Việc hiếu - Đạo và đời

17:31, 15/11/2020

Tôi cứ ám ảnh bởi câu chuyện: Dạo ấy, ở xóm chúng tôi ở có chú Thơm, chú sống độc thân. Chú ấy nghèo nhưng nhân hậu, lịch lãm, đàng hoàng; lối sống mực thước, điển hình của làng xã một thời: Kính già, yêu trẻ, luôn nhường nhịn mọi người nên từ người già đến con trẻ đều quý mến... 

Một trưa hè nắng gay gắt, mọi người thảng thốt gọi nhau chạy về ngôi nhà chú Thơm ở. Bác cả Tự có xe đạp nên đến trước... Lũ trẻ con chúng tôi đến nơi thì chú đã "về" rồi. Chú ấy không có gì ăn sáng, đi làm cỏ chè ăn miếng dứa (cũng có thể do rắn độc nhấm) thế là ngộ độc. Bệnh viện xa, không cứu được. Bác cả Tự kể: Bác đến nơi thì chú ấy đã sùi bọt mép, chân tay co giật... Thấy bác cả Tự đến, chú ấy cứ chắp hai tay lạy mà nói rằng chú ấy còn nợ bác hai đồng tư, bây giờ không còn cơ hội trả, nên van lạy và xin. Bác cả Tự thấy vậy thảng thốt, nói: Thôi chú cứ thanh thản mà đi, tôi biếu chú, tôi biếu chú... Chú Thơm trút hơi thở cuối cùng mà gương mặt nhẹ nhõm, chú trông chỉ như đang ngủ vậy... Sau này, tôi không thể quên câu chuyện trên dù đã hơn nửa thế kỷ rồi... Nhất là những khi có chuyện phải nghĩ về đạo lý, tín ngưỡng...

Trong cuộc sống cũng thấy có nhiều việc cư xử ý tứ, "Đất lề quê thói", ngẫm thấy rất hay. Chẳng hạn cuối đời, người ta hay thu xếp mọi việc cho gọn gàng, kể cả việc hậu sự của chính mình. Việc gì làm rõ được thì cho tỏ tường, việc gì không rõ được thì nhắn nhủ, di chúc lại. Xưa, kể cả kết thúc khi một năm thôi cũng thế, chả ai muốn vương vấn, nợ nần gì nên cố gắng giải quyết trước giao thừa để sang năm mới, mọi việc đều mới mẻ, hanh thông, không lăn tăn,vướng bận. Tập tục của dân tộc ta là thế.

Trong tín ngưỡng tôn giáo và đời sống tâm linh cũng cho chúng ta nhiều luận giải để cùng suy ngẫm. Tại sao có từ "cõi tạm", là vì theo thuyết luân hồi của đạo Phật, qua 12 kiếp, mỗi kiếp có biểu tượng là một loài vật linh ứng rồi lại trở về kiếp người... Ở đây ta không bàn về tín ngưỡng, tâm linh hay mê tín dị đoan mà chỉ bàn về mơ ước thanh thản của mỗi con người khi "về" với tiên tổ, " lên" với đấng cao siêu "hay" sang một kiếp khác.

Việc hiếu chịu ảnh hưởng nhiều ở phong tục, tập quán vùng miền, dân tộc. Văn minh có, lạc hậu có; tiết kiệm có và lãng phí cũng có... Đặc biệt, có cả việc tổ chức việc hiếu vì người chết và có nơi là cả người sống. Đưa tiễn người thân xong, người sống đoàn kết, thương nhau hơn có và giận hờn, chia rẽ cũng có vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân từ những đồng tiền phúng viếng...

Tôi theo dõi, trong những năm qua, thực hiện việc xây dựng đời sống văn hóa, nhiều địa phương, cơ sở có quy định, hương ước... trong dân cư. Nhưng việc phúng viếng như thế nào cho phù hợp với văn hóa, tâm linh, giảm phiền hà cũng là vấn đề đáng bàn luận. Chẳng hiểu từ khi nào, phúng viếng đa phần bằng tiền.

Ở khía cạnh tâm linh, ta hiểu rằng thắp nén nhang thơm để tiếc thương, tưởng nhớ người mất. Còn vật chất không mang theo được. Vẫn biết, đồng tiền phúng viếng ấy khách muốn góp sức cùng gia chủ lo toan hậu sự; thể hiện tình cảm với người khuất núi, đó là tập tục ngàn đời và còn có thể là món nợ “đồng lần” nữa… Thế nhưng lâu nay phong bì tiền phúng viếng thường ghi “Kính viếng hương hồn cụ, ông, bà...”. Vậy là vô tình, người sống lại làm cho người đã khuất tiếp tục vướng nợ cõi trần. Vậy, nên làm thế nào cho đẹp, văn hóa mà vẫn đạt được các yếu tố truyền thống nêu trên… Chẳng hạn, phúng viếng hoa quả với một nén nhang tiễn biệt, theo làn khói nhang ấy là niềm thương, nỗi nhớ của người ở lại. Tiền giúp đỡ gia chủ (nếu cần ) gửi trực tiếp hoặc một vị trí nào đó thích hợp… Cũng có gia đình thông tin Không nhận tiền phúng viếng”, bởi trong tâm họ là để người đi thanh thản nhưng cách đó cũng là “cực chẳng đã” mà thôi…