Gã mang bộ dạng lếch thếch đi từ đầu xóm đến cuối xóm nhưng chẳng ai thèm đoái hoài cũng chẳng ai thèm liếc mắt. Cứ như gã là một cá thể vô hình, có cũng được mà không có cũng chẳng sao.
Nhưng thà như thế gã lại cảm thấy khoan khoái và tự do cứ như thể mình gã vẫy vùng trong không gian riêng của gã. Gã lại cực kỳ thích cái khoái cảm kỳ lạ của sự cô đơn này, chỉ là đôi khi nó nhuốm lên cuộc đời của gã một màu đen huyền bao phủ, và dù là sở thích gì đi chăng nữa thì cũng có lúc người ta sẽ chán chường.
Kể từ khi ba mẹ gã mất, gã lưu lạc tới xóm này mưu sinh, gã cao to, lại mang khuôn mặt khá hung, đã thế gã lại lầm lì ít nói. Tính gã rất tốt, đó là theo cách gã nghĩ, dù ai nhờ gì gã cũng sẵn sàng làm, xóm tổ chức lễ hội gì gã cũng sẵn sàng tham gia, ví như trong lễ hội cần chặt tre khuân về, lúc nào gã cũng dành phần làm.
Dĩ nhiên, gã không nói, chỉ vò võ đi làm một mình, có mang vác nặng đến mấy cũng không than nửa lời, chỉ chịu đựng làm đúng phần việc của mình rồi lại thui thủi về căn nhà nhỏ. Người ta kể cũng lạ, họ đón nhận những gì gã mang lại như nguồn nguyên liệu đó vốn là sẵn có mà không mảy may một chút suy nghĩ đó là do đâu, họ cho rằng đó là lẽ tất nhiên. Và chính vì họ lấy hết những gì phơi ra trước mắt mà không biết nó đến từ đâu nên lẽ tất nhiên sự cố gắng của gã bị họ gạt sang một bên, sự tồn tại của gã bị họ chối bỏ.
- Tay của anh… để tôi sát trùng chứ nhiễm trùng cũng nguy hiểm lắm.
Tiếng của chị làm gã ngẩng lên rồi cúi xuống nhìn đôi tay của mình. Đôi bàn tay vốn chai sần ram ráp đang rướm máu, tước ra những vệt, gã nhìn vội đám tre vừa chặt rồi chợt hiểu chắc chúng đã làm rách tay gã lúc khuân về. Chị dịu dàng nắm lấy tay gã làm gã hơi nhíu mày lại vì đau nhưng gã chợt trấn tĩnh ngay, toàn bộ quá trình đau nhói và chịu đựng thoáng qua chỉ trong vài giây trên gương mặt dữ dằn của gã. Nếu ai mà nhìn vào còn nghĩ có lẽ người phụ nữ nhỏ bé kia đã lỡ làm gì nên tội khiến gã trai cau có tức giận.
- Nếu đau thì nói đau. Cũng như nếu anh mệt thì anh nên nói anh mệt. Người ta trong cuộc đời này không ai rảnh rỗi để mà dành thời gian nghĩ cho một người khác đã làm được những gì, để mà biết ơn họ. Xã hội này vô tình lắm.
Nói thế rồi chị đi, nhanh như cách chị đến, nhưng đột nhiên trong con tim chai sần khô cạn của gã như có ai đó đang nổi lên những điệu nhạc du dương. Chị như đánh thức một tiềm thức sâu xa nào đó trong gã, khiến gã nhìn lại cuộc đời này. Kể từ khi gã đến xóm này, trừ những việc cần không ai hỏi thăm gã như thế nào, ngày gã ốm liệt giường, thi thoảng có người ghé qua nhờ gã việc, biết nhưng cũng túc tắc đi về chẳng ai thương lấy.
