Bản người Dao ở xóm Tân Yên, xã Mỹ Yên (Đại Từ) có 76 hộ với trên 300 nhân khẩu và đều là người Dao Lù Gang. Bên cạnh nét đặc sắc về nhà ở, trang phục, ẩm thực…, thì vẽ và sử dụng tranh trong các nghi lễ thờ cúng là một trong những nét độc đáo trong văn hóa truyền thống của người Dao nơi đây.
Gia đình ông Triệu Tiến Tài là hộ duy nhất ở Tân Yên hiện còn giữ nghề vẽ tranh thờ. Ông Tài cho biết: Mỗi gia đình người Dao khi ra ở riêng đều phải có bộ tranh dùng thờ cúng trong gia đình. Tuy nhiên, không phải lúc nào có người đến đặt tranh thì người vẽ cũng đều thực hiện mà phải chọn ngày hoàng đạo, phúc sinh (ngày tốt) nhằm cầu phúc, cầu lộc, may mắn cho khách hàng. Tranh hoàn thành, người vẽ phải chọn ngày tốt, làm lễ nhập thần cho tranh, sau đó, khách mới được mang về. Trước khi dùng trong thờ cúng, gia đình phải mời thầy đến làm lễ khai quang với ý nghĩa từ đây gia chủ có thần linh che chở và để cầu phúc cho gia đình. Tất cả các nghi lễ phải thực hiện theo đúng thứ tự để đảm bảo tính linh thiêng cho bức tranh thờ.
Thông thường, mỗi bức tranh thờ của người Dao có hình chữ nhật dài khoảng 1m, rộng từ 40-50cm. Tùy vào yêu cầu của gia chủ, tranh thờ của người Dao có kích thước đa dạng, khi làm lễ sẽ được treo dọc. Trong tranh thờ của người Dao, các vị thần, con người và ma quỷ được sắp xếp đan xen. Các thần chính được vẽ to, chiếm diện tích lớn, thần phụ, con người, quân lính được vẽ nhỏ nhằm làm tăng sự nổi bật, oai nghiêm của thần chính. Màu sắc chủ đạo được sử dụng trong các bức tranh là đỏ, xanh, vàng. Nét vẽ và màu sắc cùng trang phục phản ánh rõ tính cách của các nhân vật (hung dữ hay hiền lành). Có bức tranh vẽ hàng chục khuôn mặt to nhỏ với sắc thái biểu cảm khác nhau, nên người vẽ phải rất kỳ công và tài hoa mới có thể vẽ được bức tranh thờ như vậy. Để hoàn thành mỗi bộ tranh (13 tờ), trung bình người vẽ phải mất 1,5-2 tháng.
Trong mỗi bộ tranh, các bức tranh được sắp xếp theo thứ tự và nguyên tắc nhất định. Các thần chính được xếp ở vị trí trung tâm, các thần có vị thế thấp hơn được xếp ở hai bên và đều hướng góc nhìn vào thần chính. Tùy theo vị trí, vai trò, thứ bậc của từng vị thần mà tranh được xếp cạnh nhau theo đúng trật tự, biểu hiện rành mạch về tính tổ chức, phép tắc trên dưới. Tranh thờ của người Dao thường rất bền và được lưu giữ qua nhiều đời bởi được vẽ trên giấy dó, là loại giấy xốp nhẹ, bền dai, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt, ẩm mốc. Ngày nay, tùy theo yêu cầu của các gia đình, tranh có thể được vẽ trên giấy bìa cứng, tạo sự cứng cáp, bóng sáng cho bức tranh.
Ông Triệu Văn Quý, Trưởng xóm Tân Yên cho biết: Tranh thờ là một trong những biểu tượng thiêng liêng của người Dao chúng tôi. Do vậy luôn được bảo quản kỹ lưỡng và chỉ được sử dụng vào những dịp trọng đại. Mỗi bức tranh gắn với một nội dung cụ thể, thể hiện quan niệm của người Dao thuở sơ khai về vũ trụ, mối quan hệ giữa con người với vũ trụ và thần linh… Đồng thời, mang lại niềm tin cho con người vào thế giới tự nhiên để hướng thiện.
Với ông Triệu Tiến Tài, vẽ tranh thờ là nghề gia truyền và ông là đời thứ 3. Cùng với niềm đam mê vẽ và lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, 14 năm qua, ông Tài đã vẽ nhiều bức tranh thờ, đồng thời truyền nghề cho con trai và những ai muốn học. Tuy vậy, theo ông Tài, vẽ tranh thờ đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì nên không phải ai cũng có thể học được. Điều quan trọng nhất khi vẽ tranh đó là phải vẽ đúng và lựa chọn màu sắc thật chuẩn mới toát lên được nội dung, thần thái của bức tranh chứ không thể tùy tiện theo sở thích. Do vậy, cho đến nay, ông Tài mới truyền nghề thành công cho 2 người, trong đó 1 người ở trong huyện và 1 người ở Thanh Hóa.
Gặp gỡ ông Triệu Tiến Tài, được nghe ông giới thiệu về các bức tranh trong bộ tranh thờ của người Dao Lù Gang với những nội dung, ý nghĩa khác nhau, chúng tôi có cơ hội được tìm hiểu thêm về văn hóa, con người nơi đây. Chia tay ông Tài, chúng tôi mang theo cả những trăn trở của ông về việc truyền nghề vẽ tranh của dân tộc, dòng họ mình. Phía sau cánh cửa, ông Tài vẫn đang miệt mài vẽ, những bức tranh đủ màu, xanh đỏ còn ướt mực, căng trên giá hong đang đu đưa theo gió…