Phan Hữu Minh quý mến - người biết đổi mới, biết phát hiện và trân trọng những giá trị đích thực, chức năng cao quý của người làm báo chân chính mọi thời. Giữa anh và Hải Như có một nhân duyên - nói theo nhà Phật...

Phong cách nhà báo, nhà thơ của Hải Như là thế này:

Tạm biệt Văn Cao

"Từ nay địa chỉ anh không ở Yết Kiêu mà Mai Dịch

Cuộc chuyển đổi này

Nhạc sĩ sống mãi với Trương Chi

..................

Địa chỉ cuối cùng người nghệ sĩ

Nằm trong bộ nhớ nhân dân, bộ nhớ chung thành..."

Những ngày chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, tôi đã tìm kiếm trong tủ tư liệu và gặp những trang có giá trị về Hải Như. Tên thật: Nguyễn Như Hải, sinh năm 1923 tại Nam Định. Tham gia quân đội tháng 12-1946; Thư ký tòa soạn Báo Sông Lô năm 1948; Học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949; Biên tập Văn nghệ Cứu quốc quân năm 1950, Văn nghệ Cứu quốc quân năm 1955...

Nhà nhơ Hải Như viết tặng nhà báo Hữu Minh.

Tôi cũng đã nhắn vào địa chỉ: Tổ 3, khu phố 2, Hà Huy Giáp, quận 12, T.P Hồ Chí Minh báo tin, nhân kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đã dựng Bia Di tích lịch sử quốc gia nơi tổ chức Trường các ông học năm 1949 bên hồ Núi Cốc rồi./.