Phượt - không chỉ là đam mê

10:18, 11/07/2020

Đi phượt hay còn được hiểu nôm na là “du lịch bụi” từ lâu đã trở thành một xu hướng lựa chọn của những người trẻ tuổi ưa khám phá. Người biết về phượt, thậm chí từng tham gia đi phượt không ít, song để trở thành dân phượt chuyên nghiệp không nhiều. Bởi ngoài sức khỏe, thích phiêu lưu, còn đòi hỏi người đi phượt phải có bản lĩnh, ý thức tổ chức kỷ luật và phông văn hóa nhất định.

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, trên các diễn đàn của những người yêu phượt lại “xôm” trở lại. Lịch trình các chuyến đi, điểm đến được nhiều người gợi ý và từ đó từng nhóm cùng sở thích được hình thành. Có tìm hiểu chúng tôi mới biết, muốn đi phượt không đơn giản cứ “thích là nhích” mà mỗi chuyến đi của dân phượt chuyên nghiệp là một quá trình chuẩn bị khá công phu. 

Chị Vũ Ngọc Ánh, tổ 6, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên), người đã có kinh nghiệm 10 năm đi phượt chia sẻ: Để có một chuyến đi thành công, ngoài việc lên lịch trình chi tiết thời gian, địa điểm, số lượng người tham gia, chúng tôi còn phải tìm hiểu rất cặn kẽ nơi đến. Việc này có thể thông qua ý kiến của người đi trước hoặc chỉ dẫn của người dân địa phương do mình liên hệ trước. Không có quy định mùa, nhưng thường người đi phượt sẽ chọn thời điểm đẹp nhất của các điểm du lịch để đến. Ví dụ như tháng 9 (mùa lúa chín ở các ruộng bậc thang Tây Bắc), giữa tháng 10 (mùa hoa Tam giác mạch ở Hà Giang), cuối năm (mùa hoa cải trắng ở Mộc Châu - Sơn La)... 

Nhiều người khi nhắc đến đi phượt là nghĩ đến sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm khi tham gia giao thông khi phóng nhanh, vượt ẩu và làm ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng hầu hết các đoàn phượt của dân “chuyên nghiệp” đều có “nhạc trưởng” là các “eader”. “Leader” là người có kinh nghiệm, hiểu biết, sẽ là người luôn đi đầu đoàn và quán xuyến mọi việc trong chuyến đi. Các thành viên trong đoàn có trách nhiệm tuân thủ theo sự chỉ dẫn của “leader”. Trên lịch trình di chuyển, ngoài người dẫn đầu, các đoàn phượt còn cần có người đi chốt cuối hàng, để đảm bảo các thành viên trong đoàn nằm trong sự kiểm soát tốt nhất. Không phủ nhận, đôi lúc, ở một số nơi còn tình trạng “khách đi qua, rác ở lại”. Nhưng đây cũng là điều tối kỵ với dân phượt “lành nghề”.

Mặc dù, các nhóm phượt dù chỉ tụ hội với nhau vì cùng sở thích và hoàn toàn tự nguyện song họ có những quy định “bất thành văn” về văn hóa ứng xử với thiên nhiên. Bên cạnh đó, hiện nay, xuất hiện ngày càng nhiều và sẽ không quá khi nói rằng nó cũng đang dần trở thành xu thế, là đi phượt kết hợp với làm từ thiện. Có một đặc điểm chung của người đi phượt “chuyên nghiệp” là thích đến những nơi còn hoang sơ, hẻo lánh, những nơi thiên nhiên hầu như chưa chịu sự tác động của con người.

Công tác tại một cơ quan Nhà nước nên Nguyễn Văn Quân và nhóm bạn thường có những chuyến trải nghiệm và khám phá các cung đường, những mảnh đất mới vào ngày nghỉ cuối tuần. Hành trang mang theo ngoài quần áo, giáp bảo hộ, miếng dán phản quang… Quân và các bạn còn chuẩn bị gạo, mỳ tôm, bột canh, nước mắm. Dọc đường đi, gặp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhóm sẽ tặng gạo, bột canh đã chuẩn bị.

Hay như với Vũ Ngọc Ánh, từ mong muốn giúp đỡ một thiếu niên tên Lù ở Mộc Châu (Sơn La) đã bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn mà chị đã gặp trong một lần đi phượt. Đến nay, chị cũng huy động và tổ chức được hàng chục buổi làm từ thiện cho học sinh vùng khó…

Với người đam mê phượt, ngoài để được thỏa mãn sự phiêu lưu, thích khám phá những chân trời mới họ cũng chính là những người góp phần quảng bá hình ảnh đẹp hoặc nét văn hóa độc đáo của những vùng đất họ từng đi qua...