Đừng để mất sự đặc biệt của ATK đặc biệt: Cách nào để di tích không "ngủ yên"? (Kỳ II)

08:42, 31/03/2021

Vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn. Nhưng vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử không chỉ dừng lại ở việc xây dựng những tấm bia với chỉ vài dòng giới thiệu mà cần gắn với giáo dục trải nghiệm, du lịch văn hóa và sinh thái để lịch sử thấm đẫm vào lòng người, để giá trị của từng di tích đi sâu vào tâm hồn của bất kỳ ai đặt chân đến vùng đất chiến khu thiêng liêng này. Thực tế cho thấy, các điểm di tích lịch sử thuộc vùng ATK trên địa bàn 3 tỉnh đã bước đầu được đầu tư, nâng cấp nhưng mới chỉ dừng lại ở những mảnh ghép rời rạc. Vì vậy giá trị vật chất, tinh thần mang lại chưa được như mong muốn.

Chúng tôi đến xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc - nơi gắn liền với địa danh Đồi Khau Tý, điểm dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về ATK Định Hóa lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1947). Thực hiện định hướng xây dựng nơi đây trở thành khu du lịch cộng đồng, 15 căn nhà sàn của người dân xóm Bản Quyên đã được Nhà nước hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm an toàn khi đón tiếp các đoàn khách du lịch. Theo đó, mỗi căn nhà được hỗ trợ 15 triệu đồng tiền công tu sửa và 30% tiền mua vật liệu thay thế, như cột, kèo, xà, hoành… Ngoài ra, xóm Bản Quyên còn được đầu tư xây dựng một nhà sàn cộng đồng, mái lợp lá cọ làm nơi sinh hoạt chung. Tổng nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng cho xóm là khoảng 6 tỷ đồng.

Trong năm 2019, Khu Di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa đã thu hút trên 2.730 đoàn khách trong nước và quốc tế với trên 600 nghìn lượt du khách đến tham quan. Nhưng từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng khách tham quan sụt giảm nhiều. Trong 2 tháng đầu năm 2021, tại quần thể di tích này mới có gần 10 nghìn lượt du khách đến dâng hương và tham quan, lượng khách lưu trú cơ bản không có.

Mặc dù nguồn lực đầu tư khá lớn nhưng hiệu quả thu lại từ du lịch cộng đồng tại Bản Quyên lại trái ngược hẳn so với kỳ vọng. Công trình nhà văn sinh hoạt cộng đồng hiện đã hư hỏng, xuống cấp; cọn nước trên cánh đồng - hình ảnh quen thuộc tại các xóm, bản đồng bào dân tộc Tày sau một thời gian đầu thu hút sự chú ý, là nơi chụp ảnh lưu niệm của khách tham quan thì nay cũng đổ nát và biến mất.

Ông Ma Đình Soạn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Điềm Mặc trăn trở: Gia đình tôi được cấp 20 cột nhà sàn, hỗ trợ kinh phí làm mái nhà, chỗ ăn, ngủ, công trình vệ sinh để đón du khách. Tuy vậy, lượng khách tìm đến rất ít. Cả năm 2020 chỉ đón 3 đoàn tới thăm, trong đó có một đoàn làm phim là nghỉ lại buổi tối; tiếc là khách vẫn phải sinh hoạt chung với gia đình chứ chưa đáp ứng được nhu cầu phòng nghỉ riêng. Hai gia đình còn lại trong xóm làm du lịch là ông Nông Đình Dược và Hoàng Thanh Sáu thậm chí không có khách.

Tại Bản Quyên, Ban Quản lý làng văn hóa du lịch mãi mới thành lập được nhưng sau một thời gian biến động về nhân sự rồi cũng ngừng hoạt động; đội xe đưa phục vụ không có khách; đội văn nghệ hết kinh phí hỗ trợ mua sắm nhạc cụ, trang phục và tập luyện nên hoạt động chệch choạc, không thường xuyên, chất lượng biểu diễn giảm, nét đặc sắc của văn hóa dân tộc dần bị phai nhạt, thiếu hấp dẫn. Mục tiêu làm du lịch ở xóm Bản Quyên để đỡ “chân lấm, tay bùn” không thành nên người trẻ đi làm công nhân, người trung tuổi quay lại với ruộng đồng, nương bãi để có thu nhập hằng ngày. Giờ đây, Bản Quyên hầu như không còn nhiều chỗ để trải nghiệm…

Mặc dù đã được đầu tư tương đối bài bản nhưng cơ sở làm du lịch cộng đồng của gia đình ông Ma Đình Soạn, ở xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa) vẫn thưa vắng khách tham quan, lưu trú.

Những điểm yếu ở xóm Bản Quyên phản ánh bức tranh chung trong cách làm du lịch ở Định Hóa. Đó là chưa thực sự được quảng bá rộng rãi, thiếu những trải nghiệm và dịch vụ cần thiết để thực sự hấp dẫn khách tham quan; khả năng kết nối với các điểm di tích, danh thắng trên địa bàn hạn chế... ATK Định Hóa phụ thuộc chính vào nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước hằng năm mà chưa thu hút được nhiều nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho du lịch. Do vậy, cơ sở hạ tầng, khu giải trí, văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của du khách; việc thu phí thông qua bán vé tham quan ở điểm di tích lịch sử cũng tương đối nhạy cảm.

Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho học sinh, hứa hẹn thu hút đông các đoàn khách tham quan, đã được ngành Giáo dục của tỉnh đề cập nhưng đến nay vẫn rất ít trường học tổ chức thành công các chuyến tham quan tại các điểm di tích lịch sử quan trọng. Theo ông Ma Đình Soạn, ngoài lý do khách quan là ảnh hưởng của dịch COVID-19, du lịch lịch sử, sinh thái ở ATK Định Hóa chưa thành công vì còn nhiều nguyên nhân chủ quan như: chất lượng công trình chưa cao, chưa được tuyên truyền rộng để có tính lan tỏa; ý thức, kiến thức về du lịch cộng đồng trong nhân dân chưa được hình thành, thiếu sản phẩm đặc trưng về ẩm thực, văn hóa nên du khách ít biết đến.

Cũng giống như Thái Nguyên, huyện Chợ Đồn và tỉnh Bắc Kạn cũng đã dành các nguồn vốn khác nhau để đầu tư vào một số điểm di tích thuộc vùng ATK, như: Nà Pậu, Khuổi Linh, Bản Ca... Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chỉ triển khai được một số hạng mục đơn lẻ. Phần lớn các điểm di tích vẫn còn sơ khai, các hạng mục chưa được đầu tư tôn tạo và chưa có hạ tầng xứng tầm để phục vụ du lịch. Đề cập đến vấn đề phát triển du lịch của ATK Chợ Đồn, ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn cho rằng: Cần tập trung đầu tư kết nối đồng bộ giao thông, tour, tuyến du lịch giữa ATK Chợ Đồn với  ATK Định Hóa, ATK Tân Trào, khu du lịch Ba Bể và các khu, điểm du lịch trong khu vực, với các tỉnh, thành phố trong cả nước thì mới tạo ra đa giá trị.

Trong số 3 tỉnh, ATK Tân Trào được tỉnh Tuyên Quang và Trung ương đầu tư đồng bộ hơn cả nhưng việc thu hút khách du lịch và phát triển các loại dịch vụ lưu trú tại đây cũng khó khăn. Lượng khách đến ATK Tân Trào chủ yếu vào các dịp lễ lớn của đất nước và chỉ đi tham quan trong ngày nên giá trị gia tăng cho ngành Du lịch địa phương chưa nhiều, người dân sống trong vùng lõi của di tích cũng không đảm bảo được nguồn thu, việc làm thường xuyên từ cung ứng dịch vụ phục vụ khách tham quan.
Phải khẳng định rằng, các địa phương thuộc vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn đều sở hữu nhiều điểm di tích lịch sử quan trọng, có cảnh quan đẹp và bề dày văn hóa truyền thống, cách mạng. Tuy vậy, khu vực này chưa có cách thu hút các nhà đầu tư lớn tới phát triển du lịch, dịch vụ tổng hợp để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng. Câu chuyện bảo tồn, bảo vệ di tích và phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho người dân địa phương vẫn là vấn đề đặt ra trong nhiệm kỳ này…

GS-TS, Nhà giáo Ưu tú Vũ Anh Tuấn, Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Tày - Thái: “ATK Định Hóa nói riêng và vùng chiến khu Việt Bắc nói chung có nền văn hóa truyền thống rất đặc sắc, đó là văn hóa của dân tộc Tày - Nùng. Giá trị này kết hợp với truyền thống cách mạng, những danh thắng tự nhiên là lợi thế lớn để phát triển du lịch, văn hóa, giáo dục trải nghiệm. Do vậy, khi đánh giá về ý nghĩa của chiến khu Việt Bắc cũng đừng khu biệt với giáo dục, du lịch hay một ngành cụ thể nào đó mà nên nhìn ở phạm vi thật rộng”.

Bà Hoàng Thị Điệp, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Về phát triển du lịch gắn với ATK Định Hóa, không nên đặt kỳ vọng việc thu hút nhiều khách lưu trú, nghỉ dưỡng vì điều này không thực tế. Hướng đi phù hợp là phát huy thế mạnh về văn hóa, bản sắc dân tộc; phát triển du lịch gắn với các địa chỉ đỏ, tổ chức các tour cho học sinh, sinh viên. Với đối tượng du khách này thì nhất thiết phải phát triển thêm dịch vụ để trải nghiệm, không gian để có thể sinh hoạt tập thể”.
Ông Bùi Huy Toàn, Giám đốc Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa: “Lượng khách đến ATK Định Hóa không phải lúc nào cũng đông nên cần hài hòa giữa mức đầu tư cơ sở vật chất với nguồn thu. Cả khu vực hiện chưa có khách sạn nào đạt tiêu chuẩn 2 sao trở lên nên nhiều đoàn khách lên ATK Định Hóa tham quan nhưng phải về T.P Thái Nguyên nghỉ lại qua đêm”.

(Còn nữa)