Đừng để mất sự đặc biệt của ATK đặc biệt: Liên kết vùng để khai thác các điểm di tích (Kỳ III)

08:19, 01/04/2021

Chính sách xây dựng vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn đã triển khai gần 5 năm nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Cả ba tỉnh đều tập trung nguồn lực để tôn tạo, bảo vệ và khai thác các địa điểm thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK gắn với phát triển du lịch sinh thái, danh thắng. Tuy nhiên, khi đánh giá tổng thể về công tác tôn tạo, bảo vệ, khai thác các điểm di tích, danh lam thắng cảnh ở ba tỉnh đều có một điểm chung là quá dàn trải và hiệu quả kinh tế thấp.

Theo Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 17/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn đến năm 2030 có tổng diện tích của tiểu vùng khoảng 108.080ha, dân số đến năm 2030 khoảng 230.000 người. Đây là vùng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử và di tích cách mạng gắn với việc giáo dục truyền thống đấu tranh, yêu nước của dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp và hoạt động du lịch gắn với phát triển các khu dân cư theo hướng bền vững, hướng tới một trung tâm du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử cấp Quốc gia…

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng tour du lịch từ ATK Chợ Đồn đến hồ Ba Bể; tỉnh Tuyên Quang có tour du lịch từ ATK Tân Trào đến cụm cảnh quan sinh thái hồ Na Hang. Còn ngành chức năng và các công ty du lịch ở Thái Nguyên thì khai thác tour du lịch giữa hồ Núi Cốc và ATK Định Hóa. Tuy nhiên, hiệu quả của lĩnh vực du lịch này ở cả ba tỉnh vẫn còn thấp.

Từ thực tế cho thấy, để phát triển vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh nhất thiết phải có sự liên kết chặt chẽ trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; quy hoạch hạ tầng giao thông; đầu tư hạ tầng du lịch; bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan trên cơ sở phân định lợi thế riêng của các địa phương. Một số chuyên gia nêu ví dụ, với tour hồ Núi Cốc - ATK Định Hóa nên hướng đến du lịch chất lượng cao như khách sạn 4-5 sao, sân golf; ATK Tân Trào cần tập trung tối đa cho du lịch lịch sử thông qua các điểm di tích lịch sử đặc biệt, phục dựng hệ thống đường hầm, đường mòn thời kỳ kháng chiến giống như mô hình Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (T.P Hồ Chí Minh). Riêng tỉnh Bắc Kạn có lợi thế hơn về du lịch sinh thái bằng cáp treo khi sở hữu hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất cả nước đó là hồ Ba Bể và hệ sinh thái tự nhiên quý giá của Vườn quốc gia Ba Bể. Như vậy, cả ba tỉnh đều có lợi thế riêng và có thể hỗ trợ lẫn nhau để tạo thành tuyến các tour, tuyến du lịch lý tưởng bậc nhất ở miền Bắc.

Một phần của di tích Nà Pậu, thuộc xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) - nơi Trung ương Đảng đã chọn để dựng lán cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Văn phòng Phủ Chủ tịch (giai đoạn 1950-1951).

Để làm được như vậy, chắc chắn cả ba tỉnh phải bảo vệ cho kỳ được những cánh rừng bạt ngàn ở khu vực giáp ranh. Chính nhờ những cánh rừng tự nhiên này mà Trung ương đã chọn Việt Bắc làm căn cứ địa cách mạng từ năm 1940 cho tới khi đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Nhất là những cánh rừng thuộc ba huyện: Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) và Sơn Dương (Tuyên Quang) được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm nơi ở, đặt trụ sở làm việc của nhiều cơ quan quan trọng trong suốt gần 10 năm kháng chiến (1946-1954). Rừng đã che chở cho cán bộ, bộ đội, dân công và trở thành nỗi khiếp sợ đối với quân thù. Do vậy, bảo vệ, phát triển rừng là một trong những điều cốt lõi đối với công tác tôn tạo, phát huy giá trị của vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh. Nhưng điều đáng tiếc nhất hiện nay là ngoài những khu rừng đặc dụng ở huyện Sơn Dương còn giữ được hệ sinh thái tự nhiên, còn lại phần lớn diện tích rừng trong phạm vi quy hoạch vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh đã bị khai thác quá mức hoặc thay thế bằng rừng sản xuất, làm mất đi bản sắc tự nhiên vốn có.

