Hiện nay, hoạt động của hệ thống thư viện cấp xã, huyện trên địa bàn tỉnh đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Điển hình như tại địa bàn huyện Võ Nhai, thư viện cấp huyện, tủ sách cấp thị trấn, xã đang hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí tiền của Nhà nước.
Hôm chúng tôi có mặt, dù đã 9 giờ 30 phút nhưng Thư viện huyện Võ Nhai vẫn cửa đóng, then cài. Phải khi chúng tôi liên hệ với Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thông của huyện, thì mới có cán bộ đến mở cửa Thư viện. Thư viện huyện rộng gần 30m2, với 6 giá sách, gần 1.000 đầu sách về văn hóa, dành cho thiếu nhi, tìm hiểu pháp luật... Trung bình mỗi năm, Thư viện huyện được cấp thêm từ 100-200 đầu sách nhưng đến nay hầu hết các loại tài liệu, sách, báo đã cũ, ít chủng loại. Đến thời điểm này, Thư viện chưa ứng dụng Internet vào phục vụ độc giả.
Anh Lưu Văn Thẩm, cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thông huyện Võ Nhai, kiêm nhiệm công tác Thư viện phân trần: Công việc chính của tôi là phụ trách thể thao, nhà văn hóa, tuyên truyền lưu động, còn công tác thư viện chỉ làm kiêm nhiệm. Do quỹ thời gian có hạn, công việc chính rất bận rộn nên tôi gặp nhiều khó khăn trong công tác thư viện. Theo quy định, Thư viện mở cửa buổi sáng từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút; buổi chiều mở từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ. Nhưng sáng nay tôi có công việc bên Trung tâm nên mở cửa muộn hơn mọi ngày. Hằng ngày lượng người đến thư viên mượn sách rất ít, chỉ khoảng 2 đến 3 người, chủ yếu là trẻ em.
Từ phòng đọc nhìn ra khu vui chơi trẻ em, chúng tôi thấy có vài đứa trẻ đang vui đùa. Em Đỗ Yến Ly (thị Trấn Đình Cả) chia sẻ: Em thích đọc sách, đọc truyện nhưng chưa bao giờ vào Thư viện đọc sách vì em không biết trong căn phòng kia có sách, truyện để đọc.
Tương tự, Trung tâm Học tập cộng đồng thị trấn Đình Cả cũng trong tình trạng đóng cửa im lìm. Tại đây, có tủ sách với 100 đầu sách về pháp luật, sức khỏe, không có sách thiếu nhi… Anh Phạm Duy Lê, cán bộ văn hóa xã hội thị trấn cho biết: Từ năm 2015 đến nay, Thư viện huyện được cấp thêm 7 đầu sách. Chúng tôi đã tuyên truyền đến các xóm về số lượng, chủng loại sách nhưng hầu hết người dân đều không có nhu cầu đọc vì họ thường nắm bắt thông tin, kiến thức qua ti vi, đọc báo mạng trên điện thoại di động…
Theo thông kế của anh Lê, trung bình mỗi tháng, nơi này chỉ tiếp đón khoảng chục người đến đọc sách. Do không có người đọc nên sách được cấp chất đống tại phòng làm việc của Bộ phận “một cửa”. Khi nhân dân có nhu cầu, cán bộ mới mở cửa phòng đọc cho người dân. Ông Trịnh Thanh Phương, Chủ tịch UBND thị trấn Đình Cả cho hay: Hiện nay, tủ sách tại thị trấn và Trung tâm Học tập cộng đồng không phát huy được hiệu quả. Tủ sách pháp luật thì hầu như không có người đọc, chỉ có một số cán bộ cần tra cứu thông tin liên quan đến công việc mới tìm đọc…
Trên đây chỉ là hai minh chứng cho việc hoạt động kém hiệu quả của hệ thống thư viện cấp huyện, tủ sách cấp xã, thị trấn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại nhiều thư viện, tủ sách ở các địa phương khác trong tỉnh, tình trạng ít chủng loại sách, báo; nội dung sách, báo thiếu hấp dẫn đang khá phổ biến. Chính vì thế, các thư viện không thu hút được người dân đến mượn, đọc sách nên hoạt động cầm chừng, thiếu sự đầu tư. Để thư viện cấp huyện, xã hoạt động có hiệu quả, thiết nghĩ các cấp, ngành chức năng cần nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, không gian đọc sách nên thoải mái, bắt mắt; đổi mới tư duy, cách thức phục vụ để nhân dân dễ tiếp cận các nguồn sách, báo, tài liệu. Đối với thư viện có triển vọng, các địa phương nên bố trí kinh phí bổ sung sách mới, sách hay, có chế độ phù hợp cho cán bộ kiêm nhiệm phụ trách thư viện…