Vừa thi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp được mấy ngày, đang có ý định về quê ngoại thì nhận được điện của ông, giọng ông trên di động nghe trẻ khỏe, suýt Thành không nhận ra.
- Ông chúc mừng cháu nhé. Có chương trình gì chưa? Về chơi với ông đi.
- Ối, ông. Cháu nhớ ông lắm. Cũng đến gần năm ông nhỉ. Mà cháu cũng đang muốn về để hỏi cho ra nhẽ việc này đây.
- Ha ha. Cháu tôi lớn thật rồi. Báo cáo, cựu chiến binh Cao Văn Lanh, người thuận tay trái, sẵn sàng.
Nghe ông nói, Thành sung sướng. Ông ngoại luôn vui và mạnh mẽ. Thành nghĩ đến cái tên “người thuận tay trái” và chiến công của ông năm xưa mà cảm động.
Ông bảo, ông và đồng đội đã qua bao nhiêu trận đánh nhưng trận đó là ác liệt nhất. Ta và địch quyết tiêu diệt nhau giành lại ngọn núi chiến lược. Chúng chết nhiều nhưng ta hy sinh không ít. Cạn kiệt dần vì cả hai bên đều chặn chi viện. Đoán quân ta còn ít, bọn địch có ngụy quân, lính Mỹ xông lên giáp lá cà. Ông chẳng còn gì ngoài hai con dao nhọn Mỹ để ở hai túi sườn. Đánh với bọn thiện chiến đánh gần thì chỉ có dao nhọn và võ tay không mới có tác dụng. Nhìn địch biết là quá chênh lệch, có người sẽ phải chấp hai thằng. Chúng thì có đủ súng, lưỡi lê còn dao thì đứa nào chả có. Một tên lính ngụy lao vào, ông né được, cùi tay phải vào gáy nó, nó đâm trượt ông, thuận tay trái ông xỉa một nhát. Vừa lúc ấy thì một thằng Mỹ cao hơn ông cái đầu tiếp tục lao vào. Nó đâm dao nhằm vào ngực ông, ông định né nhưng chân bị kênh vào hòn đá. Thế là lưỡi dao của nó đâm vào cánh tay phải của ông. Phút ấy, lòng căm thù bọn xâm lược, ông nén đau, nghĩ mình còn tay trái là tay thuận, phải nhân lúc nó mất cảnh giác để tiêu diệt nó. Ông sờ túi quần, rút phăng con dao rồi áp sát che tầm mắt nó. Ông vòng tay xiên một nhát vào sườn nó. Bọn địch kêu to:
- Gặp đặc công rồi!
Chúng bảo nhau rút chạy. Sau do bùn đất nơi đó bẩn quá nên tay ông bị nhiễm trùng nên tháo khớp mất đi nửa tay phải. Ai cũng lo cho ông nhưng ông bảo:
- Tôi là may mắn nhất. Tôi thuận tay trái cơ mà.
Lúc nhỏ, Thành nghe ông nói cũng nửa tin nửa ngờ vì thực sự ông vẫn cầm bút viết tay phải, xới cơm, cầm đũa tay phải. Chỉ thấy cầm dao, cầm cày tay trái. Thành quý ông lắm. Gần hai năm bố mẹ đi nghiên cứu sinh bên châu Âu, vì ông bà nội có bệnh đau yếu nên Thành lên ở với ông bà ngoại, học ở trên đó. Hai năm học trên đó, Thành luôn học giỏi nhất lớp nên ông ngoại hãnh diện lắm. Mặc dù là thương binh, ông vẫn tham gia công tác của xã. Tính tình ông vui vẻ, thẳng thắn ai cũng quý mến ông.
Thành nói vui chuyện hỏi ông cho ra nhẽ là việc này đây:
Chả là năm cuối cùng, trường có vài đợt đi thực tế và dự chuyên đề về ngành. Hôm đó xem băng hình quay về các cơ sở lâm nghiệp do dân quản lý. Khi quay đến một hợp tác xã chế biến gỗ ở huyện miền núi do một cựu chiến binh, thương binh làm chủ nhiệm thì thấy ông ngoại chính là người chủ nhiệm ấy. Thành bị hút hồn nhưng xem xong thì lại thấy có cái gì đó chẳng gọi là giận, chẳng phải buồn mà cũng chẳng gọi gì là thắc mắc. Sao ông già vậy rồi mà còn làm thế nhỉ? Thầy giáo thường bảo làm công tác lâm nghiệp vất vả lắm, sao ông làm tốt thế, còn được Bộ khen thưởng, đi dự hội nghị toàn quốc. Thành sẽ về chơi và giải đáp điều đó.
