Đưa du khách về miền di sản

08:51, 23/04/2021

“Làng” du lịch Việt Bắc không phải ngẫu nhiên hình thành, mà có sự xắp đặt của "mẹ" thiên nhiên. Trong 10 năm trở lại đây, Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” đã thực sự liên kết, kết nối, tạo nên nhiều các sản phẩm du lịch mới mang lại lợi ích lớn cả về kinh tế và tinh thần cho nhân dân, du khách.

Minh chứng từ các triều đại phong kiến, những vùng đất này luôn có sự gắn kết, liên quan đến nhau trong phát triển kinh tế - văn hóa xã hội. Thể hiện rõ nhất là thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), Việt Bắc được Trung ương Đảng, Chính phủ lựa chọn làm căn cứ địa cách mạng, gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và Lạng Sơn.
 
Trải dài theo dòng sử xanh dân tộc, trên quê hương Việt Bắc có hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa. Cùng với đó là hệ thống các danh thắng thiên tạo, ẩm thực vùng miền. Các chuyên gia kinh tế gọi đó là mỏ vàng lộ thiên phục vụ cho ngành Du lịch phát triển. Nhiều doanh nhân hoạt động ở lĩnh vực du lịch hóm hỉnh: Trong thời đại công nghệ số, không có giải pháp nào hoàn thiện hơn đối với ngành Du lịch là cùng cầm tay nhau mà đi. Còn theo các nhà chuyên môn thì cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh, trực tiếp là sự gắn kết, tạo sản phẩm du lịch mới giữa các doanh nhân trong vùng rồi cùng khai thác lợi ích.
 
Từ Thủ đô Hà Nội, du khách trong nước, quốc tế sẽ khởi hành qua Thái Nguyên. Chính vì thế mà Thái Nguyên được lịch sử lựa chọn làm Thủ đô gió ngàn, là cửa ngõ các tỉnh trong vùng Việt Bắc. Với các nhóm sản phẩm chính là: Du lịch lịch sử về nguồn; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch tín ngưỡng, du lịch khám phá hang động và ẩm thực. Với riêng địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hiện có gần 800 di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hoá. Bao gồm: 16 di tích kiến trúc nghệ thuật; 233 di tích tín ngưỡng; hơn 500 di tích lịch sử, 39 di tích danh thắng, 12 di tích khảo cổ học. Cùng với đó là một kho tàng di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc, mang đậm hồn cốt bản sắc văn hoá dân tộc được du khách quan tâm, như: Rối cạn Thẩm Rộc của người Tày (Định Hóa); Lễ hội Cầu Mùa của người Sán Chí, hát Soọng Cô của người Sán Dìu, múa Tắc Xình của người Sán Chay (Phú Lương); Lễ Cấp sắc của người Dao (Đại Từ) được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục văn hoá phi vật thể Quốc gia.
 
Du khách chụp ảnh kỷ niệm bên cây Râm bụt Bác trồng trước mái lán Tỉn Keo, xã Phú Đình (Định Hóa).
 
Du lịch Thái Nguyên - kể từ sau Festival Trà quốc tế lần thứ Nhất năm 2011, Thái Nguyên chính thức có thêm sản phẩm du lịch mới - qua những vùng chè… Từng nương chè vồng lên hình bát úp, bao phủ miên man một màu xanh diệp lục, tạo đường cong mềm mại trên khắp miền di sản. Bát cứ du khách nào khi đến đây, đều có cảm giác bất chợt vỡ òa khi bắt gặp tiếng chuông ngân trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa). Một khu di tích lịch sử được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Đi dưới tán rừng An toàn khu, tiếng lá reo trong gió đưa ta về với miền hoài cổ, đó là Di tích khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ Thần Sa (Võ Nhai), rồi hệ thống các di tích kiến trúc nghệ thuật chùa chiền, đình, đền như: Đền Đuổm (Phú Lương), Chùa Hang (T.P Thái Nguyên), Chùa Phủ Liễn, Đền Xương Rồng, Đền Đội Cấn (T.P Thái Nguyên). Các khu thiên nhiên “Sơn thuỷ hữu tình” như Hồ Núi Cốc (Đại Từ); hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (Võ Nhai), hồ Suối Lạnh (Phổ Yên)… Tất cả đều đáng đến. Vì ở đó cho mỗi người có thêm kiến thức về lịch sử, cho giây phút hòa mình với thiên nhiên trong lành và bài học về môi trường sinh thái.
 
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Du lịch, nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong “Làng” du lịch Việt Bắc tĩnh tâm nhìn lại, đồng thời củng cố lại cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao trình độ nhân lực để kịp thời nắm bắt cơ hội mới. Hơn thế, trong cái khoảng lặng nằm chờ, các doanh nhân ngành du lịch nhận thức được rõ hơn về tầm quan trọng của sự liên kết, hợp tác, cùng nắm chặt tay nhau, chia sẻ cho nhau mới có cơ hội phát triển. Theo đó là lợi ích mang lại cho 3 nhà: Nhà nước tăng nguồn thu ngân sách; doanh nghiệp tặng lợi nhuận; du khách được hưởng thụ thỏa mãn. Do vậy tại các điểm du lịch của tỉnh cũng như hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ đưa đón du khách đã có sự chuyên nghiệp hơn, chất lượng sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ cơ bản đáp ứng được yêu cầu của du khách. Với riêng tỉnh Thái Nguyên, lượng du khách những năm gần đây năm sau luôn tăng hơn năm trước, nếu như năm 2015 đạt 1,7 triệu lượt khách, thì năm 2019 đạt hơn 3 triệu lượt khách. Tuy nhiên kịch bản đạt 3,6 triệu lượt khách vào năm 2020 bị phá vỡ do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.
 
Hợp tác để làm thức dậy những danh làm thắng cảnh; di tích lịch sử, văn hóa và những nét đẹp văn hóa phi vật thể, những chủ nhân vùng Việt Bắc cùng cầm tay nhau, nắm chặt tay nhau, sáng tạo, linh hoạt, nhiệt thành đưa du khách về những miền di sản, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng.