Theo số liệu thống kê, người dân tộc Ngái ở nước ta có khoảng hơn 1.000 người, sống rải rác ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên... Ở Thái Nguyên, người dân tộc Ngái sống quần tụ ở xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Tuy nhiên, những nét bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc này đang dần mai một, cần được quan tâm gìn giữ.
Xóm Tam Thái hiện có 190 hộ, trong đó có 63 hộ (trên 200 nhân khẩu) là dân tộc Ngái. Người dân tộc Ngái sinh sống ở đây đã được trên 100 năm. Theo năm tháng, những phong tục, tập quán cũng như ngôn ngữ của dân tộc này đang dần mai một. Ông Thẩm Dịch Thọ, Phó Trưởng xóm Tam Thái cho biết: Người dân tộc Ngái ở đây có 4 họ, gồm: Thẩm, Trần, Lâm và Diệp. Nếu nói về ngôn ngữ của người Ngái, hiện nay, chỉ có các cụ từ 70 tuổi trở lên (trong xóm có khoảng 10 cụ) có thể nói chuyện bằng tiếng Ngái với nhau, thế hệ con cháu chỉ bập bẹ được vài câu vì không được truyền dạy. Còn trang phục truyền thống của người Ngái thì nay không còn ai lưu giữ được nữa.
Ông Trần A Quán, gần 80 tuổi, người dân tộc Ngái ở xóm cho biết: Các cụ thân sinh ra tôi quê ở Quảng Ninh, lên đây sinh sống cách đây gần 100 năm. Trước đây, trong đời sống sinh hoạt, những người cao tuổi thường hay trò chuyện, giao tiếp với nhau bằng tiếng của dân tộc Ngái. Thế nhưng, theo thời gian, nhu cầu sử dụng tiếng nói của dân tộc không còn, con cháu đi học không sử dụng nên ngôn ngữ dần mất đi.
Theo các cụ cao niên ở đây, trước những năm 1990, phong tục, tập quán của người dân tộc Ngái vẫn còn rõ nét. Người Ngái thường sống trong những ngôi nhà trình tường, mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình (nam giới mặc quần lá tọa, áo có 2-3 túi; phụ nữ mặc áo 5 thân, cài khuy vải bên nách phải, thích tết tóc cuốn quanh đầu). Về phong tục cưới hỏi gần giống với người dân tộc Kinh. Người dân tộc Ngái thờ cúng tổ tiên, thần, phật...
Theo thời gian, phong tục tập quán dần thay đổi, đời sống kinh tế của người Ngái cũng đổi thay nhiều. Người dân luôn tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ngoài gieo cấy 2 vụ, bà con còn tận dụng đất để trồng cây mầu vụ đông để tăng thu nhập. Nhờ đó, đời sống ngày càng đổi thay rõ nét, thu nhập bình quân đầu người ở xóm đạt 34 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 1% (1 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo). Ông Thẩm Dịch Thọ cho biết thêm: Đời sống phát triển thì nhu cầu của bà con về vấn đề khôi phục truyền thống văn hóa của dân tộc mình càng cao. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành tạo điều kiện, có giải pháp để bà con lưu giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc Ngái. Đơn cử như việc mở các lớp truyền dạy ngôn ngữ của dân tộc Ngái cho người dân địa phương; về lâu dài đưa ngôn ngữ dân tộc Ngái vào dạy cho học sinh con em dân tộc Ngái ở các trường dân tộc nội trú. Đồng thời, tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ có sự tham gia của đồng bào các dân tộc, trong đó có dân tộc Ngái...
Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Phương Thảo, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Hỷ cho biết: Trên địa bàn huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như dân tộc Mông, Sán Dìu, Dao, Ngái... Thời gian qua, huyện đã thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của các cấp, ngành với đồng bào dân tộc thiểu số. Còn về cơ chế riêng của huyện, vì điều kiện kinh tế còn khó khăn nên mới chỉ quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn. Riêng với dân tộc Ngái, thời gian tới, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước với bà con, chúng tôi cũng sẽ tham mưu lên chính quyền các cấp để có giải pháp gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Ngái...