Đơn cử như huyện Định Hóa vốn có địa hình hiểm trở, được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh với mật độ che phủ cao, là tấm lá chắn trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp nhưng nay rừng tự nhiên đã giảm đáng kể, nhất là những rừng cọ. Ông Nguyễn Văn Bình, xóm Hoàng Hà, xã Phú Đình phản ánh: Tình trạng chuyển đổi mục đích từ cây cọ sang trồng cây quế, keo hoặc chè khá phổ biến. Vừa qua bà con chặt phá đồi cọ gần các di tích lịch sử là đất ông cha để lại khiến các di tích mất cảnh quan. Còn Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc Phùng Văn Đăng thẳng thắn: So với các cây trồng khác thì giá trị kinh tế của cọ không bằng, dù thân, lá hay quả cọ đều có thể sử dụng vào các mục đích khác nhau. Việc người dân chuyển đổi từ cọ sang cây chè hoặc trồng rừng sản xuất nhằm nâng cao đời sống là điều dễ hiểu. Hiện, phần diện tích trồng cọ thuộc quy hoạch rừng sản xuất của người dân, trong khi chưa có cơ chế nào hỗ trợ thì rất khó để định hướng giữ hay phát triển cây cọ khi mà đời sống của bà con không được đảm bảo.

Để phát triển vùng ATK, Trung ương yêu cầu huyện Định Hóa phải giữ rừng đặc dụng với diện tích 8.728ha, rừng phòng hộ với diện tích 7.050ha và rừng sản xuất 20.009ha. Diện tích rừng lớn như vậy nhưng qua kết quả rà soát cuối năm 2020, toàn huyện Định Hóa có 32.415ha đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng mới có 5.513ha (giảm trên 3.300ha); tỷ lệ che phủ rừng đạt 62%. Theo Quyết định số 1134/QĐ-TTg ngày 21/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án bảo vệ và phát triển rừng ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2008-2020 đặt mục tiêu phát triển hài hòa giữa bảo tồn và phát triển rừng tại ATK Định Hóa mà trọng tâm là phục hồi cảnh quan, gắn kết chặt chẽ với việc sử dụng, khai thác hợp lý tài nguyên rừng và phát triển rừng sản xuất.

Ngoài bảo vệ, phát triển rừng thì yếu tố then chốt tiếp theo đó là sự phối hợp chặt chẽ của cả ba tỉnh trong quy hoạch, kết nối giao thông. Hiện từ ATK Định Hóa đã có tuyến đường kết nối tới ATK Tân Trào và ATK Chợ Đồn nhưng chất lượng công trình giao thông chưa cao, đường nhỏ hẹp. Riêng các tuyến đường mòn để kết nối các điểm di tích lịch sử đặc biệt như thời kháng chiến chưa được phục dựng hoàn thiện, thông suốt nên khi khám phá trải nghiệm, khách tham quan khó có thể cảm nhận, thấy hết được ý nghĩa, giá trị lịch sử của các di tích cách mạng.

Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi chưa thể đưa đầy đủ các nội dung, kiến nghị của nhà quản lý, cán bộ làm công tác chuyên môn, người dân sở tại về công tác tôn tạo, bảo vệ, phát triển vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh. Nhưng chắc chắn những nội dung đặt ra vừa là gợi mở nhỏ, vừa là kiến nghị để các bộ, ngành Trung ương, chính quyền ba tỉnh và cả người dân sớm có giải pháp để vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh phát huy được các giá trị vốn có.

Ông Mông Đình Tinh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Chợ Chu (Định Hóa): “Để giữ cho ATK Định Hóa về đúng bản sắc của vùng chiến khu xưa, phát triển được du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái thì một trong những điều cốt yếu là phải giữ được rừng bản địa, nhất là cây cọ. Khách du lịch đến ATK sẽ rất “chán” khi chỉ nhìn thấy toàn những rừng keo đơn điệu. Muốn có được điều đó, chúng ta phải chấp nhận hy sinh 5-10 năm, thậm chí lâu hơn để phát triển cây bản địa và phải có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho người dân”.
Ông Lý Văn Chính, Phó Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa: “Khi người dân chặt cây rừng sẽ phá vỡ cảnh quan, di tích. Do vậy, để bảo vệ rừng cây, cảnh quan các di tích, chúng tôi đề nghị Nhà nước có chế độ chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân để bảo đảm nguồn thu”.
Ông Triệu Huy Chung, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn): “Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn có khả năng kết nối tour, tuyến du lịch từ ATK Định Hóa thuộc tỉnh Thái Nguyên, ATK Tân Trào thuộc tỉnh Tuyên Quang và khu du lịch Ba Bể tương đối thuận lợi nên có tiềm năng phát triển tốt. Tỉnh Bắc Kạn cũng đã đồng ý chủ trương tiếp tục lập quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích để phát triển du lịch”.