Lễ cưới truyền thống của đồng bào Dao

16:45, 11/08/2019

Theo phong tục truyền thống, trước đây, người Dao thực hiện nghi thức cưới hỏi khá cầu kỳ theo 5 bước, gồm: Nghi thức hỏi tuổi; thách cưới-hẹn ngày đặt trầu; lễ đặt trầu; lễ cưới và tổ chức lễ lại mặt. Ngày nay các thủ tục được rút ngắn lại, việc tổ chức cưới hỏi cũng gọn nhẹ hơn, chỉ còn các bước: nhà trai sang xin phép bên nhà gái cho hai con tìm hiểu đi lại với nhau, chọn ngày đẹp sang nhà gái làm lễ ăn hỏi để làm lễ đặt trầu, cuối cùng là xin cưới và làm lễ lại mặt.

Theo phong tục, người Dao quan niệm hôn nhân là một việc trọng đại không chỉ đối với đôi trai gái mà còn với cả hai bên gia đình, dòng họ. Nam nữ dân tộc Dao khi đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu, tìm kiếm bạn đời. Trước kia trai gái Dao chỉ được phép lấy người cùng dân tộc Dao, nhưng ngày nay họ có thể kết duyên tự do với người dân tộc khác. Cùng với đó, các thủ tục cưới hỏi ngày nay cũng đã được đơn giản hóa đi rất nhiều, song các nghi lễ vẫn được diễn ra long trọng, theo đúng phong tục tập quán của đồng bào.

Trong lễ cưới của đồng bào Dao, thầy cúng là nhân vật không thể thiếu để lễ cưới diễn ra theo đúng nghi lễ, phong tục truyền thống. Nghi lễ đón dâu là phần hết sức quan trọng, mang đậm bản sắc văn hóa riêng của đồng bào Dao. Trong phần này, có lễ tơ hồng, lễ kết duyên. Người Dao quan niệm “đi lẻ về chẵn”, bởi thế khi nhà trai đi đón dâu, thường đi lẻ là 7 hoặc 9 người để khi về tính cả cô dâu và đoàn đưa dâu của bên nhà gái số người về là chẵn. Trong ngày cưới, cô dâu, chú rể phải mặc trang phục dân tộc. Trang phục cô dâu gồm có quần áo dân tộc, khăn đội đầu thêu hoa văn có dua bốn bên, khăn che mặt được thêu bằng những sợi chỉ có sắc màu sặc sỡ và các phụ kiện trang sức như vòng cổ, vòng tay, dây truyền cổ đều mang nét văn hóa của dân tộc Dao. Còn trang phục của chú rể lại khá nhẹ nhàng, có khi chỉ cần một chiếc áo truyền thống thêu hoa văn đơn giản và một chiếc mũ vải.

Khi đoàn đón dâu về đến cổng nhà chú rể, ông bà, bố mẹ chú rể sẽ tạm tránh. Còn cô dâu sẽ đi sang nhà hàng xóm để chỉnh trang lại trang phục xong mới tiến vào nhà trai. Khi đó, chú rể cùng họ nhà trai đã có mặt sẵn trước ban thờ tổ tiên, cô dâu tiến vào và đứng sau chú rể để làm lễ tơ hồng. Đây được coi là nghi lễ quan trọng nhất có ý nghĩa quyết định việc cô dâu chính thức kết duyên cùng chú rể, các thủ tục như làm lễ bùa yêu, lễ kết duyên, lễ tổ tiên,… sẽ được thầy cúng thực hiện trong vòng một tiếng đồng hồ.

Sau khi kết thúc lễ tơ hồng, chú rể mới quay xuống chào đoàn đưa dâu bên nhà gái và mời vào mâm cỗ. Sau khi cỗ bàn kết thúc, đoàn nhà gái chuẩn bị về thì sẽ có một lễ cuối cùng trong ngày cưới đó là lễ trao quà, tại lễ này sẽ có một cái chậu được đặt dưới chân cô dâu, anh em và bạn bè cô dâu sẽ để lại những phần quà của mình vào chậu để tặng lại cho cô dâu rồi ra về.

Khoảng một tuần sau đám cưới, khi chọn được ngày tốt, chú rể sẽ cùng đại diện nhà trai sang nhà cô dâu để tổ chức lễ lại mặt. Nghi lễ là để chú rể thể hiện sự tôn kính chào hỏi bề trên, ra mắt nhà vợ. Những người đến dự lễ này chỉ có anh em ruột thịt của hai bên gia đình dòng họ, chúc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng mới, tạo không khí vui vẻ, gần gũi và gắn kết giữa hai bên gia đình.