Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” - trọng tâm là xây dựng “Gia đình văn hoá”, “xóm, tổ dân phố văn hoá” được triển khai sâu, rộng trên toàn tỉnh. Thông qua phong trào, nhiều hủ tục lạc hậu trong đời sống tinh thần của người dân được xóa bỏ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ổn định chính trị xã hội, xoá đói giảm nghèo.
Ông Trần Cơ Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Việc triển khai, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có chất lượng, phải kể đến sự vào cuộc của ban công tác mặt trận các xóm, tổ dân phố. “Họ” đã huy động, tập hợp được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; đồng thời vận động, khuyến khích người dân tham gia các nhóm cùng sở thích, các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm sở thích, bà con được chia sẻ tâm tư tình cảm; được tiếp cận với các văn bản chính sách mới của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Một thuận lợi là từ nhiều năm nay phong trào đã đi vào nền nếp. Tại hầu hết các xóm, tổ dân phố, nhân dân đã thống nhất, xây dựng được hương ước, quy ước phù hợp với pháp luật. Cùng với đó là hàng nghìn câu lạc bộ liên quan tới phong trào như: Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; câu lạc bộ bình đẳng giới; câu lạc bộ thể thao. Đến nay, các huyện, thành phố và thị xã và 180 xã, phường, thị trấn đã xây dựng được quy hoạch chi tiết về quỹ đất để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Hiện 100% xã, phường, thị trấn đã có nhà văn hoá; 2.696 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa làm nơi cho nhân dân hội họp, tập luyện thể dục thể thao.
Về huyện Đại Từ, chúng tôi được ông Ngô Mạnh Thơ, Phó Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện cho biết: Đến nay, trên toàn huyện có 28 xã, thị trấn đã có nhà văn hoá; 3 xã: Hà Thượng, La Bằng, Ký Phú xây dựng được trung tâm văn hoá - thể thao. 468 xóm, tổ dân phố đã xây dựng được nhà văn hoá. Hầu hết nhà văn hoá cấp xã, xóm, tổ dân phố đều cơ bản đảm bảo được các điều kiện cần thiết để tổ chức hội họp và các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí cho nhân dân.
Sau nhiều năm triển khai, thực hiện phong trào, các nội dung thi đua đã thẩm thấu đến từng người dân. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: MTTQ và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia. Cụ thể như vận động nhân dân đóng góp đối ứng kinh phí, hiến đất, hiến công xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; tham gia bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hằng năm, MTTQ các cấp thực hiện phối hợp giám sát, nâng cao chất lượng bình xét, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hoá”.
Một ghi nhận là trong suốt quá trình triển khai thực hiện phong trào, các hoạt động an sinh xã hội được các cấp, ngành quan tâm, huy động được sự tham gia ủng hộ của đông đảo nhân dân và nhà hảo tâm. Trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã huy động được hơn 506 tỷ đồng, trong đó vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” đạt trên 56 tỷ đồng. Mặt trận các cấp đã hỗ trợ, giúp đỡ 1.249 hộ nghèo xây dựng và sửa chữa nhà ở, với trị giá hơn 43 tỷ đồng, trao tặng hàng trăm nghìn suất quà cho các hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, bệnh nhân nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều hộ nghèo được hỗ trợ, giúp đỡ đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, có điều kiện thuận lợi hơn khi tham gia các phong trào tại địa phương, trong đó có phong trào xây dựng gia đình văn hoá.
Ông Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng Phòng Xây dựng đời sống Văn hoá, Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Trong những năm gần đây, việc triển khai thực hiện phong trào không chạy theo thành tích. Chất lượng phong trào được coi trọng, đặt lên hàng đầu. Vì thế, từ trước ngày hội đại đoàn kết toàn dân cả tháng, các xóm, tổ dân phố đã phát phiếu chấm điểm đến từng hộ, để chủ hộ và các thành viên trong gia đình tự đánh giá, tự xếp loại cho gia đình mình. Rồi các thành viên Ban Công tác mặt trận cơ sở bình xét theo nội dung phong trào quy định. Sau đó “niêm yết” công khai kết quả bình xét cho từng hộ trước nhà văn hoá xóm, tổ dân phố. Chính vì thế, ngay từ cơ sở đã không có tình trạng “khen nhầm” đối tượng. Tại ngày hội đại đoàn kết toàn dân, các hộ được cơ sở vinh danh “Gia đình văn hoá tiêu biểu” đều xứng đáng lên nhận phần thưởng.
Từ coi trọng chất lượng phong trào, nên hằng năm trên toàn tỉnh có từ hơn 90% trở lên số hộ đăng ký tham gia đạt danh hiệu “gia đình văn hoá”; hơn 80% số xóm, tổ dân phố đăng ký tham gia đạt danh hiệu “xóm, tổ dân phố văn hoá”. Kết quả, bình quân từ 80% trở lên khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”; trên 90% gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”. Chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra: Đến năm 2020 trên toàn tỉnh có 70% tổ dân phố văn hoá; 65% làng, xóm văn hoá; 90% gia đình trở lên đạt gia đình văn hoá.