Vậy là đã 2 lần 12 con giáp, vị chi 24 lần đón năm mới. Hôm nay, những thời khắc cuối cùng của năm cũ, những người làm báo Đảng của Bắc Kạn, Thái Nguyên lại về với nhau, về với những kỷ niệm, những miền ký ức chưa xa và không thể nào quên của họ.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, từ 1/1/1997, Bắc Thái tách làm hai: Thái Nguyên và Bắc Kạn. Thái Nguyên hơn ba ngàn rưỡi, Bắc Kạn già bốn ngàn cây số vuông. Hơn triệu dân thì ba phần tư thuộc về xứ Thái. Công nghiệp, giáo dục đào tạo, xây dựng đô thị, thương mại, đời sống văn hóa, y tế… Tất thảy đều Thái Nguyên “phải gánh” trên vai… Đủ thấy, ăn ở cùng nhau 31 năm có lẻ (sáp nhập năm 1965) nhưng quy luật vậy, nước thì phải về chỗ trũng…
Tòa soạn báo Bắc Thái có 31 người, 7 người khoác ba lô lên với sườn Đông dãy Phia-Pi-óoc xây dựng cơ đồ mới. Anh Nguyễn Non Nước - Phó Tổng biên tập Báo Bắc Thái, quê huyện Nà Rì (ruộng dài) dẫn đầu, 6 anh chị em còn lại đều “binh nhất”: Hoàng Đức Trí, Nguyễn Cao Thâm, Trần Lan Phương, Nguyễn Xuân Hải, Trần Nguyên, Thế Bình… Báo Bắc Thái nghèo cũng chẳng có gì để chia. Có chiếc xe U-oát muốn nổ máy phải quay ma-ni–ven vài chục vòng, người ra đi không nỡ lấy… Ai đó có câu thơ: "Gần nhau tình cảm bình thường / Xa nhau mới thấy tình thương dạt dào” quả là chí lý thật. Anh Lê Quang Dực - Phó trưởng Ban Tuyên giáo được điều về làm Tổng Biên tập từ tháng 10 năm 1996 mang theo suy nghĩ đầy trách nhiệm của một Tỉnh ủy viên quyết định: Làm luôn hai số báo đặc biệt Bắc Cạn và Thái Nguyên phát hành ngày 1/1/1997. Một người viết hai xã luận cho hai tờ báo một lúc, âu cũng là hy hữu trong nghề báo… Ấy là chưa kể cấp trên giao nhiệm vụ “Bên” Báo chắp bút diễn văn cho người đứng đầu Thái Nguyên còn “Bên” Phân xã (Thường trú TTXVN) chắp bút diễn văn cho người đứng đầu Bắc Kạn. Viết xong chuyển Ban Tuyên giáo, Văn phòng Tỉnh ủy… Anh Ma Văn Bổn - Phân xã trưởng, quê Chợ Đồn, được chọn lên làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Kạn viết diễn văn cho Trưởng Ban Tuyên giáo Bắc Thái, chuẩn bị làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hà Văn Phụng khá ổn, hay, không phải sửa. Bài diễn văn “Bên” Thái Nguyên sẽ được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngô Hai đọc, yêu cầu sửa chút ít cho đúng thực tế lịch sử. Viết là: "...Thái Nguyên và Bắc Kạn, hai người anh em sinh đôi…” Sửa là: “Thái Nguyên - Bắc Kạn, hai tỉnh vốn từ một nguồn cội…”.
31/12/1996, thị trấn Bắc Kạn sau 31 năm là Trung tâm huyện lỵ Bạch Thông đêm trước ngày "vươn mình Phù Đổng” để trở thành tỉnh lỵ thật nhiều cảm xúc. Những chị gái Tày bản Nà Thoi, xã Quang Thuận quẩy đôi thạp quýt vàng óng với đôi vòng bạc lúc lắc nơi cổ cao ba ngấn cười tươi rói cùng các anh cán bộ ban, ngành vừa lên, túi còn rủng rỉnh bạc lẻ trong số 4 triệu đồng được tỉnh hỗ trợ. Cửa hàng ảnh cụ Phan Hoàn tấp nập người ra vào, chụp bức hình kỷ niệm ngày đầu tái lập… Thi sĩ Dốc Tiệm Quách Đăng Thơ hớt hải đi tìm Tòa soạn báo để gửi đăng bài thơ mới sáng tác… Khu nhà cơ quan huyện Bạch Thông được trưng dụng làm cơ quan tỉnh bộn bề công việc. Ông Đỗ Minh Đạt - Phó Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Thái được cử lên chăm lo cơ sở vật chất ban đầu tất bật việc phân phối giường tủ, bàn ghế, văn phòng phẩm… Sân vận động đang cố gắng hoàn thiện các công việc cuối cùng cho lễ mít tinh vào sáng hôm sau… Khu nhà kho của Xưởng Trúc ven sông Cầu, xa phố thị được lấy, tu sửa lại làm nơi ở và làm việc của Báo Bắc CKạn và vài cơ quan khối Đảng. Bên là núi, bên là sông, giữa đêm đông giá buốt, 7 anh em cùng đội tăng cường chúng tôi lao động suốt đêm ấy. Tường vừa xây ẩm ướt bốc hơi nước thành rọt trên tường, nền trơn trượt, lạnh giá. Ngoài sông Cầu, nước muốn đóng băng nặng nhọc chảy; phía rừng mạn Mỹ Thanh vọng về tiến nai con lạc mẹ thánh thót kêu ta rắc, ta rắc; tiếng con chim “tư tưởng” cứ thánh thót hoài một giọng “Khó khăn khắc phục, khó khăn khắc phục”… Phóng viên Trần Lan Phương thảng thốt giữa màn đêm: Có mà Bắt cô trói cột thì có…
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Báo Thái Nguyên, Báo Bắc Kạn cùng cán bộ, phóng viên hai tòa soạn.
