Di tích Nhà xuất bản Sự thật ở Sơn Phú

11:15, 09/09/2020

Lịch sử 75 năm xây dựng và phát triển, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, tiền thân là Nhà xuất bản Sự thật đã nhiều lần phải di chuyển địa điểm do yêu cầu khách quan. Giai đoạn 1949-1950, cơ quan này đóng trụ sở tại xã Sơn Phú (Định Hóa) và để lại nhiều dấu ấn.

Nhà xuất bản Sự thật thành lập ngày 5/12/1945, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhà xuất bản ra đời với tư cách là một cơ quan chính trị và lý luận của Đảng, có nhiệm vụ công khai Chủ nghĩa Mác - Lê nin; chủ trương, đường lối của Đảng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cơ quan hoạt động trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh. Từ năm 1946, Trung ương giao cho Ban Tuyên giáo phụ trách đơn vị, trực tiếp là đồng chí Lê Văn Lương.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, nhiều cơ quan của Trung ương phải di chuyển ra ngoài vùng Thủ đô Hà Nội để đảm bảo an toàn. Nhà xuất bản Sự thật cũng không phải ngoại lệ. Cơ quan chuyển ra vùng Quốc Oai, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) rồi lên ATK Định Hóa. Bà Bàng Thị Tuyết, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sơn Phú (Định Hóa) cho biết: Địa điểm nơi ở và làm việc của Nhà xuất bản Sự thật từ năm 1949 đến 1950 được xác định thuộc địa bàn xóm Hin Trang, sau đổi thành xóm Cây Hồng. Thực hiện chủ trương sáp nhập thôn xóm, tổ dân phổ không đảm bảo điều kiện diện tích và dân số, xóm Cây Hồng sáp nhập trở thành xóm Bản Chang, thuộc xã Sơn Phú.

Ông Lê Đôn Tá (bí danh Lê Chính), từng làm nhiệm vụ đánh máy, sửa bản thảo kiêm văn thư của Nhà xuất bản Sự thật ghi lại: Cơ quan chuyển về Sơn Phú từ cuối năm 1949, đóng ở ngôi nhà sàn to nhất vùng. Đồng chí Khuất Duy Tiến được giao phụ trách. Đồng bào các dân tộc nơi đây đã hết lòng giúp đỡ đơn vị về nhà ở, nồi nấu ăn, chiếu nằm và cả chăn đắp. Anh em cán bộ cũng hướng dẫn, cùng các cháu thiếu nhi tập văn nghệ, mở lớp bình dân học vụ cho người dân, từ đó tạo mối quan hệ gắn bó khăng khít.

Về nhiệm vụ, trong thời gian ở và làm việc tại Sơn Phú, Nhà xuất bản Sự thật đã thực hiện chuyên môn hóa, giao cho một bộ phận riêng phụ trách biên tập nên số lượng sách xuất bản đa dạng và phong phú hơn. Đây chính là giai đoạn đơn vị có số lượng đầu sách xuất bản nhiều nhất trong những năm kháng chiến chống Pháp (52 đầu sách). Số lượng bản in có cuốn đến 5.000-6.000 bản, cũng cao nhất trong các loại sách. Trong số tác phẩm đã xuất bản, đáng chú ý có cuốn “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” do Chủ tịch Hồ Chí Minh lược dịch. Đây là cuốn sách mang tính phổ thông, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp trình độ cán bộ, đảng viên lúc bấy giờ. Hay cuốn “Tôi đã thấy gì ở miền đất tự do Việt Nam” của Leo Phighe, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp sau khi ông đến tham quan vùng căn cứ địa Việt Bắc.

Năm 2010, địa điểm Di tích nơi ở và làm việc của Nhà xuất bản Sự thật ở xã Sơn Phú đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Ngay sau đó, Nhà xuất bản Quốc gia - Sự thật cũng phối hợp với chính quyền địa phương đặt bia kỷ niệm; xây dựng, tôn tạo nhà văn hóa của xóm và trang bị cho công trình nhiều sách, tư liệu lịch sử để người dân có thể đến đọc, tìm hiểu lịch sử.