Trước nguy cơ mai một những giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), trong những năm qua, nhiều câu lạc bộ (CLB) giữ gìn bản sắc văn hóa trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã được thành lập. Các CLB ra đời không chỉ đưa phong trào văn hoá, văn nghệ của các địa phương phát triển mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những bản sắc văn hoá của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Xã Tân Lợi có 1.276 hộ với 5.791 nhân khẩu, đồng bào DTTS trên địa bàn xã chiếm trên 70%, trong đó 2/3 số dân là đồng bào dân tộc Sán Dìu. Trước năm 2012, nhiều nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu nơi đây như trang phục, các bài hát, chữ viết... gần như bị mai một. Số hộ gia đình còn lưu giữ trang phục cũng như nhớ và hát các làn điệu Soọng Cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu đếm được trên đầu ngón tay. Nhằm khôi phục những giá trị văn hoá trên, năm 2012, CLB Văn hoá, văn nghệ giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Sán Dìu xã Tân Lợi (gọi tắt là CLB Văn hoá, văn nghệ) được thành lập với 30 thành viên, đến nay còn 28 thành viên do 2 thành viên tuổi cao, sức khoẻ yếu nên xin nghỉ.
CLB ra đời đã đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo bà con dân tộc Sán Dìu trên địa bàn xã. Bà Tống Thị Hồng, Chủ nhiệm CLB Văn hoá, văn nghệ cho biết: CLB được thành lập trên cơ sở tự nguyện của các thành viên. Nhiều thành viên đã tự bỏ tiền ra may trang phục của đồng đồng bào dân tộc Sán Dìu, cùng nhau sưu tầm và tập luyện hát các bài hát Soọng Cô. Các thành viên tham gia sinh hoạt, tập luyện mỗi tháng 1 lần tại Nhà văn hóa xóm Đồng Lâm. Lúc đầu chủ yếu hát giao lưu với nhau, sau đó đi giao lưu tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Nhiều tiết mục đã được CLB biến tấu, đổi mới sao cho ấn tượng và hấp dẫn trên cơ sở vẫn duy trì được nét đẹp văn hóa, chất liệu truyền thống của dân tộc.
Ông Lê Văn Đăng, xóm Na Tiếm, là một thành viên tham gia ngay từ khi CLB mới được thành lập chia sẻ: Mặc dù năm nay đã hơn 60 tuổi, công việc gia đình bận rộn nhưng vì yêu văn hoá của đồng bào dân tộc mình nên tôi vẫn cố gắng, tạo mọi điều kiện để đi tập luyện, biểu diễn ở nhiều nơi cùng với các thành viên trong CLB. Tham gia CLB, chúng tôi không chỉ được giao lưu văn hoá, văn nghệ mà còn chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, giúp nhau phát triển kinh tế, nuôi dạy con cháu trong gia đình.
Cũng như xã Tân Lợi, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn xã, cuối tháng 1 vừa qua, CLB Giữ gìn và Phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Dao xã Hợp Tiến đã được thành lập với 125 thành viên tham gia. Ông Trần Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết: Trong xu thế hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn xã đã bị mai một dần theo thời gian. Việc việc thành lập CLB là rất cần thiết và là cách làm hiệu quả nhất để giữ gìn các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn xã. Ngoài ra, còn thúc đẩy phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng của địa phương.
Hiện nay, ngoài 2 CLB tại xã Tân Lợi và Hợp Tiến, trong những năm qua, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã thành lập được 4 CLB và xây dựng được 8 mô hình, mẫu hình văn hoá cơ sở như: CLB Văn hoá, văn nghệ của đồng bào dân tộc Mông, xã Tân Long; CLB Hát Soọng Cô, xã Nam Hoà; Mô hình, mẫu hình văn hoá của người Nùng, xã Hòa Bình... với trên 500 thành viên tham gia. Hoạt động chủ yếu của các CLB và các mô hình, mẫu hình là tuyên truyền cho người dân hiểu về giá trị, lợi ích của việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, các hoạt động tín ngưỡng, phong tục, tập quán, các nghi lễ của dân tộc mình; tổ chức truyền dạy chữ, múa, hát, thổi kèn... cho con em đồng bào dân tộc.
Bà Trần Thị Phương Thảo, Phó Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Đồng Hỷ cho biết: Đồng bào DTTS trên địa bàn huyện chiếm khoảng 54% dân số toàn huyện, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Sán Dìu, Nùng, Dao, Tày Mông..., mỗi dân tộc mang một nét văn hoá, độc đáo riêng. Mấy năm trở lại đây, bà con đồng bào DTTS đã có ý thức hơn trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc mình bằng việc thành lập ra các CLB Văn hoá, văn nghệ, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Nhờ đó, nhiều phong tục, tập quán, văn hóa đặc sắc được khôi phục, bảo tồn, dần trở thành món ăn tinh thần độc đáo của đồng bào DTTS. Cùng với đó, hằng năm, huyện còn tổ chức Liên hoan các CLB văn nghệ quần chúng; Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông, các hội thi, hội diễn... để các CLB có cơ hội giao lưu học hỏi, đồng thời quảng bá các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc đến với đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài huyện.