Trong vòng chưa đầy một tháng, tại huyện Thanh Oai, Hà Nội liên tiếp xảy ra bốn vụ mất trộm cổ vật trong các di tích. Không chỉ bởi thời điểm đang có dịch Covid-19 việc trông giữ, bảo vệ có phần bị ảnh hưởng, buông lỏng, mà lâu nay, tình trạng trộm cắp cổ vật đình, chùa vẫn luôn là một vấn nạn dù liên tục được cảnh báo.
Không ngừng “chảy máu” cổ vật
Các vụ trộm ở huyện Thanh Oai xảy ra vào khoảng giữa tháng 3 đến nửa đầu tháng 4 vừa qua, tại các di tích: chùa Bối Khê, đình Ðại Ðịnh (xã Tam Hưng), chùa Dư Dự (xã Thanh Thủy) và chùa Từ Châu (xã Liên Châu). Tổng số, có 26 cổ vật bị kẻ gian lấy mất. Ðáng chú ý là pho tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng mầu đen tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê bị mất cắp tới lần… thứ ba, sau khi được hoàn trả ở hai vụ trộm trước. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi, do dịch Covid-19 nên di tích đóng cửa, chỉ có nhà sư trông coi nên an ninh, an toàn có phần lỏng lẻo.
Nhiều năm qua, nạn trộm cắp cổ vật ở di tích đã tồn tại và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ðược xem là một trong những điểm nóng về tình trạng này, từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang xảy ra gần 50 vụ mất cắp tại di tích. Kẻ gian lấy đi hàng trăm di vật, cổ vật; chủ yếu là tượng, sắc phong, câu đối, chuông, chấp kích, lư hương,... Như vụ mất trộm ở đình Thổ Hà năm 2018, dù cửa khóa then cài chắc chắn, nhưng kẻ trộm lại đột nhập từ phía hậu cung, lấy đi nhiều cổ vật, di vật giá trị; trong đó có một bộ chấp kích cổ tám chiếc, một kiếm thần, một nồi hương, một đôi hạc đồng. Trước đó, chùa Bổ Ðà trong giai đoạn chờ đón bằng Di tích quốc gia đặc biệt đã bị lấy cắp pho tượng Quan Âm gỗ có niên đại khoảng 200 năm.
Không chỉ Bắc Giang, nhiều địa phương khác cũng xảy ra nạn trộm cắp cổ vật đình chùa. Chùa Kim Long ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) bị mất cắp đến 39 pho tượng quý, có niên đại 300 năm; chùa Phù Lưu (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) bị mất chiếc chuông đồng 103 kg và nhiều đồ thờ quý giá. Năm 2019, khi xử lý vi phạm giao thông, công an phát hiện một nhóm đạo chích chở hiện vật trộm cắp trong đó có chiếc khám thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh có niên đại gần 1.000 năm, thuộc Di tích quốc gia đình Hoàng Châu (Hải Phòng) bị mất cuối năm 2018.
Gần đây, vào tháng 10-2018 và tháng 3-2019, Di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Khánh Hội (quận 4, TP Hồ Chí Minh) đã hai lần bị trộm đột nhập đánh cắp hiện vật, gồm: một tượng bà Nguyệt có giá trị khoảng 300 triệu đồng; một tượng ông Nhật và một tượng cá hóa long khoảng 600 triệu đồng. Ðến nay, cơ quan Công an quận 4 vẫn chưa điều tra được đối tượng trộm cắp để xử lý…
Theo TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, con số cổ vật mất mát lớn hơn những gì đã công bố rất nhiều, bởi nhiều vụ chúng ta chưa biết, chưa thống kê. Nhiều cổ vật bị trộm có tuổi thọ hàng trăm năm, có giá trị kinh tế cao và giá trị văn hóa lịch sử, nghệ thuật quý hiếm nên các đối tượng đã dùng thủ đoạn tinh vi để lấy cắp. Trong khi đó, việc truy tìm còn gặp nhiều khó khăn nên phần lớn cổ vật một đi không trở lại; không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn bị tuồn ra nước ngoài bằng nhiều con đường.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Có thể thấy, tình trạng mất cắp cổ vật đền chùa là do nhiều nguyên nhân: các di tích thường nằm ở nơi biệt lập, vắng người qua lại; hệ thống tường rào, cửa, khóa tạm bợ; không có bảo vệ trông coi ban đêm mà chủ yếu là các sư trụ trì tự quản; thiếu sự quan tâm, sát sao của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý; hoạt động của một số ban quản lý di tích còn lỏng lẻo, hình thức… Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, thực trạng “chảy máu”, mất cắp cổ vật tại di tích đã nhiều lần được Cục nhắc nhở các địa phương tăng cường biện pháp bảo vệ. Một số di tích đã đưa các cổ vật đặc biệt giá trị vào hậu cung hoặc có thùng, két bảo vệ; có biện pháp phân công, tăng cường trách nhiệm giữa các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, còn nhiều địa phương chưa làm tốt nên tình trạng mất cắp vẫn tiếp tục xảy ra...
