Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ đưa ra “Chống dịch như chống giặc” không chỉ là khẩu hiệu, mà đã lan tỏa thành những hành động đẹp. Đó là hành động được xuất phát từ những trái tim biết rung động, sẻ chia để kêu gọi cùng chung tay, vững tâm, đoàn kết khống chế, đẩy lùi dịch COVID-19.
Sau khi Bộ Y tế công bố bệnh nhân thứ 116 là bác sĩ đầu tiên của Việt Nam bị nhiễm COVID - 19 trong khi làm việc tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội), ngay trong đêm đó, tác phẩm “Lá chắn trắng” của họa sĩ Nguyễn Lộc, giảng viên Khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc ra đời đã bắt kịp tính thời sự của đại dịch COVID-19. Đặc biệt hơn, đây cũng là một trong số những tác phẩm hiếm hoi được anh thể hiện theo phương pháp siêu thực trái ngược hoàn toàn với phong cách quen thuộc của họa sĩ là hiện thực.
Hoàn thành bức vẽ trong đêm, họa sĩ Nguyễn Lộc đã chia sẻ trên trang Facebook All about art and Artist bức tranh "Lá chắn trắng" với dòng tâm sự “Xin tri ân những cống hiến to lớn và những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ áo trắng!”. Chia sẻ này ngay lập tức gây sốt cộng đồng mạng với 16.000 lượt "like" và hàng trăm lượt chia sẻ, bởi đã nói hộ tấm lòng của biết bao người dân Việt Nam hướng về đội ngũ các thầy thuốc. Tác phẩm này họa sĩ Nguyễn Lộc đã gửi tặng chương trình đấu giá trực tuyến các tác phẩm nghệ thuật "Vượt qua đại dịch COVID-19" để góp phần động viên tinh thần, vật chất cho các chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống “giặc”. Và, Ban tổ chức chương trình đấu giá đã chọn làm hình ảnh đại diện cho toàn bộ sự kiện.
Trò chuyện cùng chúng tôi, Họa sĩ Nguyễn Lộc chia sẻ: Mình tâm niệm vẽ về những chiến sĩ áo trắng lâu rồi. Khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) rồi bùng phát trên toàn thế giới, bản thân mình là một người dân khi thấy cả nước lao vào chống dịch thì cũng không thể ngồi yên được. Ý tưởng của mình đã ấp ủ trong nhiều ngày nhưng chỉ đến khi có tin bác sĩ Việt Nam đầu tiên bị phơi nhiễm, cảm hứng sáng tạo mới ùa về. Đêm 23 rạng sáng ngày 24-3, mình đã vẽ một mạch và hình thành tác phẩm “Lá chắn trắng”.
Nhìn vào tác phẩm “Lá chắn trắng” điều gây ấn tượng với người xem chính là hình ảnh về đội ngũ y, bác sĩ trong công tác phòng, chống dịch. Hay cụ thể ở tranh là sự ám ảnh về sắc trắng và những đôi mắt. Sắc trắng ở đây là biểu tượng cho người thầy thuốc, được họa sĩ diễn tả như một sự tinh khiết, tươi sáng và vẻ rắn rỏi. Bởi họ đang là lá chắn để bảo vệ những bệnh nhân yêu thương. Còn những đôi mắt đỏ bởi vất vả, căng thẳng, có chút âu lo nhưng đầy kiên nghị, mạnh mẽ, và đó là những đôi mắt chung của bao người chiến sĩ áo trắng với cùng nghĩ suy, cảm xúc và ý chí nơi tuyến đầu chiến đấu với dịch bệnh.
Cũng theo chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Lộc, khi vẽ bức tranh này, anh nghĩ rằng mình phải làm gì đó để góp phần giúp người dân giữ vững niềm tin yêu vào sức mạnh của đội ngũ y, bác sĩ. Chính vì thế, anh đã vẽ bức tranh xuất phát từ sự xúc động, lòng biết ơn đối với những chiến sĩ áo trắng.
Bức tranh “Lá chắn trắng” của họa sĩ Nguyễn Lộc ra đời đã bắt kịp tính thời sự của đại dịch COVID-19.
