Mưa Xuân

09:05, 14/02/2021

Trong muôn vẻ đẹp của trời đất, thiên nhiên thì hình ảnh mưa xuân luôn hiện hữu như một nét đẹp nhẹ nhàng, êm dịu, thanh tao vào bậc nhất. 

Miền Bắc nước ta có bốn mùa mưa nắng. Mùa Hè đổ lửa cùng những cơn mưa rào phũ phàng ào ạt, sấm sét ngang trời, có cảm giác luôn đem lại cho con người những nỗi bất an. Những cơn mưa mùa Thu ít ỏi mà thiên nhiên ban tặng chợt đến, chợt đi trên những tán lá úa vàng thường chỉ làm lòng người thêm hiu quạnh. Rồi những trận mưa phùn mùa Đông kéo dài trong băng giá trĩu nặng tâm can… Chỉ đến khi mùa Đông tàn dần, từ những cành cây khẳng khiu, khô héo bắt đầu nhú lên những chồi non lộc biếc, cũng là lúc những giọt mưa xuân đầu tiên nhè nhẹ bay trong không gian mới làm lòng người thư thái trở lại. Những giọt mưa xuân mong manh, dìu dịu như hơi ấm xua nốt những u ám, giá lạnh của mùa Đông đã qua. Vạn vật tươi vui. Bầu trời như cao thêm. Những đám mây sáng dần. Trong rừng, hoa bắt đầu đua nở, chim hót véo von… Những làn mưa xuân mỏng tang không gây ẩm ướt, chỉ làm cho mái tóc, tà áo thiếu nữ mềm mại hơn, gợi lòng người những nhớ nhung da diết; mưa như làm duyên với con ngươi, với trời đất. Bởi vậy mà có một nhà thơ đã đặt một cái tên khác, rất lý thú cho mưa xuân là “mưa duyên”. Mưa xuân - mưa duyên, là mưa của tình yêu, hoài niệm, là mưa của sự hồi sinh, mưa của giao hòa trời đất, mưa của nguyện cầu, lễ hội…

Đã muôn đời, con người có thể quên đi nhiều thứ, nhưng với mưa xuân thì hình như đã trở thành một biểu tượng khó phai nhòa. Với người nông dân có lẽ điều này còn trở nên sâu đậm hơn. Ai từng lớn lên nơi thôn dã chắc hẳn không bao giờ quên được những giọt mưa xuân mơ màng, huyền diệu trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay, trên mỗi đồi chè, nương dâu, bãi ngô, trên mỗi lũy tre làng… Rồi qua những hội cầu mùa, hội tung còn, sli lươn, quan họ… mê đắm trong mưa xuân để biết bao đôi lứa nên duyên.

Mưa xuân không chỉ là mưa của thiên nhiên, trời đất mà xưa nay đã trở thành mưa của văn chương, nghệ thuật. Biết bao cơn mưa, đặc biệt là mưa xuân đã trở thành đề tài của những bài thơ, những ca khúc nổi tiếng, thấm đẫm lòng người.

Thơ nói về mưa xuân hẳn người Việt khó ai quên bài “Bến đò xuân đầu trại” của đại thi hào Nguyễn Trãi:

Trại đầu Xuân độ
Độ đầu xuân thảo lục như yên,
Xuân vũ thiêm lai thuỷ phách thiên.
Dã kính hoang lương hành khách thiểu,
Cô châu trấn nhật các sa miên.

Bùi Hạnh Cẩn dịch:

Cỏ xuân đầu bến xanh như khói.
Thêm nữa mưa xuân nước vỗ trời.
Vắng lạnh đường quê hành khách ít.
Thuyền trơ gác bãi suốt ngày ngơi.

Nhìn mưa Xuân mà thấy như “nước vỗ trời” thì quả là siêu ảo. Nó đã làm nên một thi ảnh mới, độc đáo, dị biệt, chỉ ở Ức trai Tiên sinh mới có. Hình ảnh nước vỗ trời làm cho mưa xuân trở nên có hồn, môt thi ảnh động mà mơ màng như sương khói. Động mà vẫn mang vẻ dịu dàng, êm ái của mưa xuân. Một câu thơ mang bút pháp Đường thi mà đậm đặc hồn cốt, phong vị Việt Nam. Chỉ một thi ảnh ấy đã có thể nâng mưa xuân đất Việt lên môt tầm cao văn hóa. Hay nói một cách khác, chính mưa xuân của đất Việt đã gợi mở để Ức Trai Tiên sinh xuất thần viết một câu thơ tuyệt mĩ đến vậy. 

Xưa là thế. Nhưng văn chương đương đại cũng không ít thi phẩm về mưa xuân. Tiêu biểu nhất có lẽ là bài thơ “Mưa xuân” của Nguyễn Bính. “Mưa xuân” là một câu chuyện tình đầy lãng mạn. Tất cả mọi chuyển động, diễn biến của thời gian, không gian, cảnh ngộ đều nằm trong cái nền mưa xuân. Tuy nhân vật chính cua câu chuyện là cô gái thôn dã đang khao khát được yêu nhưng suốt bài thơ, những giọt mưa xuân luôn thấp thoáng hiện lên song hành cùng tâm trạng của cô gái. Vì thế, mưa xuân đã đóng vai trò như một “nhân vật” của câu chuyện. Mưa cũng buồn vui, trăn trở, khát khao, hy vọng cùng với niềm vui, nỗi lo lắng bất an của nhân vật chính. Lúc trong tâm trạng ngây ngất, rạo rực yêu đương của cô thì “mưa phơi phới bay”. Khi cô khắc khoải trong hoài nghi, hờn giận thì mưa cũng “thấm bàn tay từng chấm lạnh” hoặc “mưa nặng hạt”. Khi cô mơ hồ thất vọng trong tình yêu thì mưa cũng “ngại bay”… Mưa xuân chính là nỗi lòng của cô gái. Bằng nghệ thuật điêu luyện, Nguyễn Bính đã khéo kết nối, giao cảm lòng người với mưa xuân. Hóa ra, mưa xuân không chỉ thấm trong trời đất mà còn thấm vào hồn người, mang nặng hồn người.

Ở đâu không biết chứ ở Việt Nam thì mưa xuân là mưa tâm tưởng, mưa văn hóa, mưa nghệ thuật. 

Ngày hôm nay, với thời đại 4.0 có thể ít ai còn quá nặng lòng và đồng điệu với tâm lý và tình cảm của những cô gái bên khung cửi/Dệt lụa quanh năm với mẹ già của đầu thế kỉ XX như cô gái trong thơ Nguyễn Bính. Những tình cảnh cổ xưa kiểu như “Lòng thấy giăng tơ một mối tình” hoặc “ngửa bàn tay trước mái hiên” để ngóng những hạt mưa “thấm bàn tay từng chấm lạnh”, có chăng nữa thì đã là sự thay thế của những clip gửi sang điện thoại thông minh của nhau bằng tốc độ phi thường rồi. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì mưa xuân vẫn trường tồn trong đất trời, mỗi mùa xuân tới lại ban phát cho con người bao niềm hạnh phúc. Với bất cứ thế hệ nào thì biểu tượng mưa xuân vẫn không bao giờ mất. 

Cảm ơn trời đất, cảm ơn những thi nhân xưa, bằng những thi phẩm của mình đã tìm lại cho nhân thế những thời gian đã mất, để mùa xuân, mưa xuân mãi mãi vĩnh hằng.