Tôi về xã Bình Dương (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), quê hương nhà thơ Tế Hanh, dip sắp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông (20-6-1921 - 20-6-2021). Tôi về trước để thắp nén hương trong nhà thờ.
Về nhà thờ họ của Tế Hanh thì không thể đi lạc, cũng không phải chọn đường. Nhưng khi rời Bình Dương, chúng tôi lại có một thoáng như bị lạc, hay phải chọn đường giữa hai ngả như trong bài thơ của Robert Frost (Rô-bớt Phót). Và ở đây, câu thơ của thi hào Mỹ Robert Frost chợt hiện về:
"Ta đi lối mòn ít chân kẻ dẫm
Điều đó khác thường mà nặng lắm thay "
(The road not taken - Châu Diên dịch)
Với chúng tôi, kể ra, cũng không nặng lắm. Vì chỉ cần hỏi bà con, là nhận ra đường cần đi ngay. Nhưng chính từ một khoảng "mất phương hướng" nho nhỏ đó, tôi lại phát hiện một điều thú vị trên đường.
Ấy là hai hàng hoa trồng hai bên con đường bê-tông nhỏ. Đường nông thôn, hai bên là ruộng, vậy mà vẫn có hai hàng hoa đang nở, mầu hoa vàng óng ả đẹp lung linh.
Người nông dân Bình Dương xứng đáng là những đồng hương tri âm của nhà thơ lớn Tế Hanh, khi họ không chỉ biết làm ruộng giỏi hay đánh cá tài, mà còn biết trồng hoa hai bên đường ruộng. Đúng là trồng hoa chỉ để chơi, cho đẹp.
Nhìn hai hàng hoa nở vàng hai bên đường làng, cứ như hoa dại, vậy mà đó là hoa trồng, coi như hoa khôn. Tôi đang "ủ mưu" tư vấn cho xã Bình Dương, quê nhà thơ Tế Hanh biến ngôi làng Đông Yên của ông thành điểm du lịch cộng đồng, bây giờ gặp hoa giữa đường thế này, cứ như điềm báo làng du lịch sẽ thành công.
Lại chợt nhớ, một câu trong bài hát về đường 9 Quảng Trị thời chống đế quốc Mỹ: "Hoa vẫn nở trên đường quê hương". Ngày xưa ấy, hoa chỉ nở trong ước mơ. Còn bây giờ, hoa nở dịu dàng mà tươi thắm trước mắt tôi. Chắc sẽ còn bao việc phải làm để làng Đông Yên trở thành làng du lịch, và nhà thờ Tế Hanh thành một điểm trong bản đồ du lịch của làng.
Năm 1997, tôi có dịp đi cùng Tế Hanh về làng Đông Yên của ông, khi nhà thơ - đạo diễn Nguyễn Thụy Kha làm một phim chân dung về nhà thơ Tế Hanh. Dạo ấy Tế Hanh còn tương đối khỏe, tuy mắt đã nhìn rất kém, nhưng có người dìu đỡ, ông vẫn đi được. Nhất là về quê mình, ông như sảng khoái, như nhanh nhẹn hẳn lên.
Chúng tôi đã chọn một bãi biển sau này thành nơi đặt Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà quay phim Đăng Minh đã quay những đúp phim nhà thơ Tế Hanh đứng trên bãi biển, nhìn ra vịnh Việt Thanh. Cảnh rất đẹp, nhà thơ Tế Hanh rất ăn cảnh, ngoại trừ bãi biển không được... sạch lắm. Sau đó, chúng tôi đã ngồi ở một quán cóc bên bờ biển Tuyết Diêm, uống bia Dung Quất. Uống sang chầu bia thứ hai, Tế Hanh trầm ngâm nói: "Mình nhớ thôn Tuyết Diêm này, vì hồi nhỏ mình đã trọ học ở đây mấy năm. Đây là thôn diêm dân làm muối, hồi xưa cũng khổ lắm. Nhưng bãi biển này hồi xưa đã rất đẹp, và bọn mình hay đi chơi lang thang trên bãi cát trắng. Nếu sắp tới có Nhà máy lọc dầu Dung Quất, mình muốn viết một trường ca về vùng đất này, nơi mình có nhiều kỷ niệm".
Tế Hanh yêu quê hương là vậy. Với tình yêu ấy, ông đã có một bài thơ để đời, bài "Nhớ con sông quê hương".
Nhà thờ họ của Tế Hanh tuy nhỏ nhưng vốn là nhà ở của cha mẹ ông, nên trông rất dễ thương. Tế Hanh nói với tôi: "Nhà mình hồi trước có một tủ sách có nhiều sách quý lắm, cha mình coi là tủ sách gia bảo. Nhưng qua bao năm chiến tranh loạn lạc, sau hòa bình mình về lại, tủ sách đã không còn". Tôi nhớ ngay tới bài thơ về cái tủ sách này của Tế Hanh, nhan đề "Tủ sách của cha tôi", bài thơ rất thật thà, đúng tính cách Tế Hanh, nhưng ẩn trong đó những ngậm ngùi về thời thế thay đổi, về những thế hệ sau không còn biết yêu quý sách, theo kiểu "Cha làm thầy, con bán sách". Bài thơ mộc mạc mà rất cảm động.
Còn nhớ, trong buổi cơm trưa tại nhà mình, Tế Hanh đã mời mấy bà con xóm giềng cùng dự, trong đó có một bác đã già hát bả trạo rất hay, lại ứng tác những câu thơ lục bát khiến đám nhà thơ chúng tôi phải kinh ngạc. "Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới" (thơ Tế Hanh), nhưng tôi thấy, người làng này rất có văn hóa, và có "máu văn nghệ" bẩm sinh luôn.
Phải vì thế chăng, mà giờ đây, khi sắp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tế Hanh, về thắp hương ở nhà thờ gia đình ông, nhìn cây gạo trăm tuổi, cây bồ đề nửa thế kỷ trước sân nhà, tự nhiên thấy xao xuyến. Mà xao xuyến là khởi đầu cho thơ, nhất là thơ Tế Hanh, những bài thơ làm xao xuyến lòng người đã ngót 80 năm nay.
Hoa vẫn nở trên đường quê hương và sông Trà Bồng vẫn xanh một màu xanh "rất thơ Tế Hanh".
Nhà thơ THANH THẢO