Các chuyên gia nhận định, di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ thực sự là một trung tâm tôn giáo lớn được người Chăm xây dựng và sử dụng lâu dài trong lịch sử, với niên đại ước tính khoảng 1.000 năm tuổi.
Trong số gần 80 di tích của T.P Đà Nẵng chỉ có 1 di tích loại hình di tích khảo cổ đó là di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ. Các chuyên gia nhận định, di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ thực sự là một trung tâm tôn giáo lớn được người Chăm xây dựng và sử dụng lâu dài trong lịch sử, với niên đại ước tính khoảng 1.000 năm tuổi.
Căn cứ theo diện tích phần móng, xác định đây là di tích Chăm thuộc loại lớn nhất của khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng tính đến thời điểm hiện tại. T.P Đà Nẵng đang nỗ lực bảo tồn di tích khảo cổ này.
Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ trong quá khứ là vùng đất được chuyển giao từ vương quốc Chămpa sang Đại Việt sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa vua Champa Chế Mân và công chúa Huyền Trân. Qua 3 đợt khai quật, xuất lộ nhiều dấu vết kiến trúc Chăm cùng một số hiện vận còn sót lại. Đặc biệt lần đầu tiên, các chuyên gia đã khai quật được 1 “hố thiêng” có bố cục hoàn toàn khác lạ với các di tích đã biết.
Ông Ông Văn Ngọc, ở phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ cho biết, nếu thành phố triển khai giải tỏa, xây dựng Phong Lệ thành một không gian văn hóa, du lịch thì gia đình ông chấp nhận giải tỏa để nhường đất: “Người dân ở đây rất tự hào. Phải nói rằng, khi di tích này được công nhận là di tích cấp thành phố sẽ tạo điều kiện cho cuộc sống người dân ở đây phát triển về mặt kinh tế thông qua du lịch”, ông Ông Văn Ngọc nói.
Theo Đề án khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích Chăm Phong Lệ đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt, khu di tích Chăm Phong Lệ sẽ được chia làm 3 khu vực gồm khu vực bảo tồn, khu vực bảo vệ di tích và khu vực phát huy giá trị di tích.
Ông Nguyễn Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ cho biết, Đề án sẽ là cơ hội, điều kiện góp phần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, du lịch tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND phường Hoà Thọ Đông bày tỏ: “Việc phát huy giá trị và bảo tồn di tích là một cơ hội rất quý đối với địa phương cũng như tạo ra một tiềm năng, cơ hội về phát triển văn hoá, du lịch trên địa bàn. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình cùng các cấp, cac ngành có liên quan trong vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị của di tích đạt hiệu quả trong thời gian đến”.
Các dấu tích được khai quật thấy ở di chỉ Khảo cổ Chăm Phong Lệ.
Đà Nẵng hiện có gần 80 di tích nhưng chỉ có 1 di tích loại hình di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ. Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết, ngay khi phát hiện những hiện vật và dấu tích của di tích và trên cơ sở khai quật khảo cổ Chăm Phong Lệ, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã xây dựng phòng chuyên đề về khai quật khảo cổ Chăm Phong Lệ để giới thiệu cho du khách đến tham quan.
“Hiện nay, Sở Văn hoá và Thể thao thành phố đang lấy ý kiến các chuyên gia đầu ngành về văn hoá, lịch sử. Sau khi có ý kiến khả quan rồi thì sẽ hoàn thiện đề án để trùng tu, tôn tạo khu di tích Chăm Phong Lệ nhằm phát huy khu di tích này trên phương diện giới thiệu về văn hoá, lịch sử của thành phố. Đồng thời, giúp cho sự phát triển du lịch thành phố trong tương lai”, ông Hồ Tấn Tuấn nói./.