Vòng xòe lớn nhất thế giới, cặp bánh Trung thu lớn nhất Việt Nam, dàn đồng ca quan họ đông người tham gia nhất tại Hội Lim... Những kỷ lục đua nhau được xác lập nhưng đáng buồn nó ít mang ý nghĩa về văn hóa lịch sử.
Từ “cú phanh gấp” của kỷ lục vòng xòe...
Khi đạo diễn Lê Hải Yến tác giả của tác phẩm “vòng xòe năm nghìn người” chia sẻ câu chuyện hậu trường luyện tập, bà đã không giấu nổi sự tự hào. Theo đó, vòng xòe có sự nhiệt tình tham gia của đông đảo người dân tại Mường Lò, họ rất vui vì được tham gia xác lập kỷ lục Guinness cho vòng xòe lớn nhất thế giới. Mỗi người còn được nhận 200 nghìn đồng tiền thù lao cho luyện tập. “Thậm chí, có người không được tham dự còn tự ái” - bà Yến chia sẻ. Tuy nhiên, tỉnh Yên Bái đã mau chóng quyết định dừng việc đăng ký kỷ lục này lại, dù vẫn tiếp tục tổ chức vòng xòe. Hiện tại, hồ sơ di sản của Xòe Thái đang trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) xét duyệt để trở thành di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2020.
Điều đáng nói là ngay cả khi Yên Bái đã dừng việc đăng ký kỷ lục Guinness cho tác phẩm vòng xòe lớn nhất thế giới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vẫn ra văn bản gửi UBND tỉnh Yên Bái về việc tổ chức kỷ lục này. Trong đó, nhiều nguyên tắc bảo tồn văn hóa mà UNESCO khuyến cáo đối với các quốc gia đệ trình hồ sơ đề nghị vinh danh vào các danh sách của tổ chức uy tín này được nhắc lại.
Trong các nguyên tắc này, UNESCO từng nhấn mạnh: “Thận trọng trong các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản bởi có thể vô tình gây nên sự ganh đua giữa các cộng đồng hoặc giữa các quốc gia, cũng như cần thiết phải lường trước sự nhạy cảm của các cộng đồng khác trên khắp thế giới”. Hoặc “phải tuyệt đối tránh dùng ngôn ngữ có nguy cơ kích động, căng thẳng hoặc làm trỗi dậy những bất bình, dù giữa các cộng đồng hay giữa các quốc gia”. Nếu soi chiếu lời nhắc nhở này vào việc “ người không được tham dự còn tự ái” kể trên sẽ thấy khả năng gây ganh đua và bất bình trong cộng đồng sở hữu di sản xòe là có thật. Chưa hết, việc trả tiền cho người dân tham gia cũng là cách ứng xử khiến các nhà khoa học quan ngại. Nó có thể dẫn đến việc sau này phải có tiền, phải được trả công thì họ mới tham gia xòe.
Cặp bánh Trung thu lớn nhất Việt Nam vừa được ghi nhận kỷ lục.
... đến cuộc đua kỷ lục ẩm thực
Nhưng kỷ lục vòng xòe dẫu sao cũng đã được dừng lại, ở thời điểm cuối cùng. Trong khi đó, nhiều kỷ lục khác tương tự đã hăm hở cán đích.
Năm 2012, hội Lim ghi nhận việc có tới trên 3.500 người đăng ký tham gia xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam “nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát quan họ nhất”. Tham dự dàn quan họ kỷ lục có đủ “nam phụ lão ấu”, từ học sinh mới tám, chín tuổi đến các cụ nghệ nhân đã ngoài tám mươi.
Năm 2014, chiếc bánh chưng nặng 5,7 tấn gói tại đền Quốc Mẫu Âu Cơ (Hưng Yên) được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là chiếc bánh chưng lớn nhất cả nước từ trước tới nay. Trước đó, năm 2003, thôn Ước Lễ (huyện Thanh Oai, Hà Tây) cũng đã cho ra đời chiếc bánh chưng nặng 1,4 tấn. Vào thời điểm cắt bánh, nhiều người cho rằng trông nó chẳng hề giống... bánh chưng!
Năm 2018, tô phở bò ăn liền lớn nhất thế giới cũng được Tổ chức kỷ lục thế giới xác nhận. Với trọng lượng 1,3 tấn gồm 100 kg thịt bò, 22 kg gia vị, 1.963 vắt phở bò ăn liền, cái tô khổng lồ do 55 người cùng nấu này sau đó đã được phục vụ cho 2.000 người thưởng thức.