Gã ốm mấy ngày liền, toàn thân hốc hác rồi cũng tự thúc mình gượng dậy tiếp tục đi làm lo cho chính bản thân. Gã còn tự đặt cho mình một quy luật là sẽ không để mình đau ốm nữa, vì như thế gã sẽ không thể chăm sóc nổi mình. Nhưng lúc gã chợt nhận ra sự vô tình của cuộc sống này, gã đã khóc. Đó cũng là lần đầu tiên gã khóc kể từ khi ba mẹ gã mất, gã chợt thấy mình như một đứa trẻ khi cho rằng mọi thứ sẽ được đền đáp, dù gã có hung dữ hay ít nói nhưng người ta cũng sẽ nhìn thấy sâu trong tim gã ánh sáng của sự ôn hòa.
- Anh khóc đấy à?
Gã ngẩng lên, trên tay chị là một bát cháo đậu xanh vẫn còn nóng như vừa được múc ra từ một chiếc nồi đất mới tinh tươm. Chị ngồi lại cạnh gã và không hiểu sao gã lại tuôn hết lòng mình với một người phụ nữ xa lạ chỉ mới đôi lần gặp. Từ bấy, chị và gã vẫn hay qua lại giúp đỡ nhau. Người ta bắt đầu đồn thổi về chị và gã, lúc này gã mới biết chị là một góa phụ, chồng mất trong một cơn bạo bệnh khi vừa cưới, chị ở vậy cho đến khi lỡ xuân thì. Một gã trai mồ côi và một bà góa, biết bao câu chuyện thêu dệt được đặt ra và bao ánh mắt hoài nghi đổ dồn vào mối quan hệ giữa hai người.
Gã vẫn đối xử tốt với chị vì chị là người duy nhất khiến gã cảm thấy xa rời sự cô đơn mà bấy lâu gã tôn thờ. Nhưng chị lại tìm cách trốn tránh gã. Sau rất nhiều năm đột nhiên chị lại cảm thấy thương một người đàn ông với bề ngoài gồ ghề nhưng vô cùng tốt bụng. Có điều chị không đủ mạnh mẽ để vượt qua điều tiếng của người đời, rằng ở vậy thờ chồng mà lại mủi lòng trước một gã đàn ông khác. Nhưng chị càng trốn tránh gã, càng đau lòng thì gã lại càng tiếp cận, cho đến khi chị nổi cơn tức giận:
- Dù tôi có thương anh nhưng tôi cũng không thể đến được với anh đâu. Tôi còn cuộc sống, còn các mối quan hệ, anh có bao giờ nghĩ mình sẽ vượt qua, chịu đựng tất cả mà đến được với nhau không? Anh của bây giờ có yêu thương, lo lắng được cho tôi không? Đừng vì cảm xúc nhất thời và thời gian ta đối xử tốt với nhau mà lầm tưởng cho hạnh phúc cả cuộc đời chúng ta.
Nghe đến thế gã bỏ về, một cách dứt khoát. Lòng chị cảm thấy xót xa vì đã nặng lời với gã trong khi chính chị luôn động viên gã, nhưng cũng cảm thấy tủi thân vì sự quay lưng của gã vì chị đã nghĩ tình cảm hai người phải sâu nặng hơn thế. Thế rồi gã bỏ đi khỏi xóm, ba năm đằng đẵng mới quay về, không một lời từ biệt cho đến khi gặp lại. Về, gã đi thẳng đến nhà chị, lại gọi rất nhiều người trong xóm đến, trước mặt họ gã cầu hôn chị:
- Em hỏi tôi có thể vượt qua sự điều tiếng không, tôi có, tôi muốn cầu hôn em trước mặt mọi người. Em bảo tôi có thể lo lắng cho em không, tôi đã đi làm xa suốt ba năm đằng đẵng để về hỏi em làm vợ, tôi đã để dành ba năm không thay lòng để lại đến bên em. Nếu em còn thương tôi hãy về bên tôi nhá.
Xung quanh không còn là tiếng dè bỉu hay khích bác mà là tràng vỗ tay thật dài và sự ngưỡng mộ cho một tình cảm chân thành. Trên khung cửa nhỏ nhà chị đôi chim gã từng tặng chị đang hót véo von chờ ngày chủ chúng sum họp.