Nằm dọc theo bờ Nam sông Hương, đường Lê Lợi không chỉ là cung đường thơ mộng của trung tâm T.P Huế mà còn được định danh là “phố bảo tàng” với hệ thống nhà trưng bày, bảo tàng…, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách.
Không gian văn hoá sang trọng
Cung đường Lê Lợi kéo dài từ Ga Huế về tận Đập Đá, dọc theo bờ sông Hương thơ mộng rợp trong bóng mát cây xanh cùng với hệ thống các công trình kiến trúc Pháp còn lại. Trên cung đường này, đoạn mang dấu ấn đặc biệt với du khách chạy từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền. Ở đây có một loạt nhà trưng bày, bảo tàng khiến ai đã từng qua đều muốn quay trở lại.
Đến nơi này, du khách có thể vào Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán Huế, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, nơi trưng bày hàng trăm tác phẩm nghệ thuật của hoạ sư nổi tiếng. Cách đó không xa, chỉ cần rảo bộ vào chục bước chân, du khách có thể tới không gian thêu nghệ thuật tại Bảo tàng thêu XQ để chiêm ngưỡng những tác phẩm được tạo tác từ vô vàn đường kim, mũi chỉ qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.
Với ý tưởng xây dựng tuyến đường Lê Lợi trở thành phố bảo tàng, thời gian gần đây, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết định chuyển Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị (số 1 Phan Bội Châu) ra số 17 Lê Lợi, nhìn ra bờ sông Hương và cầu Trường Tiền.
Nhiều chuyên gia văn hoá, nghệ thuật cho rằng việc hình thành trục đường bảo tàng mà chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đang cố gắng tạo dựng là một chủ trương đúng.
Tuyến đường Lê Lợi không chỉ có nhiều toà nhà kiến trúc Pháp tiêu biểu, hệ thống cây xanh mà còn là không gian với nhiều điểm đến công cộng lý tưởng. Vì thế, việc hình thành “phố bảo tàng” đã làm cho tuyến đường Lê Lợi nói riêng và trung tâm TP. Huế nói chung có được dấu ấn riêng của Huế, qua đó, vừa nâng tầm giá trị văn hoá vừa mở ra cơ hội phát triển du lịch gắn với các bảo tàng.
Không dừng lại ở đó, hơn một năm qua, song song với đường Lê Lợi đã xuất hiện một tuyến đường đi bộ bằng gỗ lim nằm tiếp giáp với sông Hương và kết nối với các trục đường đi bộ được đầu tư bài bản. Vì thế, chỉ mất vài phút, du khách có thể đi từ bảo tàng này sang không gian nghệ thuật khác và cũng từ đó có thể tiếp tục đi bộ ra bờ sông Hương.
Du khách tham quan Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị trên đường Lê Lợi. Ảnh: VGP/Minh An
Thần sắc, bộ mặt của Huế
Trong quá trình xây dựng tuyến phố bảo tàng, hệ thống tường rào các không gian bảo tàng, nhà trưng bày nghệ thuật… liền kề trên trục đường Lê Lợi được tháo dỡ nên không gian trở nên thông thoáng. Những thiết chế khác như bến thuyền, không gian giới thiệu làng nghề, không gian áo dài, công viên cũng được chỉnh trang, làm mới để bổ trợ cho tuyến phố bảo tàng.
Chị Nguyễn Thu Trang, du khách T.P Hồ Chí Minh tỏ ra bất ngờ sau nhiều năm trở lại thăm Huế. Theo chị Trang, bên cạnh trải nghiệm các hoạt động du lịch, chị thường dành thời gian để tham quan bảo tàng, nhà trưng bày. Khác với những lần trước, chị ấn tượng với hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày, trung tâm nghệ thuật… trên tuyến phố Lê Lợi và cho rằng, cách chính quyền Thừa Thiên-Huế “ưu ái” với thiết chế văn hoá như thế là vô cùng hợp lý, xứng đáng.
“Huế từ lâu nay đã nổi tiếng với những giá trị văn hoá, di sản và cho đến nay, Huế không chỉ gìn giữ được những giá trị đó mà còn phát huy, hình thành nên những không gian mới lạ để phục vụ đời sống tinh thần. Đó là điều mà không phải thành phố nào cũng làm được”, chị Trang chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin Thừa Thiên - Huế) cho rằng trục đường trung tâm Lê Lợi được xem như là "thần sắc", "bộ mặt" của cố đô Huế. Tuyến đường này không chỉ ở cạnh sông Hương mà còn mở hướng, kết nối với các trục đường phía nam của T.P Huế. Cho nên, việc quy hoạch tuyến đường trở thành nơi đặt các không gian văn hoá, nghệ thuật cũng như các hoạt động du lịch phục vụ đời sống văn hoá là rất cần thiết, đúng hướng.
Ông Hoa mong muốn trong tương lai khi một số nhà công sở nằm trên tuyến đường này dời đi nơi khác, Thành phố sẽ tính toán điều chỉnh công năng để tạo thêm các không gian văn hoá sinh động, hấp dẫn và sang trọng cho các tuyến phố.
Cũng theo ông Hoa, phải tính toán để hệ thống bảo tàng mở cửa về đêm cùng với các hoạt động nghệ thuật, dịch vụ xen ghép nhằm thu hút du khách.