Chống thói “gia trưởng” trong cán bộ lãnh đạo, quản lý

08:22, 08/02/2020

Ngày cuối tuần, nhưng chẳng ai muốn đi chơi, tụ tập vì còn lo phòng, chống dịch bệnh nCoV. Vậy mà hôm nay, B. lại đến nhà T. từ sớm. Vừa vào đến nhà, chưa kịp chào hỏi, B. đã than vãn: 

- Tôi mệt mỏi quá ông ạ, cứ tình hình này có lẽ tôi phải xin nghỉ việc thôi!

- Uống nước đi, có việc gì ghê gớm xảy ra mà ông lại muốn nghỉ việc, hay vẫn mấy cái chuyện ông đã kể với tôi - T. ôn tồn hỏi.

Việc ở cơ quan lại cứ đi kể với bạn, nhất là vấn đề nội bộ. Nhưng phải nói thật với ông, chẳng cứ tôi mà anh, em trong phòng cũng ngán đến tận cổ rồi. Chỉ là họ phải ngậm ngùi chịu đựng vậy thôi. Từ ngày ông ý về làm trưởng phòng, chẳng ngày nào cấp dưới không phải nghe những điệp khúc tôi đã bảo thế này, sao lại làm thế kia… Làm việc chẳng khoa học, có kế hoạch gì cả, hễ ai góp ý thì… anh, em trong phòng tự động viên nhau, thôi cứ nghĩ tới câu cửa miệng trong thiên hạ là “Điều 1, sếp luôn luôn đúng. Điều 2, nếu sếp sai thì xem lại điều 1” để mà ứng xử…

- Ông đã thông như thế rồi thì còn phàn nàn với tôi làm gì, sao mà phải nghỉ việc? T. nói.

- Nói là như thế, có phải mỗi tôi đâu, từ khi ông này về làm trưởng phòng đã có vài cán bộ cấp dưới xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác rồi. Tất nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn, đang tính sang hỏi ông đây. Hiểu được tâm trạng của B., T giải thích:

Chuyện ở đơn vị ông cũng không phải hiếm gặp, cấp này, cấp kia, địa phương này, địa phương khác vẫn còn những cán bộ lãnh đạo làm việc thiếu khoa học, không thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, quan liêu, hách dịch dẫn đến thái độ độc đoán, tác phong gia trưởng trong công tác như thế. Trong tổ chức còn có cán bộ lãnh đạo “vác mặt quan cách mạng”, dẫn đến cấp dưới nảy sinh tâm lý sợ sệt, lo ngại. Ai thẳng thắn đấu tranh, dám nói lên sự thật thì lại bị thành kiến, thậm chí ngấm ngầm trù dập…, như thế, tổ chức sẽ suy yếu. Cho nên, Đảng ta và Bác Hồ luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải có ý thức tôn trọng nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; phát huy dân chủ; thực sự gần gũi, sâu sát, yêu thương quần chúng, cán bộ cấp dưới; thành tâm lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của cấp dưới để có cách ứng xử, giải quyết phù hợp, có lý, có tình. Có như vậy mới phát huy được sức mạnh đoàn kết, trí tuệ tập thể để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cơ quan, đơn vị như ngôi nhà chung của anh, em cán bộ.

Theo tôi các anh, chị, em đồng nghiệp trong phòng nên kiên trì góp ý thẳng thắn, chân thành với đồng chí lãnh đạo phòng. Nếu vẫn không tiếp thu thì phản ánh đến cấp trên để phê bình, kiểm điểm. Vì thói gia trưởng, độc đoán trong tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra.

Cảm ơn ông! Thứ hai này tôi sẽ trao đổi với anh, em trong phòng - B. nói.