Vào những ngày đẹp trời, người dân xóm Hiệp Đồng, xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên) đã quen với hình ảnh “bà hoạ sĩ” của xóm mang giá vẽ ra đồng để vẽ những bức tranh về đồng quê. Là người sáng tạo ra dòng tranh trên gốm nung, Hoạ sĩ Nguyễn Lan Hương cũng thành công với nhiều dòng tranh khác. Tranh của bà thường xuyên được các nhà sưu tầm tìm mua với mức giá từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/tác phẩm.
Ngôi nhà của Hoạ sĩ Nguyễn Lan Hương cách cổng làng xóm Hiệp Đồng không bao xa. Đó là một ngôi nhà rất dễ nhận ra bởi ngay từ cổng vào đã ngập tràn màu sắc của cây cối, lá hoa. Đây vừa là nơi ở, vừa là xưởng tranh của bà.
Đang khảm trai dở bức tranh chăn trâu thổi sáo, hoạ sĩ vui vẻ cho biết năm nay là năm con trâu, cũng là năm tuổi của bà, nên bà vẽ bức này. Nhìn bà nhẹ nhàng mang những bức tranh khổ lớn từ trong kho ra cho khách thưởng lãm và nhìn tốc độ hoàn thành khối lượng tác phẩm đồ sộ của bà, không ai nghĩ hoạ sĩ đã vào tuổi 60.
Sinh ra tại Hà Nội, theo gia đình sơ tán lên Phổ Yên từ năm 1967, cha mẹ vốn mong muốn bà theo nghề sư phạm, nhưng ngay từ nhỏ bà đã vô cùng yêu thích màu sắc và hội hoạ nên đã giấu gia đình, nộp đơn dự thi và đỗ vào Khoa Họa, Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc).
Ra trường, hoạ sĩ chật vật làm đủ các công việc để kiếm sống: Vẽ tranh tường, vẽ biển quảng cáo, … Bà tâm sự, cho đến nay, bà vẫn chưa nguôi cơn “thèm vẽ”. Hồi trẻ, bà thèm vẫn cố dành thời gian “lượn” qua cổng Trường Đại học Mỹ thuật ở phố Yết Kiêu, chỉ để nhìn bạn bè được tiếp tục học chương trình đại học, để tưởng tượng mình cũng đang được học ở đó. Rồi về lại lao vào vẽ.
Mặc dù cuộc sống vô cùng khó khăn, gia đình tan vỡ, một nách hai con nhỏ, bữa trưa lo bữa tối, mấy ngày là lại đóng cửa vẽ vời. nhưng mỗi đêm về khi con đã ngủ yên trên hai cánh tay, bà lại lạc vào thế giới của màu sắc. Có lần, bà được một họa sĩ tặng hộp bột màu với mấy tờ giấy rôki quý lắm, cứ lo được đủ gạo ăn mấy ngày là bà lại lao vào vẽ.
Số phận đã mỉm cười với bà khi được nhận về nhà máy sản xuất gạch xây dựng Hương Canh (Vĩnh Phúc), với vai trò là họa sĩ thiết kế mẫu mã cho các loại gạch men, gạch trang trí trong xây dựng.
Thu nhập tốt, được làm công việc liên quan đến đam mê nên đây thực sự là quãng thời gian bà vô vùng thăng hoa với các ý tưởng sáng tạo. Theo sát sản phẩm, bà nhận thấy trong quá trình sản xuất luôn có một số lượng gạch lỗi và men thừa, bèn nảy ra ý định vẽ tranh trên gạch men, chất liệu tưởng như chỉ ứng dụng trong xây dựng. Năm 2003, những bức tranh đầu tiên hoàn thành đẹp ngoài sức tưởng tượng, gửi vào các triển lãm được rất nhiều người yêu thích và tìm mua.
Cùng thời gian đó, cơ quan còn tạo điều kiện cho bà đi học Đại học Mỹ thuật. Kể từ đó, bà dành trọn vẹn đam mê cho hội hoạ. Nổi tiếng là một hoạ sĩ luôn tìm kiếm sự mới mẻ, bà đã thử nghiệm nhiều chất liệu như giấy, vải màn, bao tải, vải bố, dây gai, cát, sơn mài, gốm… và cũng rất thành công. Hiện, tranh sơn dầu, sơn mài, tranh khắc của bà luôn được giới chuyên môn đánh giá cao, đã tham dự nhiều triển lãm chung và riêng tại Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, triển lãm quốc tế… và bán rất chạy.