Luật Di sản văn hóa không quy định rõ, khi để mất cổ vật, trách nhiệm sẽ thuộc về ai. Nhưng theo Chỉ thị 05/2002/CT-TTg của Chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ cổ vật trong di tích, có yêu cầu UBND cấp xã, phường, thị trấn thành lập các tổ chức an ninh tự quản tại các thôn, làng để canh gác, phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi xâm phạm di tích; quy định trách nhiệm cụ thể của UBND cấp xã, phường trong việc bảo vệ di tích trên địa bàn, không “khoán trắng” cho nhân dân địa phương hoặc người trông coi. UBND thành phố Hà Nội cũng quy định rõ trách nhiệm của ban quản lý di tích trong công tác bảo vệ, phòng ngừa và khi để xảy ra vi phạm pháp luật tại di tích. Song thực tế, lâu nay, tình trạng những cổ vật quý dù bị mất nhưng hầu như không ai đứng ra chịu trách nhiệm và bị xử lý trước pháp luật. Người trông coi di tích thường chỉ phải giải trình, bị nhắc nhở; còn chính quyền xã, phường luôn lảng tránh trách nhiệm. Vì thế mọi chuyện dần… chìm xuồng (!). Do đó, để an ninh ở các di tích được bảo đảm, cần xác định và làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương với di tích trên địa bàn. Mặt khác, phải xây dựng hệ thống tường rào, cổng, cửa bảo đảm; lắp đặt hệ thống ca-mê-ra, báo động; luân phiên cắt cử người trông coi. Ðối với các di vật, cổ vật có giá trị cao nên cất giữ ở nơi kín đáo, an toàn, có khóa kiên cố hoặc trông coi cẩn thận. Chính quyền địa phương cũng cần có chế độ thù lao hợp lý cho người bảo vệ, trông coi và gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân nếu để xảy ra mất mát. Cần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị di tích, cổ vật để mọi người có ý thức giữ gìn, bảo vệ di sản quý báu do ông cha để lại.
Ðiều bất cập nữa, là hầu hết các di tích chưa có sổ theo dõi di vật, cổ vật, chưa được lập hồ sơ khoa học để kiểm kê, bảo quản. Ðiển hình, Hà Nội có gần 6.000 di tích thì chỉ một số ít di tích quốc gia ở các quận Long Biên, Mê Linh, Hai Bà Trưng… làm được việc đăng ký cổ vật. Nếu được đăng ký, kiểm kê mới có các số liệu, hình ảnh… tạo cơ sở tìm lại cổ vật khi bị thất thoát hay đánh cắp. Trên thực tế, có những trường hợp nhiều nơi bị mất trộm, người dân khẳng định di vật, cổ vật thuộc về di tích nhưng lại không có cách nào để chứng minh. Vì vậy, việc hồ sơ hóa, đăng ký cổ vật là giải pháp cần thiết mà các địa phương phải ưu tiên trong công tác bảo vệ di tích.
Về vụ việc mất cổ vật ở huyện Thanh Oai vừa qua, Cục Di sản văn hóa đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, Ban quản lý di tích, danh thắng Hà Nội phối hợp các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc tích cực, quyết liệt để sớm giải quyết. Trước tình trạng mất cắp hiện vật, cổ vật ở các di tích vẫn tiếp tục diễn ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn trong việc bảo vệ di tích trên địa bàn và cơ chế phối hợp quản lý giữa UBND cấp xã với ban quản lý hoặc người được giao trông coi di tích. Ðồng thời, tăng cường tuần tra, canh gác kết hợp lắp đặt thiết bị bảo vệ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở địa phương, kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di tích. Hy vọng, từ vụ việc mang tính “báo động” cấp thiết này, hoạt động bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị cổ vật, di tích được các địa phương, cấp, ngành chú trọng, sát sao hơn nữa để hạn chế những thiệt hại đáng tiếc.
Nếu tình trạng “chảy máu” cổ vật không sớm được ngăn chặn thì cổ vật Việt Nam dù có phong phú, đa dạng đến mấy rồi cũng bị mất hết. Ðiều đó ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề nghiên cứu khoa học cũng như văn hóa, lịch sử của nước ta.
PGS, TS Nguyễn Lân Cường
Ðối với các di tích đình, đền, chùa, hệ thống cửa chỉ là hình thức; quan trọng là chính quyền địa phương và ban quản lý di tích phải làm hết trách nhiệm để trông coi di tích và hiện vật. Nếu các yếu tố an ninh an toàn không bảo đảm thì phải báo cáo lên cơ quan chức năng, chính quyền các cấp để xử lý.
Trần Ðình Thành
Phó Cục trưởng Di sản văn hóa