Mùa xuân, mùa lễ hội

16:08, 24/01/2020

Thái Nguyên, nơi hội tụ, sinh sống của 46 dân tộc, trong đó có 8 dân tộc có dân số chiếm số đông, gồm: Kinh, Tày, Dao, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Mông, Hoa. Sự đa dạng về cộng đồng các dân tộc đã tạo nên những nét đẹp văn hoá đặc sắc của từng vùng, miền, trong đó có các hoạt động lễ hội mùa xuân.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Dịp xuân, trên địa bàn tỉnh có hơn 80 lễ hội được tổ chức. Đáng chú ý là các lễ hội như: Đình, đền, chùa Cầu Muối (Phú Bình), lễ hội núi Văn, núi Võ (Đại Từ) cùng khai hội chính vào ngày 4 tháng Giêng; Lễ hội đền Đuổm (Phú Lương) tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng; lễ hội Lồng Tồng ATK (Định Hóa) tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng; lễ hội chùa Hang (T.P Thái Nguyên) được tổ chức vào ngày 19 tháng Giêng… Mỗi lễ hội thu hút hàng vạn lượt người đến dâng hương, tham quan, tìm hiểu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được nhân dân thờ phụng, tôn vinh. Hầu hết các lễ hội trên địa bàn của tỉnh đều có nội dung phong phú, gắn với truyền thống, qua đó góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ.

Nhìn lại mùa lễ hội năm 2019 trên địa bàn tỉnh, hầu hết các hoạt động lễ hội được tổ chức đúng quy định của Nhà nước, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, lành mạnh, văn minh, đúng nghi lễ truyền thống, phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc, vùng, miền sôi nổi, thông qua đó tuyên truyền, giới thiệu về công đức của các bậc danh nhân, tiền nhân có công với đất nước, với dân tộc; giá trị kiến trúc, nghệ thuật của các di tích, truyền thống lịch sử của các lễ hội, khơi dậy nét đẹp văn hoá, phát huy tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời góp phần tích cực trong việc bảo tồn di sản văn hoá, đưa văn hoá và du lịch gắn kết với nhau phát triển theo hướng bền vững. Hình ảnh đất và người Thái Nguyên được giới thiệu, quảng bá đến đông đảo nhân dân, du khách trong nước, quốc tế, tạo cơ hội mời gọi, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Hoạt động lễ hội được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, phát huy được các giá trị truyền thống và đúng quy định của Nhà nước. Nhân khai xuân, các địa phương có lễ hội linh hoạt tổ chức lễ hội gắn với hoạt động quảng bá tiềm năm du lịch. Một số địa phương tổ chức ngày hội văn hoá làng nghề và công bố di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, như Lễ hội Cầu mùa huyện Phú Lương, lễ hội Xuống đồng thị xã Phổ Yên; lễ hội Lồng Tồng huyện Định Hoá, lễ hội “Hương sắc trà xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương”, liên hoan nghệ thuật quần chúng thành phố Thái Nguyên; lễ hội trà huyện Đại Từ. Ông Hoàng Văn Quý, Trưởng Phòng nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết thêm: Cùng nét đẹp truyền thống, một số lễ hội còn có nhiều hoạt động tươi mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội, như: Hội diễn văn nghệ quần chúng; thi trình diễn người đẹp trong trang phục dân tộc tại Lễ hội; trưng bày sinh vật cảnh, trưng bày sản phẩm chè; tổ chức thi đấu thể thao như: Bóng chuyền, bóng đá, vật… đã tạo cho lễ hội thêm sinh động, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hoá của địa phương.

Hiện tỉnh đã có phương án phục vụ mùa lễ hội, trực tiếp là các địa phương có lễ hội đầu xuân chủ động vào cuộc, đảm bảo an toàn cho nhân dân, du khách tham gia lễ hội. UBND các huyện, thành phố và thị xã chủ động tăng cường công tác chỉ đạo, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn, đảm bảo các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, trang trọng và hiệu quả. Những hoạt động có nội dung mang tính bạo lực, phản cảm, trái thuần phong mỹ tục được loại bỏ.

Theo chỉ đạo của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Các địa phương có di tích phải xây dựng được kế hoạch cụ thể, phương án tổ chức bảo đảm an toàn, phân luồng, phân tuyến giao thông, đảm bảo an ninh trật tự; bố trí bãi trông giữ phương tiện giao thông cho nhân dân, du khách, tránh ách tắc cục bộ làm cản trở lưu thông của du khách tham dự lễ hội; không gây ảnh hưởng và làm sai lệch giá trị của di tích, danh thắng; thực hiện quy hoạch tổ chức các hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí hợp lý; đảm bảo vệ sinh môi trường, chú trọng việc tổ chức các hoạt động văn hoá, trình diễn di sản văn hoá phi vật thể ở các lễ hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm trong lĩnh vực quản lý và tổ chức lễ hội; có biện pháp ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực, như xóc thẻ, rút thẻ, bói toán, cúng thuê, cờ bạc trá hình, đốt đồ mã, đặt quá nhiều hòm công đức, đặt lễ, đặt tiền giọt dầu tuỳ tiện. Lễ hội tại từng địa phương cần tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Mùa lễ hội đầu xuân đã rất gần, các địa phương có lễ hội cần chủ động kiện toàn Ban Tổ chức lễ hội, triển khai công tác chuẩn bị và tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về lễ hội, tạo dựng hình ảnh đẹp về đất và người Thái Nguyên trong lòng nhân dân, du khách.