Xuất phát từ lời đề nghị của một thành viên trong nhóm, là tác giả Trịnh Hữu Sỹ, nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã nhờ dịch và cùng nhau dâng trả các sắc phong trở về với các địa phương, làng xã từng bị mất hoặc thất lạc sắc phong.
Câu chuyện xuất phát từ tác giả Trịnh Hữu Sỹ, một thành viên của nhóm đã bỏ công sưu tầm hơn 200 đạo sắc phong. Đây là những đạo sắc phong chủ yếu thuộc triều Nguyễn, một số thuộc thời Lê, xuất xứ từ nhiều huyện, quận thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội (gồm Thanh Trì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Chương Mỹ, Quốc Oai), Hà Nam (Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân, Vụ Bản, Kim Bảng, Duy Tiên), Nam Định (Ý Yên, Nghĩa Hưng, Vụ Bản), Thái Bình (Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương), Hải Phòng (Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, An Dương), Ninh Bình (Kim Sơn, Yên Mô), Bắc Ninh (Thuận Thành, Yên Phong), Hải Dương (Thanh Miện), Hưng Yên (Văn Giang, Tiên Lữ), Vĩnh Phúc (Yên Lãng), Thanh Hóa (Hậu Lộc, Hoằng Hóa), Thừa Thiên Huế (Hương Trà). Các sắc phong có nội dung phong tặng thêm danh hiệu cho các vị thần được tôn thờ tại các địa phương, đồng thời giao cho các vị thần trách nhiệm chăm lo, bảo vệ dân lành.
Tác giả Trịnh Hữu Sỹ mới “bén duyên” nghiệp văn khoảng vài năm gần đây, đã có hai cuốn sách được xuất bản, và là một trong những nhân vật từng được nhà văn Nguyễn Quang Thiều đề cập đến trong cuốn sách “Ngôi nhà của mẹ”. Tác giả Trịnh Hữu Sỹ vốn là người đam mê văn hóa truyền thống, từng sưu tập nhiều tranh thờ, tranh dân gian và rất nhiều đạo sắc phong. Khi nghỉ hưu, ông mới có thời gian rà soát lại và đưa ra ý kiến dịch các đạo sắc phong để hiểu rõ hơn về lai lịch những sắc phong này. Ý kiến của ông đã được các thành viên của nhóm Nhân sĩ Hà Đông nhiệt tình ủng hộ.
Nhóm Nhân sĩ Hà Đông gồm nhiều tác giả, họa sĩ, nghệ sĩ tên tuổi cùng một số doanh nhân, như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, NSƯT Chu Lượng, họa sĩ Hoàng A Sáng, tác giả Trịnh Hữu Sỹ, đạo diễn - nhà thơ Lương Tử Đức, nhà thơ Nguyễn Quyến, doanh nhân Lê Phương Trung, doanh nhân Đỗ Văn Hiểu.
Ý tưởng trả lại các đạo sắc phong được nhóm Nhân sĩ Hà Đông bắt tay vào thực hiện từ năm 2015. Trước khi trả lại được các đạo sắc phong, cần phải dịch để biết nguồn gốc, lai lịch và địa phương của các sắc phong. Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng ( Phó Trưởng Ban Thời Nay, Báo Nhân Dân), người đã có nhiều năm đồng hành cùng các thành viên nhóm Nhân sĩ Hà Đông cho biết, nhóm đã nhận được nhiều lời đề nghị hỗ trợ trong dịch thuật cũng như những hưởng ứng và hỗ trợ tích cực khác từ các bạn bè văn nghệ. Một số người trẻ hiểu biết về Hán Nôm sẵn sàng dịch giúp. Và nhóm đã nhờ TS Trương Đức Quả, nguyên Thư ký Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch nghĩa và lập bảng tổng hợp các bản sắc phong theo địa danh. Các thành viên của nhóm đã cùng nhau tự thực hiện một số chuyến đi tìm và dâng trả lại sắc phong cho các địa phương như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam…
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đến nay nhóm đã trả lại sắc phong cho năm địa phương, nơi ít nhất là bốn đạo, nơi nhiều là chín đạo, với tổng số 20 đạo sắc phong.
Việc dịch các đạo sắc phong để tìm lại được đúng địa phương cũng là một khó khăn lớn. Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, trong nhiều đạo sắc phong, tên của địa phương thời đó, đến nay đã qua nhiều lần thay đổi và không phải ai cũng biết. Hoặc có những địa phương, làng xã trước kia thuộc tỉnh này, hiện nay đã thuộc tỉnh khác do thay đổi về địa giới hành chính.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho biết, điều đáng mừng là từ việc làm phát tâm của nhóm Nhân sĩ Hà Đông, nhiều nhà sưu tầm sắc phong đã bày tỏ ý muốn được chung tay đưa các đạo sắc phong trở về với “chốn cũ”. Nhóm đã nhận được một số đạo sắc phong được các nhà sưu tầm trao lại và muốn nhờ nhóm trả giúp, như họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà sưu tầm trẻ Đức Nhân...
Các bản sắc phong được lưu truyền nhiều đời, cũng như nhiều loại cổ vật quý giá khác, là những di sản quý giá có nguy cơ bị xuống cấp, hư hỏng, mất mát. Thực hiện việc làm thiện nguyện này, nhóm Nhân sĩ Hà Đông mong góp phần vào việc xã hội hóa công tác bảo vệ, bảo tồn và tôn vinh văn hóa dân tộc; khích lệ các nhóm, cá nhân khác quan tâm, có sưu tầm sắc phong cùng hưởng ứng, thực hiện việc dâng trả sắc phong về đúng địa chỉ lưu giữ, tôn vinh; động viên các di tích, cơ sở thờ tự, cộng đồng dân cư sở tại trong việc tìm hiểu và tích cực bảo vệ di sản của quê hương mình. Đáng mừng là việc làm của nhóm đã trở thành những hạt mầm đang được gieo đi nhiều nơi, không chỉ giúp giữ gìn những di sản quý giá của cha ông, mà còn khơi gợi ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ.