Sẽ có một đêm cả đất trời và con người không ngủ. Khi mà mọi thứ đã chuẩn bị xong, gia đình nào cũng ngồi lại, thư thái bên ấm trà, ly rượu. Trên ban thờ tổ tiên, hương thơm đang đỏ đầu, ngan ngát. Đó là thời khắc chờ đón giao thừa, khi cái cũ chưa mất hẳn và cái mới chưa hoàn toàn đến. Sự giao thoa của năm cũ và năm mới, ai cũng chộn rộn mong chờ, để rồi, thời khắc đến, lòng người cứ dâng lên cảm xúc, khó nói nên lời, nhưng rất đẹp, rất lạ.
Chuẩn bị cho ngày Tết đâu chỉ một hai ngày, là cả tháng trời, khi nhân gian còn ngờm ngợp cái rét, những chuyến hàng ra đi vội vã, những chuyến hàng khác trở về, khi còn bặt tin con én, không biết ở phương trời nào. Trong gia đình, người mẹ có lẽ lo toan nhiều nhất, làm sao để có cái Tết tươm tất cho cả nhà. Còn người cha, chỉ lo những việc chính. Làm sao để có nồi bánh chưng cho khỏi tủi với xóm giềng là điều quan trọng nhất với những người mẹ ở quê. Có bánh chưng mới có Tết. Nó như cái hồn, cái thần, cái hương vị đậm đà nhất của cái Tết cổ truyền dân tộc.
Trước đây, điện chưa về đủ đầy thôn xóm, pháo còn được phép đốt. Mỗi gia đình nghèo cũng kiếm cho được bánh pháo nho nhỏ, đốt để tạm biệt năm cũ, đón chào năm mới cho khí thế. Tiếng pháo thường mang lại sự vang dội, mạnh mẽ, quyết đoán. Giờ pháo không còn được phép đốt, xác pháo lăn lóc xưa chỉ còn trong ký ức, nhưng không ai thấy tiếc nuối, vì đó là đốt tiền đốt của, gây tai họa. Người ta tìm đến thú chơi khác, vẫn có không khí mà chẳng phí phạm, chẳng nguy hiểm đến tính mạng con người. Nhân gian lại nghĩ ra thú thưởng trà đón giao thừa, vừa văn hóa lại an toàn. Người già sum vầy với trẻ thơ, gia đình đoàn tụ dù có đi xa đi gần, đó nhà ước muốn, là bổn phận. Cho nên không kể tuổi tác, cha có thể cùng thưởng trà với con, ông thưởng trà cùng cháu, cùng ngắm những cành hoa đã chuẩn bị từ hôm nào. Và nay, như những nàng công chúa duyên dáng, những bông hoa được dịp trình diễn, khoe sắc khoe hương.
Ở thành phố, đón giao thừa người ta đổ ra đường. Dân Hà Nội đổ ra bờ hồ Hoàn Kiếm, Sài Gòn tụ tập ở đường Nguyễn Hụê, Lê Thánh Tôn, Hải Phòng đổ về cửa Nhà hát Lớn thành phố… “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, người áo mới mà xênh xang phố, nên đất trời cũng như thế mà đẹp theo, ấm lên. Con én đã trở về từ hồi chiều sau mùa di trú, và giờ chắc chúng đang ổn định tinh thần, để sống những ngày tháng gần gũi quê hương. Giây phút đón pháo hoa rộn ràng vút lên trời, hàng triệu con mắt ngước nhìn, và thầm ước cho những điều tốt đẹp nhất đến với mình. Trừ những người sẽ phải về nhà xông đất trước 12 giờ, còn không, cứ dạo trên phố, sau đó mới đổ về những ngả đường để về sum họp.
Sau khi người chủ gia đình làm lễ tưởng nhớ tổ tiên lúc giao thừa, những chai rượu sẽ được khui ra, rót vào ly. Mọi người trong gia đình cùng nâng lên, chúc mừng tuổi mới, hướng về nhau. Khuôn mặt ai như cũng đựơc thắp lên bởi một màu hoa tươi rói. Giờ phút này, tục lệ mừng tuổi được bắt đầu, mà rất được những đứa trẻ chờ đón. Những phong bao hồng hồng trong đó có những đồng tiền mới, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ tình cảm. Là sự ban phát niềm vui, hạnh phúc, lộc mới. Trẻ con sẽ nhận lấy, làm vốn chơi xuân, mua sắm áo quần, đồ chơi. Người lớn cũng thấy mình được may mắn, sống lại không khí thời còn trẻ.
Rồi sẽ có lúc mỗi chúng ta tự hỏi: “Tết lại đến rồi nhỉ?”. Hỏi và tự trả lời. Có nghĩa là cảm giác một năm trôi đi quá nhanh. Con tàu thời gian vồn vã lao lên phía trước. Theo vòng tuần hoàn, nó cứ dừng hết ga này lại đến ga khác, để sang năm lại thế. Dù nhanh dù chậm thì nó vẫn đi. Còn con tàu của riêng mỗi người, do mỗi người tự điều khiển nó. Nhanh hay chậm thì vẫn đến một cái đích cuối cùng. Và chúng ta sẽ thấy cuộc sống này bình yên, đáng quý biết nhường nào.
Con người quá giỏi, đã biết chọn thời khắc của năm cũ và năm mới, để tổ chức những sinh hoạt văn hóa tuyệt đẹp. Cùng với xuân, con người bỗng trở nên đẹp hơn, thấy niềm tự hào dâng lên, và nhìn nhận ra những khuyết điểm để sửa chữa cho việc bước vào năm mới đầy hân hoan và khí thế. Có những năm rét căm căm, thời khắc giao thừa bỗng trở nên ấm áp lạ lùng. Hay như đang sụt sùi ảm đạm, nam thanh nữ tú buồn phiền lo phải đội mưa đi đón giao thừa, thì bỗng lúc đó, màn mưa như dịu lại, nhẹ như hơi thở qua nhau, nên có thể đôi sánh đôi mà đi đón xuân, ngập tràn lời tình năm mới với hạnh phúc. Cứ như phép màu vậy.
Bữa tiệc đón giao thừa sẽ kết thúc, ngoài kia bình minh đang lên. Một ngày mới, ngày của đầu năm khởi hành. Con tàu cũng sẽ rời ga. Cỏ cây hoa lá cùng hồi hộp trong tiết xuân non bấy. Cuộc sống sẽ sôi động và những tình yêu mãi tiềm tàng. Chúng ta cũng hãy chất chứa lên hành trình của mình những khát vọng, ước mong vươn xa, và cả những chờ đợi nữa. Bởi đôi khi, hạnh phúc là khi ta chờ đợi, hết đợi chờ rồi hết hạnh phúc. Phải không xuân nhỉ?