Nếu như trước đây, nhiều phong tục, tập quán đặc sắc, độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh ít có cơ hội thể hiện, thậm chí bị lãng quên, thì nhiều năm gần đây, những nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống được Đảng, Nhà nước quan tâm, khuyến khích đồng bào phục dựng, gìn giữ và phát huy giá trị...
Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hoá (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết: Ngoài 8 dân tộc có số dân từ 2.000 người trở lên, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa, Thái Nguyên còn có gần 40 dân tộc khác cùng đoàn kết sinh sống. Những năm gần đây, những nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, khuyến khích phục dựng, gìn giữ và phát huy giá trị thông qua các hoạt động lễ hội và du lịch.
Nhiều phong tục, tập quán như Nghi lễ Cấp sắc của các dân tộc Nùng, Dao, Sán Dìu và nghi lễ Then của dân tộc Tày được khôi phục, bảo tồn, dần trở thành món ăn tinh thần độc đáo của nhân dân, du khách trong nước, quốc tế. Công lao ấy phải kể đến những con người đã vượt lên nỗi no áo cơm đời thường để lặng lẽ gìn giữ những tinh hoa của dân tộc mình. Nghệ nhân Nhân dân hát then, đàn tính Lưu Xuân Lai, xóm Đồng Uẩn, xã Phúc Chu (Định Hóa) tâm sự: Trong làng Then, tôi đã qua nhiều lần làm Lẩu Then (Nghi lễ Cấp sắc). Bắt đầu là việc đặt tên làm thầy Then, tiếp đến là Cấp Thiếp - có quyền được đi cúng, rồi Cấp Sắc và hiện tôi đạt bậc Tăng Sắc… Giây lát dừng lời, ông giải thích: Không phải mê tín đâu nhé, mà là di sản văn hóa phi vật thể của người dân tộc Tày được Nhà nước công nhận.
Ngoài Nghệ nhân Nhân dân Lưu Xuân Lai, trên địa bàn của tỉnh còn có 11 nghệ nhân ưu tú được Nhà nước vinh danh. Họ được ví như những người giữ lửa, truyền lửa và là pho sử sống. Nghệ nhân Ưu tú Miêu Thị Nguyệt, xóm Na Quán, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) chia sẻ: Tôi có thời gian gần 30 năm sưu tầm, chép lại gần 7.000 bài hát Soọng cô, rồi vận động bà con cùng tập hát lại. Nhiều người thuộc lớp trẻ tập hát Soọng cô đã biết nói bằng tiếng dân tộc Sán Dìu của mình… Chúng tôi biết bà Nguyệt cũng như các nghệ nhân làm công việc này vì niềm đam mê trời phú. Bởi như lời ông Hoàng Văn Toòng, xóm Tân Đô, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ): Phải là “người có duyên” mới làm được. Ngay như làn điệu Sli cổ và Lễ hội Oóc Pò của đồng bào dân tộc Nùng chúng tôi. Đặc sắc, độc đáo nhưng thật sự tâm huyết mới truyền dạy lại được cho lớp trẻ. Còn nghệ nhân Nguyễn Tư Xin, xóm Thái Sơn I, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên), người đã làm ra hàng nghìn cây sáo Mông ngọt tiếng như nước suối đầu nguồn chia sẻ: Cây sáo Mông là cuộc sống, là hơi thở gắn bó cuộc đời tôi suốt mấy mươi năm nay rồi.
Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tâm đắc: Nhằm gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, các cấp, ngành chức năng của tỉnh tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam” của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa IX) về “Công tác dân tộc”… Rồi các đề tài khoa học được triển khai rộng rãi tại các vùng nông thôn, miền núi của tỉnh như: Đề tài Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của một số dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên qua xây dựng mô hình và tổ chức hoạt động nhà văn hóa cộng đồng; Đề tài Bảo tồn văn hoá phi vật thể qua tổ chức mô hình Ngày hội Văn hoá các dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh; Đề tài Sử dụng ca dao, đồng dao trong giáo dục ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo là người dân tộc thiểu số.
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết, tại các huyện có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống như: Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai, Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện kiểm kê, lập danh sách các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu; đồng thời, thực hiện tiến hành các thủ tục cần thiết theo trình tự quy định của Nhà nước. Đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh đã có 17 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chay, Sán Dìu... được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ông Vũ Thăng Long, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Phú Lương cho biết: Riêng huyện Phú Lương có các di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: Múa Tắc Xình; Hát Sấng Cọ; Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Sán Chay; Nghệ thuật trình diễn Khèn của dân tộc Mông và Lễ hội Đền Đuổm. Trong 5 năm gần đây, đồng bào các dân tộc Phú Lương vinh dự được tham gia các sự kiện văn hóa toàn quốc, như: Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội; Ngày hội Văn hóa Mông toàn quốc tại Hà Giang; Ngày hội Văn hóa Tày toàn quốc tại Quảng Nam; Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc tại Tuyên Quang... Nét đẹp độc đáo, đặc sắc thông qua diễn xướng hồn hậu của nghệ nhân đã để lại trong lòng du khách trong nước, quốc tế một ấn tượng sâu sắc, dễ mến.
Vâng! Nhờ có chính sách đúng của Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, nâng cao. Nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số được khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.