Đừng để mất sự đặc biệt của ATK đặc biệt: Khoảng cách quá xa giữa chính sách và thực tế (Kỳ I)

09:03, 30/03/2021

Việc bảo tồn, tôn tạo, khai thác các điểm di tích lịch sử thuộc vùng chiến khu ATK liên tỉnh theo Quyết định số 419/QĐ-TTg (Quyết định số 419) ngày 16/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ trải rộng trên diện tích hàng nghìn héc-ta, thuộc địa bàn thuộc các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Kạn hiện nay còn đang rất lúng túng. Khó khăn nhất là việc di dời hay để người dân sống trong vùng lõi các điểm di tích; bê tông hóa các hạng mục công trình thuộc di tích để có sự vĩnh cửu hay sử dụng vật liệu tự nhiên sẵn có nhằm tái hiện căn bản hoàn cảnh, điều kiện những năm kháng chiến; đầu tư phát triển hạ tầng ở mức nào để phục vụ du lịch chất lượng cao gắn với giáo dục, trải nghiệm nhưng không lãng phí... 

Triển khai thực hiện Quyết định số 419 của Thủ tướng Chính phủ là vấn đề có tầm vĩ mô, bao gồm sự liên kết của các tỉnh liên quan và cả đơn vị chuyên môn cấp Trung ương. Do vậy, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đi sâu tìm hiểu, phản ánh công tác tôn tạo, quản lý và phát huy giá trị các di tích nằm trên địa bàn 4 huyện: Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên) và Sơn Dương (Tuyên Quang), Chợ Đồn (Bắc Kạn). Bởi khu vực giáp ranh này tập trung dày đặc các điểm di tích và được ví là “Thủ đô” trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1946-1954).

HĐND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Nghị quyết thông qua Đề án phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những giải pháp thực hiện được đề cập là ưu tiên nguồn lực từ ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; tập trung huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyết mạch, trọng yếu có tính chất kết nối liên tỉnh. Đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối các khu, điểm du lịch với các tuyến du lịch hiện có và các điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh.

Riêng trên địa bàn huyện Định Hóa hiện có trên 180 di tích, điểm di tích các loại. Trong đó 16 điểm thuộc quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt đã được công nhận từ năm 2012 và giao cho Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa quản lý, vận hành, khai thác. Những năm qua, ATK Định Hóa được hưởng lợi rất lớn từ nguồn lực đầu tư hướng tới các điểm di tích lịch sử cấp Quốc gia. Các công trình kết cấu hạ tầng, cơ chế chính sách dành cho các xã ATK và huyện ATK đã giúp Định Hóa tạo được sức bật mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đây cũng là cách để cả nước tri ân đồng bào các dân tộc huyện Định Hóa đã có công với cách mạng trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược. Tuy nhiên, ATK Định Hóa đang rất vướng khi triển khai quy hoạch, thực hiện quản lý, phát huy toàn diện các giá trị của di tích lịch sử đặc biệt.

ATK Định Hóa được quy hoạch trên phạm vi rất rộng nhưng phần lớn đất đai đang thuộc quyền sử dụng của người dân. Các điểm di tích phân tán ở nhiều xã, thị trấn nhưng mạng lưới giao thông kết nối lại nhỏ lẻ, chủ yếu là đường bê tông dân sinh. Đơn cử như ở xã Điềm Mặc có 2 hộ ở liền kề di tích Cục Điện ảnh (xóm Đồi Cọ) và Hội Nhà báo Việt Nam (xóm Đồng Lá 2). Xã Phú Đình có hơn 30 hộ ở liền kề di tích, gồm: Di tích Tổng Bí thư Trường Chinh; nơi làm việc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (cùng ở xóm Hoàng Hà) và khu vực cây đa Khuôn Tát.

Ông Triệu Đình Thịnh, Bí thư Chi bộ xóm Khuôn Tát thông tin: Thực tế là các hộ nằm trong khu vực quy hoạch đều chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc sinh hoạt và tổ chức sản xuất gây ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan chung. Nếu mở rộng hoặc nâng cấp di tích khu vực cây đa Khuôn Tát thì nhất thiết phải di chuyển các hộ dân đến nơi khác. Bàn về vấn đề này, ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình đề xuất: Trung ương và tỉnh nên sớm có chính sách, nguồn lực hỗ trợ để di dời các hộ nằm liền kề ra khỏi các điểm di tích.

Các hộ dân nằm ở khu vực liên kề thắng cảnh Cây đa Khuôn Tát, thuộc xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình (Định Hóa) hiện chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như thiên tai, tác động của môi trường tự nhiên luôn ảnh hưởng đến công tác bảo tồn di tích lịch sử trên địa bàn huyện Định Hóa. Ở những xã mà cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức tốt thì các di tích lịch sử được bảo vệ, công trình đầu tư vẫn giữ được nguyên trạng, như: Lán Tỉn Keo ở xã Phú Đình, lán Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc xã Bảo Linh; đình Làng Quặng ở xã Định Biên… Ở những điểm di tích này, việc tôn tạo ngoài đảm bảo tôn trọng yếu tố lịch sử còn có được những cán bộ chuyên môn có tâm huyết, sáng tạo. Chúng tôi chỉ xin nêu một điểm nhấn quan trọng tại đồi Tỉn Keo là vào năm 2013, Ban Quản lý các di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa đã thực hiện dự án nhằm trả lại nguyên trạng cho Di tích lán Tỉn Keo - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy - Bộ Tổng Tư lệnh. Con đường bê tông dẫn lên lán trước đó được thay thế bằng những bậc thềm bằng đất cạp bởi cây tre và dây mây rừng. Nền xi măng tại lán cũng được thay thế bằng nền đất; bồn gạch xung quanh cây dâm bụt Bác trồng (năm 1948) được thay bằng các phiến đá cuội gắn lại. Tường rào di tích cũng được tôn tạo lại gợi hình ảnh dân dã, thân thuộc với màu xanh của cọc tre… Để việc tôn tạo di tích đúng nguyên trạng, Ban Quản lý đã tìm gặp các nhân chứng sống là người địa phương như ông Ma Viết Tục, bà Ma Thị Tôm để nghe miêu tả lại. Đặc biệt là dựa vào bức ảnh của Nhà báo Wilfred Burchett (người Pháp) chụp Bác Hồ đang làm việc tại lán Tỉn Keo năm 1953. Mất nhiều tâm sức nên tập thể cán bộ của Ban đã giúp du khách khi đến thăm nơi đây cảm nhận chân thực về ý chí, sự kiên cường nhưng hết mực giản dị của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của nước ta thời đó.

Ông Lý Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa: “Một trong những rào cản phát triển du lịch ở ATK Định Hóa là hạ tầng giao thông. Cụ thể là đường giao thông tới các di tích, điểm di tích còn tương đối nhỏ hẹp, xe khách lớn không thể tới được. Quy hoạch các điểm di tích còn dàn trải; chưa có thông tin bản đồ, lộ trình hướng dẫn du lịch cụ thể cho du khách”...

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang: “Tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Tân Trào trở thành điểm đến hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh trên cơ sở khai thác các giá trị di tích cách mạng “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”...”.

Ngược lại, qua tìm hiểu, chúng tôi thấy, một số di tích lịch sử cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Định Hóa đã được bê tông hóa, không ít hạng mục còn sử dụng vật liệu bằng đá hoa cương, xây dựng nhà kiên cố… khác xa với hình ảnh thực tế trong thời kỳ kháng chiến. Anh Nguyễn Ngọc Yên, ở T.P Việt Trì (Phú Thọ) trong một lần đến tham quan ATK Định Hóa tâm sự: Trước đây, tôi chỉ biết về chiến khu qua sách, phim ảnh nhưng khi đến tận nơi mới thấy hết sự thú vị, cảm động về điều kiện làm việc, đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trong những năm tháng kháng chiến. Nhưng theo tôi, các công trình tại các điểm di tích nên phục dựng nguyên trạng, duy chỉ có nơi đón tiếp khách tham quan thì nên xây dựng kiên cố, hiện đại và cần có khoảng cách với điểm di tích.

Kết nối với ATK Định Hóa ở phía Bắc, ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn) có 25 điểm di tích, tập trung tại 3 xã: Lương Bằng, Nghĩa Tá và Bình Trung. Trong đó, có 6 di tích lịch sử cấp Quốc gia (Bản Ca, Nà Pậu, Khuổi Linh, Bản Bẳng, Nà Quân, đồi Khau Mạ) và 4 di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngày 22/12/2016, quần thể di tích lịch sử ATK Chợ Đồn được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt. Từ đó tới nay, tỉnh Bắc Kạn đã tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh về di tích, thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan, tổ chức các hoạt động về nguồn và nghiên cứu lịch sử. Quần thể di tích này đang từng bước trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần khơi dậy niềm tự hào của dân tộc. Còn với ATK Tân Trào (Tuyên Quang) cũng được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012. Khu di tích này trải rộng trên địa bàn 11 xã, bao gồm: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương); Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa (huyện Yên Sơn), với 138 di tích và cụm di tích.

Với diện tích rộng lớn và hàng trăm di tích, điểm di tích lịch sử, nhằm phát triển vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh xứng tầm với vị thế là di tích Quốc gia đặc biệt, Trung ương và 3 tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn đã ban hành một loạt các chương trình, đề án liên quan. Tuy nhiên, giữa cơ chế, chính sách và thực tiễn vẫn còn khoảng cách khá xa…

(Còn nữa)