Rồi đêm đầu tiên của sự chia xa không ai nỡ ngủ cũng qua. 5h sáng, anh em đã mang mấy nghìn tờ báo Bắc Kạn và Thái Nguyên lên. Một chiếc bàn được kê, đặt 2 chồng báo đầu sân vận động. Dân Bắc Cạn đến đông lắm, hình như họ chờ ngày này đã lâu. Các ngả đường từ Sỹ Bình, Vũ Muộn xuống. Hảo Nghĩa, Cường Lợi; Phương Viên, Nghĩa Tá… ra. Họ cầm trên tay tờ Bắc Kạn còn thơm mùi mực mà đánh vần. Một trai bản còn đứng trên ghế mà cao giọng đọc xã luận: "Thống nhất ý chí và hành động, xây dựng Bắc Kạn giàu mạnh”… Chồng báo Bắc Kạn lát sau đã hết… Cá nhân tôi, theo dõi phong trào huyện Bạch Thông và Chợ Đồn hơn chục Rằm tháng Bảy, thấu hiểu khát vọng của cán bộ và nhân dân nên vui khôn tả. Trên khán đài là các anh: Hà Văn Phụng - Bí thư; Hà Sỹ Toàn - Phó Bí thư Thường trực; Đặng Phúc Lường - Chủ tịch HĐND; Phan Thế Ruệ - Chủ tịch UBND… Chúng tôi nhìn “tứ trụ”, ba phần tư người Tày, người Dao, làm việc trên quê hương của họ, bảo sao không tin tưởng cho đặng. Từ thời Hồng Bàng dựng nước và giữ nước, phàm đã làm quan, mấy ai không muốn làm gì đó vẻ vang cho quê hương.
Ai đã từng biết Bắc Kạn thuở ấy hôm nay về thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn hẳn sẽ choáng ngợp về sự phát triển. Đảng, Quốc Hội đã sáng suốt, đánh thức một vùng quê.
Hôm nay về lại, gần như đủ cả những người thời ấy và thêm cả các em, các cháu lớp sau, mừng mừng, tủi tủi như con trẻ. Cùng phát triển, Báo Thái Nguyên tăng kỳ, Báo Bắc Kạn cũng tăng kỳ; tia-ra phát hành có lúc Bắc Kạn còn hơn. Năm 2001, Thái Nguyên có báo điện tử, 1 năm sau đó, Thái Nguyên hỗ trợ để Bắc Kạn cũng có báo điện tử… Ngoài thất thập, anh Nguyễn Non Nước vẫn cường tráng, mấy chục năm nghe nhiều rồi, tuổi này có thánh thót câu được câu chăng cũng có sao đâu. Nguyễn Cao Thâm lên Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Kạn, về Hà Nội trở thành nhà văn, Tổng Biên tập Báo Sáng tạo điện tử, xuất bản có tới ba chục đầu sách. Trần Lan Phương giờ đây là Phó Tổng Biên tập phụ trách báo cũng xếp tốp đầu của hanh thông, thành đạt ở cái nhẽ công danh và gia đình. Chị lăn tăn:
- Vậy nhưng 1 phần tư thế kỷ xây dựng và trưởng thành, cơ quan Báo Bắc Kạn chưa có một sự vinh danh nào, cho tập thể, cho cá nhân.
Tôi thưa:
- Có đấy, năm 1985, Báo Bắc Thái đã nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Một nửa chả Báo Bắc Kạn thì ai? Năm tới, 25 năm tiếp theo khéo lo chả Huân chương Độc lập hạng nhất ấy chứ? Có đề nghị hay không chứ như Báo Bắc Kạn hôm nay chỉ có tuyệt vời trở lên…
Chúng tôi rời Bắc Kạn lỉnh kỉnh những giỏ quýt vàng mọng và những gói miến Na Rì nổi tiếng. Chủ tịch Công đoàn khóa này Nguyễn Xuân Hải và Chủ tịch Công đoàn Báo Thái Nguyên khóa trước Nguyễn Thúy Hằng cứ bảo tôi kể lại cái đêm nay của 24 năm trước. Thì đấy, đêm 31/12/1996, chúng mình đã thức cùng Bắc Kạn như thế!
Hà Nội đêm cuối năm