Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý- người nghệ sĩ tài hoa, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, ra đi ở tuổi 94 đã để lại sự tiếc thương cho giới nhạc sĩ và những người yêu âm nhạc Việt Nam.
Theo thông tin từ gia đình nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ông qua đời tại nhà riêng ở Quận 1, TPHCM vào chiều 26/12/2019.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm 1925 tại Nghệ An trong một gia đình truyền thống âm nhạc. Khi còn nhỏ, ông theo học Trường Quốc học Vinh. Năm 1945, ông tham gia Việt Minh, sáng lập và xây dựng Đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An.
Bắt đầu sáng tác ca khúc từ năm 1947, khi là Trưởng Phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương, nhưng tên tuổi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được nhiều người biết đến từ khi ông sáng tác bài "Dư âm" vào khoảng năm 1950. Khi đó ông là Trưởng đoàn Văn công của Sư đoàn 304.
Năm 1951, ông giải ngũ và chuyển về công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. Năm 1952, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Bạch Lệ, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Cũng từ thời điểm nàu, ông bắt đầu sáng tác ca khúc nhiều hơn, trong đó có những ca khúc để lại ấn tượng trong lòng công chúng, trở thành những bài ca đi cùng năm tháng.
Sau năm 1975, nhạc sĩ chuyển vào công tác và sinh sống tại TPHCM và nghỉ hưu tại đây.
Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là nhắc đến một tên tuổi của nền âm nhạc mới Việt Nam thế kỷ XX - cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam với bề dày trong sáng tác ca khúc, cũng như những đóng góp của ông cho nền âm nhạc nước nhà. Ông tham gia thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào năm 1957 cùng với các nhạc sĩ tên tuổi như Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao.
Trong các sáng tác của ông, công chúng nhớ nhiều đến những ca khúc bất hủ như: "Dư âm", "Mẹ yêu con", "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh", "Dáng đứng Bến Tre", "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa", "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ", "Bài ca năm tấn", "Cô nuôi dạy trẻ"... Đó là những giai điệu thiết tha về tình yêu quê hương đất nước, về tình yêu đôi lứa, về tình cảm mẹ cha đối với con cái, về những vùng đất, con người Việt Nam.
Nguyễn Văn Tý còn là một trong số hiếm hoi những nhạc sĩ viết các ca khúc theo "đơn đặt hàng" mà vẫn mang đậm giá trị nghệ thuật. Đó là những tác phẩm như: "Em đi làm tín dụng" cho ngành ngân hàng, "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ" cho ngành thủy lợi, "Bài ca năm tấn" cho ngành nông nghiệp, "Cô đi nuôi dạy trẻ" cho ngành giáo dục hay những bài hát cho các tỉnh như: "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh", "Dáng đứng Bến Tre", “Ra khơi nhìn lại quê mình” (về Tiền Giang), "Gương mặt Kiên Giang", "Bản tình ca trên đất Quảng dâu tằm"… được người dân các tỉnh thực sự yêu thích.
Với những đóng góp cho cách mạng, cho nghệ thuật nước nhà, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì…
Năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những đóng góp của ông văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: "Mẹ yêu con", "Vượt trùng dương", "Bài ca năm tấn", "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa", "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh", "Dáng đứng Bến Tre".
Từ nay cuộc sống vắng bóng ông nhưng những ca khúc của ông vẫn vang vọng cùng năm tháng, vang vọng trong lòng người yêu nhạc.