Thăm đền thờ một vị khoa bảng danh tiếng

11:53, 05/07/2020

Theo chỉ dẫn của chị Trịnh Thị Huệ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) tôi tìm đến xóm Chợ nơi có khu mộ cổ và đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí.

Khu mộ cổ Tiến sĩ Đàm Chí nằm trong khuôn viên gia đình bác Phạm Văn Hùng, ở xóm Chợ. Cùng với Ban quản lý đền thờ và gia đình bác Hùng tuần Rằm, mùng Một đều hương khói chăm nom phần mộ. Khu mộ nằm trên đồi chè thoai thoải, phía trước là cánh đồng rộng, màu mỡ, xung quanh là những quả đồi thấp thoai thoải bốn mùa xanh mát bởi cây trái. Đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí được xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền, có sân rộng để tổ chức lễ hội truyền thống.

Chị Nguyễn Thị Thanh, Trưởng xóm Chợ, Phó Ban Quản lý đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí cung cấp thêm thông tin: Tiến sĩ Đàm Chí quê gốc ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sinh ra và lớn  lên ở làng Sa Kệ (Đồng Hỷ) nay là các xã Phúc Trìu, Phúc Xuân, Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên). Năm 1535, đời Mạc Đăng Doanh, ông thi đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ. Kỳ thi của ông có Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm người huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Sau khi đỗ Tiến sĩ được bổ làm quan Tri huyện, trong đó có lần ông được cử lên huyện Phú Lương (nay thuộc địa bàn huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) sau đó được thăng chức và làm tới chức Thừa chính xứ, tước Văn Trai bá (Bá tước), một trong những chức cao thời bấy giờ (công, khanh, bá, tử, nam). Bằng các căn cứ khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa đã xác định Đàm Chí là 1 trong 9 vị tiến sĩ đỗ đại khoa của tỉnh Thái Nguyên. Theo nhân chứng dòng họ Đàm xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) vẫn gìn giữ được ngày giỗ và Gia phả tổ tiên của mình trong đó có Tiến sĩ Đàm Chí.

Dòng họ Đàm ở Thái Nguyên cũng nổi tiếng là một dòng họ khoa bảng, có 2 vị tiến sĩ đỗ đại khoa ở đầu thế kỷ XVI. Đó là Đàm Sâm, đỗ Tiến sĩ năm 1511 đời vua Lê Tương Dực; Đàm Chí đỗ tiến sĩ năm 1535 đời Mạc, đều làm quan đến chức Thượng thư. Ngoài ra cũng phải kể đến hậu duệ họ Đàm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, cũng góp phần làm dạng danh dòng họ với các tên tuổi như Thượng tướng Đàm Quang Trung; Trung tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Đàm Văn Ngụy; Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Đàm Đình Trại, đều là những vị lãnh đạo từng làm việc ở Quân khu 1.

Được biết, khi chưa xây dựng được đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí, người dân xóm Chợ lập miếu nhỏ cạnh gốc đa đầu làng thờ ông. Để bảo tồn và gìn giữ di tích mộ Tiến sĩ Đàm Chí, năm 2015, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có văn bản chấp thuận chủ trương xây dựng đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí. Sau khi làm đủ các thủ tục, UBND xã Phúc Trìu và nhân dân địa phương cùng dòng họ Đàm trong nước đã công đức xây dựng ngôi đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí với số tiền xã hội hóa lên tới trên 1,6 tỷ đồng. Hằng năm, vào dịp giỗ Tiến sĩ ngày 25-10 (Âm lịch), nhân dân xóm Chợ và dòng họ Đàm trên cả nước đều cùng nhau về dâng hương tế tổ. Vào ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch, nhân dân  xóm Chợ tổ chức lễ hội khai xuân ngay tại sân chính của đền.

Việc xây dựng đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, thông qua đó còn giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống hiếu học của ông cha xưa.