Trên ô tô về, Thành bỗng có ý nghĩ ngược lại. Bây giờ làm ăn người ta có nhiều hình thức tổ chức hoạt động. Biết đâu hợp tác xã của ông chỉ đơn giản có một công đoạn mà thôi. Ví dụ như chỉ quản lý ươm trồng hoặc vận chuyển chẳng hạn. Thậm chí, Thành còn có ý nghĩ kỳ quặc. Biết đâu huyện lại mượn danh cụ làm chủ nhiệm danh dự còn điều hành thật sự lại là ai đó, tuổi của ông gánh vác sao nổi.
Bởi vậy khi về đến xã, Thành không về nhà mà hỏi thăm về trụ sở hợp tác xã lâm nghiệp. Mới mấy năm mà quê ngoại đổi thay không nhận ra. Bước vào khuôn viên của hợp tác xã, Thành vô cùng ngạc nhiên trước tấm biển kê các danh mục kinh doanh và danh sách bạn quản trị, ông Cao Văn Lanh làm Giám đốc. Thành hỏi chú bảo vệ, ông ta bảo giám đốc đang đi kiểm tra rừng. Thành lo lắng hỏi:
- Dạ thưa, Giám đốc đi bộ hay xe máy ạ, đi một mình hay có ai đi cùng?
- Anh có quan hệ gì mà hỏi nhiều vậy?
- Dạ, xin lỗi, cháu là cháu ngoại ở Hà Nội về chơi thăm ông.
- À, cháu có phải là Thành mới tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp không? Ông cháu dặn là cháu đến thì bảo ngồi chờ chút đấy.
- Sao ông cháu biết cháu đến đây chứ không về nhà nhỉ?
Chú bảo vệ cười trả lời hóm hỉnh:
- Cháu quên ông cháu là chỉ huy bộ đội đặc công à? Cụ ấy phán đoán thần kỳ đấy.
Lát sau, có tiếng xe con bán tải đi vào. Ông Lanh bước xuống, đi nhanh đến phòng bảo vệ reo to:
- Đâu rồi, cậu kỹ sư yêu quý của ông đâu rồi?
Hai ông cháu ôm nhau thật chặt. Thành dụi đầu vào ngực ông như thuở nào. Vào phòng làm việc của ông, hai ông cháu uống nước. Ông hỏi han tình hình sức khỏe bố mẹ của Thành và tình hình học hành. Được một lúc ông bảo:
- Cháu ngồi chờ ông mấy phút. Ông xử lý cái công văn này rồi ta về nhà nhé.
Ông ngồi vào bàn. Lại vô cùng ngạc nhiên khi ông mở máy vi tính. Ông học từ bao giờ nhỉ? Chắc ông tập không đơn giản.
Xong việc, hai ông cháu lên xe đi về nhà. Thành chưa giải thoát được thắc mắc nên hỏi ông:
- Ông ơi, có ai đó có vốn đứng ra lập hợp tác xã thuê ông làm à?
Ông nghiêm mặt nhưng lại hóm hỉnh ngay:
- Bậy, ông bằng này tuổi đi làm thuê à?
Thành gãi tai:
- Đó là vì khi cháu học giáo trình có nói đến mà. Hay là huyện dựng lên rồi khoán cho ông?
- Càng không phải. Ông và các cựu chiến binh làm. Bao năm đi chiến đấu học bà con ở miền Nam. Về nghỉ, học trong sách, học nơi khác rồi bàn nhau thành lập hợp tác xã. Những người lính dù có mất một phần cơ thể nhưng trí tuệ còn tiềm tàng lắm. Mà ông cháu ta đi tham quan khu vườn ươm trồng, khu chế biến cháu sẽ thấy. Đội trưởng sản xuất hầu hết là cựu chiến binh.
Thành nghe ông nói thấy xôn xao trong lòng. Lòng cảm phục dâng trào. Bỗng ông quay sang hỏi bất ngờ:
- Này, hay cháu về làm việc với ông đi. Vài năm không thích cháu lại về Hà Nội.
- Vâng, để mai cháu đi tham quan hợp tác xã cùng với ông rồi quyết định ông nhé.