Chia sẻ về hoạt động sáng tác, bà nói rằng bà vẽ một cách không toan tính, chỉ vẽ những gì mình thực sự yêu thích, gần gũi trong cuộc sống hàng ngày. Đối tượng trong tranh của bà rất giản dị, chỉ là những phong cảnh làng quê, xóm bản, những bông hoa của làng quê, của ruộng đồng, con mèo bà nuôi hơn 10 năm luôn ngồi im lặng ngắm bà vẽ...
Hoạ sĩ đặc biệt vẽ nhiều về hoa, những khóm hoa dại nở trên dòng sông cạnh nhà, những bông hoa đầu xóm… Riêng về sen, bà đã vẽ hàng trăm bức, đủ các chất liệu, khuôn khổ vô cùng phong phú: Sen hồng, sen trắng, sen xanh, sen. Không chỉ vẽ sen đang độ đẹp, bà còn vẽ sen ở rất nhiều trạng thái. Tranh sen của bà bán rất chạy, kể cả những bức vẽ sen tàn hoặc hồ sen xác xơ… Tranh hoa hướng dương, hoa mẫu đơn, hoa súng, hoa bèo tây… của bà cũng rất được người yêu hội hoạ và các nhà sưu tầm quan tâm.
Hai người con của bà cũng đã là những hoạ sĩ trẻ vững vàng trong nghề. Xin nghỉ hưu trước tuổi khi đang là giảng viên mỹ thuật, bà mua một mảnh đất nho nhỏ tại xóm Hiệp Đồng, xã Hồng Tiến, cách không xa ngôi nhà của cha mẹ tại xã Đồng Tiến, để an cư. Bắt đầu từ ngôi nhà đầy hoa lá của bà, người dân trong xóm Hiệp Đồng cũng học theo, trồng rất nhiều hoa làm đẹp cho ngôi nhà và đẹp xóm làng. Bà khoe:
- Giờ mới là quãng thời gian tôi được sống trọn vẹn với đam mê, không còn phải lo nghĩ đến kiếm sống, có điều kiện mua những nguyên vật liệu cần thiết, đặc biệt là làm chủ quỹ thời gian của riêng mình. Có những ngày tôi vẽ miệt mài từ sáng đến đêm. Nằm lên giường rồi, thèm vẽ quá lại bật dậy. Tất cả những khóm hoa tự tay tôi trồng đều thành những tác phẩm tâm huyết. Như bức tranh bụi hồng, được nhà sưu tập mua ngay khi chưa hoàn thành. Hay khóm hoa phù dung khiến tôi mê mẩn đến nỗi vẽ hàng trăm bức chưa thoả. Mỗi bức vẽ như thể một bức thư tình… Quan sát hoa mỗi ngày, tôi nhận thấy hoa phù dung không phải sớm nở, tối tàn như người ta vẫn nói đâu, mà đời sống của một bông hoa là ba ngày cơ. Tôi dự định làm triển lãm chuyên về hoa phù dung với tên “Nàng” vào cuối quý I năm 2021. Thật thú vị, những người đầu tiên thưởng thức tranh của tôi lại là bà con nông dân trong xóm, họ thường nhận xét rằng tôi vẽ hoa mà không giống hoa, cứ lung tung cả nhưng họ thấy cũng hay hay. Rồi mỗi khi thấy chỗ nào có khóm hoa đẹp, họ lại bảo cho tôi biết để tôi vẽ. Các cháu nhỏ trong xóm cũng thường sang xem tôi vẽ và muốn học vẽ. Tôi rất thích phong cảnh làng quê, ruộng đồng nên mới chọn nơi đây để sống và vẽ.
Hoạ sĩ Hoàng Báu, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật T.P Thái Nguyên bảo rằng: - Hoạ sĩ Lan Hương luôn đầy nhiệt huyết và đam mê. Chị luôn dấn thân tìm kiếm, sáng tạo, khai thác cách biểu đạt ngôn ngữ màu sắc theo một cách riêng, khác biệt và mới lạ. Lối vẽ của chị mạnh mẽ, táo bạo, cuồng nhiệt…
Đúng như vậy, không chỉ là người tiên phong của dòng tranh gốm nung, mà trong cuộc sống, nữ hoạ sĩ rất giàu năng lượng, bà luôn truyền lửa vào các tác phẩm nghệ thuật cũng như truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Điều ấy thể hiện rõ nét trong tranh của bà, kể cả những bức tranh vẽ những bông hoa tàn, vẫn toát lên tinh thần lạc quan, khao khát sống, khao khát hiến dâng cho đời.