Gia đình luôn giữ một vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của xã hội, góp phần vun đắp và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người và dân tộc Việt Nam.
Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” và Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 25/5/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Tăng cường lãnh đạo công tác dân số, gia đình và trẻ em trên địa bàn tỉnh, công tác gia đình đã được các cấp chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội quan tâm, chỉ đạo thực hiện; lồng ghép gắn với Phong trào xây dựng Gia đình văn hoá, Khu dân cư văn hoá, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho các hộ gia đình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; giảm thiểu các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về gia đình; xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, tiến bộ. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 291.633/321.983 gia đình được công nhận Gia đình văn hoá, đạt 90,57%.
Từ năm 2005 đến nay, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh đã tổ chức được 20 lớp tập huấn về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; 4 hội thi; 3 hội thảo, tọa đàm về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ); tổ chứckỷ niệm 10 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), “Năm gia đình Việt Nam”, Lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống BLGĐ năm 2019; Ngày Hội sách và Văn hóa đọc tỉnh Thái Nguyên lần thứ V, năm 2018 với chủ đề “Sách với gia đình”. Biên soạn và phát hành: Tài liệu “Hướng dẫn sinh hoạt Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững”; đĩa CD tuyên tuyền về phòng, chống BLGĐ; tờ gấp tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình... Tuyên truyền trực quan bằng băng rôn với các thông điệp truyền thông về Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25-11. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện và phát sóng phóng sự chuyên mục “Nếp sống văn hóa và Gia đình”; "Giải đáp - Phổ biến pháp luật".
Sở đã xây dựng thí điểm một số mô hình, đề án về gia đình tại cơ sở, làm tiền đề để nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh như: Mô hình về các giải pháp can thiệp phòng, chống BLGĐ trên địa bàn 5 tổ dân phố thuộc phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên); Đề án Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020”tại huyện Đại Từ; mô hình thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) và phường Mỏ Chè (T.P Sông Công). Toàn tỉnh hiện có 805 câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 1.531 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 319 nhóm phòng chống BLGĐ; 471 đường dây nóng.
Trong những năm qua, đã có rất nhiều tấm gương về cá nhân, tập thể ở các cấp được biểu dương, khen thưởng vì đã có những thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ, tiêu biểu như: Câu lạc bộ Phòng, chống BLGĐ ở xóm Suối Đạo, xã Phủ Lý (Phú Lương), ở thôn Cắm Xưởng, xã Bảo Cường (Định Hóa); các hộ gia đình ông Đinh Ngọc Minh, xóm Cây Sy, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên); hộ gia đình ông Dương Văn Oanh, xóm Diễn Cầu, xã Tân Đức (Phú Bình)...
Để phát huy những mặt đã đạt được và từng bước khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác gia đình trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực gia đình; tuyên truyền, tổ chức các hoạt động về gia đình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, đa dạng hoá các hình thức truyền thông; phát huy hiệu quả của các mô hình câu lạc bộ về gia đình; đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác gia đình cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp, nhất là cán bộ truyền thông cấp cơ sở. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về hoạt động gia đình tại cơ sở để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và kịp thời xây dựng kế hoạch, định hướng nội dung thực hiện cho những năm tiếp theo.
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, quan tâm đến gia đình cũng chính là quan tâm đến sự phát triển của con người và sự tiến bộ của xã hội.