Cũng trong những ngày dịch COVID -19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, trên Youtube, các trang báo mạng có hàng trăm lượt chia sẻ bài hát múa “COVID-19 đi đu đưa đi parodi” của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Văn công Quân khu I. Bài hát do Nhạc sỹ Lê Anh Thuỷ đã viết lời mới trên nền nhạc bài hát “Đi đưa đu đi” của Bích Phương. Công tác chuẩn bị cho clip rất nhanh, chỉ trong hai ngày từ chuẩn bị nhạc, thu thanh, luyện tập và quay hình, dựng hình, clips: Rửa tay chống dịch đã chính thức hoàn tất... với sự tham gia của hơn 60 cán bộ, diễn viên, nhân viên. Lời của bài hát được Nhạc sĩ Lê Anh Thủy viết rất mộc mạc, dễ nhớ, dễ thuộc:
“Nào ta rửa tay cho thật kỹ
Xoa thật lâu cho sạch sẽ
Không để cho dịch kia - có cơ phát rộng
Rồi ta, nâng cao thêm cảnh giác
Ta rửa tay thêm lần nữa
Cho sạch hơn để ta - giữ cho an toàn
Dịch tên cô vít - cô vít lan nhanh
Truyền đi trên khắp, khắp chốn nhân gian...
Nào ta chung sức quyết chống dịch, thì có gì khó bạn ơi...”
Nhưng qua đó chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ khuyến cáo toàn dân nghiêm túc thực hiện để phòng, chống và ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng. Trao đổi cùng chúng tôi, Thượng tá Dương Thị Kim Ngân, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 1 cho biết thêm: Thông qua tiết mục này, tập thể cán bộ, diễn viên của Đoàn muốn gửi thông điệp tới cán bộ chiến sĩ và nhân dân: Hãy tin tưởng vào Đảng, Chính phủ và hãy cùng chung tay phòng, chống dịch. Quân đội luôn là tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch, sẵn sàng phục vụ nhân dân trong mọi hoàn cảnh.
Như vậy, trong những lúc khó khăn nhất, tinh thần đoàn kết, tính nhân văn của con người Việt Nam càng thăng hoa. Với Seri 5 video nhóm sinh viên, giảng viên Khoa Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông sản xuất công phu bằng ngôn ngữ ký hiệu giúp cộng đồng người khiếm thính nhận biết, có kỹ năng bảo vệ sức khoẻ trước đại dịch COVID-19. Các video truyền thông phòng dịch COVID-19 trên trang Facebook của Trường Đại học Công nghệ và Truyền thông sau khi đăng tải đã có đến trên 5.000 lượt xem, 148 lượt chia sẻ và hàng trăm người bấm like tán thưởng, bày tỏ sự ủng hộ. Sản phẩm này có sự đồng hành của cô giáo Vũ Thị Thu Phương, Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh.
Trò chuyện cùng chúng tôi, cô Phương thông tin: Dựa theo kịch bản, tôi đã trực tiếp phiên dịch, chuyển ngữ toàn bộ thông điệp phòng dịch COVID-19 sang ngôn ngữ ký hiệu để thực hiện các cảnh quay video. Tuy nhiên, vì có những từ mới liên quan đến dịch như: Virus, âm tính, dương tính, cách ly, vắc-xin nên tôi phải trao đổi riêng với cộng đồng người khiếm thính ở Hà Nội và Thái Nguyên để có sự thống nhất chung về ký hiệu. Bộ sản phẩm truyền thông về dịch COVID-19 có 5 video: Cơ chế lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp; cần làm gì sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh; phân biệt cúm thông thường và bệnh do vi rút Corona; hướng dẫn sử dụng khẩu trang đúng cách và ăn gì để phòng, chống vi rút Corona. Từ ý tưởng sáng tạo của nhóm sinh viên, giảng viên Khoa truyền thông đa phương tiện với sự hợp tác của cô giáo Vũ Thị Thu Phương đã tạo ra những sản phẩm hữu ích đầy tính nhân văn dành cho cộng đồng người khiếm thính. Ngay từ những video đầu tiên cô Phương đăng tải trên Facebook cá nhân, ngoài hàng trăm like, comment, hàng chục lượt share, điện thoại của cô cũng liên tục nhận được tin nhắn cảm ơn của học sinh khiếm thính lẫn phụ huynh.
Cuộc chiến chống dịch COVID-19 của cả nước nói chung, Thái Nguyên nói riêng đang ghi nhận ngày càng nhiều hành động đẹp, việc làm ý nghĩa. Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã và đang vào cuộc với một quyết tâm lớn, một sự đồng tâm hiệp lực mạnh mẽ quyết tâm khống chế không để dịch lây lan trên diện rộng.