Dù chữ Hán, chữ Nôm đã "nhường đường" cho chữ Quốc ngữ từ rất lâu rồi, nhưng đã và đang có những lớp thế hệ người Việt tiếp tục học tập, nghiên cứu chữ Hán, chữ Nôm. “Cổ vận tân phong” - Tuyển tập thi từ chữ Hán Việt Nam đương đại, cuốn sách được NXB Hội Nhà văn và Tri Thức Trẻ books liên kết xuất bản, như một minh chứng cho sự tiếp nối ấy.
Thật khó có thể nghĩ rằng, ở thời kỳ ngoại ngữ “lên ngôi”, tiếng Anh thường được chêm vào trong câu chuyện hằng ngày, ở thời kỳ của sự bung nở thơ hiện đại và hậu hiện đại tự do không khuôn thước, thì vẫn có những tác giả trẻ say mê với văn chương cổ. Với họ, văn học Hán Nôm luôn có sức hút riêng bởi vẻ bí hiểm, kích thích sự tò mò tìm hiểu và thử nghiệm. Đánh thức mạch nguồn văn chương cổ vẫn đang âm ỉ cháy trong đời sống, 12 tác giả của cuốn sách “Cổ vận tân phong” đã đi từ say mê nghiên cứu, học tập đến tự sáng tác những vần thơ, bài văn của chính mình để những vần điệu văn chương xưa được xuất hiện trong một phong khí mới.
Những cảm xúc, suy nghĩ, thói quen của đời sống hôm nay đã được các tác giả đưa thật tự nhiên dưới tấm áo thơ cổ. Trong bài từ “Điệp luyến hoa”, tác giả Nguyễn Trung Hoàng Long viết: “Quán lý tường ngung trường trác thượng/ Nhất trản ca phê, liễu nhiễu hương phiêu đãng/ Mật ước tòng đầu kham tái tưởng/ Nại hà bất kiến y mô dạng” (dịch nghĩa: Trên chiếc bàn dài kê góc tường trong quán, một tách cà phê khói bay chập chờn/ Ước cũ ngọt ngào nhớ lại từ đầu, nhưng gắng sao cũng không thấy được bóng hình xưa người ấy).
Hay ở bài từ điệu “Như mộng lệnh”, tác giả Hoàng Long đầy cảm xúc về mùa hạ chia tay của học trò thời nay: “Tri liễu náo thiền hiểu thúy/ Hoàng điệp đê y phượng vĩ/ Nhất phiến hiệu viên không/ Ngũ nguyệt phân kỳ hựu thị/ Kham ký Kham ký/ Lưu bút hàng hàng hòa lệ” (dịch nghĩa: Ve kêu râm ran trong đám lá biếc xanh buổi sớm/ Cây hoàng điệp nép dựa vào hàng phượng vĩ/ Một khoảng sân trường vắng không/ Tháng 5, tháng chia tay lại về/ Còn nhớ/ Còn nhớ/ Từng hàng lưu bút ghi cho nhau nhòe lệ).
Ngay cả những đề tài rất mới, rất thời sự như về dịch COVID-19 cũng được nhắc. Tác giả Lê Quốc Việt đã viết trong “Đố ngư thán” (Lời than mọt sách): “Nhàn tác thanh biên lão đố ngư/ Tam xuân kim dĩ ngộ giai du/ Hương yên sạ nhiệt trà sơ thục/ Hà nhật tân quan bệnh toại hưu?” (dịch nghĩa: Nhàn rỗi làm con mọt sách già bên cuốn sách/ Ba xuân nay đã lỡ mất cuộc vui chơi thú vị rồi/ Thuốc thơm vừa đốt, trà vừa chín/ Ngày nào căn bệnh do virut Corona này mới hết?).
Được biết, hiện các sáng tác mới bằng chữ Hán của các tác giả thời nay được thể hiện rất đa dạng về thể loại như thơ, từ, phú, hát nói..., song trong khuôn khổ của cuốn sách “Cổ vận tân phong” xuất bản lần này chỉ giới hạn ở thể loại thơ và từ. Dày gần 400 trang, “Cổ vận tân phong” gồm 160 sáng tác được in đầy đủ phần thơ, dịch nghĩa, dịch thơ, đặc biệt có cả phần thơ thể hiện bằng chữ Hán mà nhiều độc giả trẻ ngày nay khẳng định: “Dù chẳng hiểu gì vẫn thấy sự thú vị, hấp dẫn vì như được trở lại không gian văn hóa của ông cha ta ngày xưa”.
“Cổ vận tân phong” là tác phẩm thuộc Tủ sách Văn sử tinh hoa của Tri Thức Trẻ books. Tủ sách được ra đời với mong muốn hướng đến các độc giả trẻ, để trên hành trình khám phá thế giới đầy màu sắc, thế hệ trẻ vẫn giữ được bản sắc cội nguồn, khai phá tiềm năng của bản thân để từng bước chinh phục thành công, đưa nước Việt ta “vén mây hóa rồng”.