Mới đây nhất, cặp bánh Trung thu hoành tráng với trọng lượng ba tạ cũng vừa được xác nhận kỷ lục Cặp bánh Trung thu lớn nhất Việt Nam năm 2019.
Và những kỷ lục... phản tác dụng
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc cho biết, bản thân xòe vòng vốn dành cho nhiều người cùng tham gia một lúc. Ngày xưa, hình thức này chỉ diễn ra trong cộng đồng làng bản, các bản đông người có thể tạo ra cùng lúc hai, ba vòng xòe. Họ vừa hát, vừa chơi, vừa uống rượu. “Vòng xòe đông hoàn toàn có thể tạo ra trong xã hội hiện đại. Đây cũng là cách động viên cộng đồng người Thái, để giúp họ tự hào về vốn quý văn hóa, từ đó có thể hội nhập cùng dân tộc và thế giới”, ông nói.
Tuy nhiên, việc tạo ra một kỷ lục Guinness vòng xòe lớn nhất thế giới, ông Loan cho rằng không nên. “Tôi ủng hộ vòng xòe đông, thậm chí biến nó thành một nghi thức ngoại giao của tỉnh, một hoạt động vui chơi ý nghĩa của thanh niên... Còn xác lập kỷ lục Guinness là một cuộc chạy đua. Vòng xòe lớn nhất thế giới bởi có ai tranh xòe với mình đâu, các quốc gia khác làm gì có xòe. Kỷ lục đấy không có ý nghĩa gì, tham kỷ lục kiểu đó là vô nghĩa”, ông Loan bày tỏ.
Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt cũng phản đối các kỷ lục ẩm thực. “Cái bánh có thể to nhưng chẳng thể hiện điều gì, cùng lắm là gây sốc trên mạng. Sau đó, chắc gì mọi người đã ăn, có ăn chắc gì đã ngon, không nên tổ chức như thế. Còn nếu vẫn muốn quảng bá bánh Trung thu kèm thương hiệu thì thiếu gì hoạt động ý nghĩa hơn, chẳng hạn tặng bánh cho người nghèo hay tổ chức các lớp dạy làm bánh Trung thu miễn phí... Như thế mới là cách làm thương hiệu gắn với văn hóa. Cặp bánh khổng lồ như thế cũng đâu có mang lại ý nghĩa nhân văn gì cho cộng đồng”.
Cũng theo ông Việt, những kỷ lục ẩm thực thường gây lãng phí không cần thiết, vì đa phần rất khó ăn. Trong khi đó, ẩm thực Việt vốn là một nền ẩm thực “tiết kiệm”, khi luôn tận dụng thức ăn còn lại để làm ra các món ăn hấp dẫn, độc đáo. “Tại sao từ các món thừa và cơm nguội lại có thể biến thành món cơm rang rất ngon. Rồi vét tủ lạnh ngày Tết cũng có thể nấu được món bún thang tuyệt hảo. Khi người ta không muốn lãng phí thì ẩm thực cũng thể hiện điều đó”, ông Việt phân tích.
PGS,TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học nói: “Về bản chất, tôi không thích và cũng không ủng hộ trào lưu chạy theo xác lập kỷ lục với đủ loại chữ nhất như thế. Nó không có tính thúc đẩy sáng tạo văn hóa, cũng chẳng mang lại lợi ích thực sự gì cho xã hội. Thậm chí nhiều kỷ lục còn gây cho người ta những ảo tưởng, chạy theo sự viển vông, không thiết thực”.
Cũng theo ông Huy, doanh nghiệp luôn muốn quảng bá hình ảnh và việc tạo kỷ lục cũng là một cách hiệu quả để xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên,với kỷ lục bánh Trung thu khổng lồ chẳng hạn, việc phản tác dụng là thấy rõ. “Ở góc độ người tiêu dùng thì chắc chắn tôi không thích. Là một người nghiên cứu văn hóa tôi càng không thích. Vì bánh nướng bánh dẻo phải trọng chất lượng. Còn khách hàng cũng chẳng vì cái kỷ lục đó mà quyết định mua hàng. Đối với ẩm thực, món ăn phải thật sự ngon, thật sự tinh tế mới sở hữu giá trị đích thực. Hoặc với nghệ thuật trình diễn thì phải là âm nhạc, giọng hát có tính nghệ thuật cao. Còn đông người thì tuyên truyền là chính thôi, ít tính văn hóa lắm”, ông nói.
TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Phát huy và bảo tồn giá trị di sản cũng cho rằng: “Trong văn hóa phi vật thể nói riêng và văn hóa nói chung, chúng ta không nên so sánh nhất - nhì, không nên tìm cách thể hiện mình hơn. Đó cũng là cách ứng xử nhân văn cần thiết”.