Mẹ không thuộc về thế giới trần tục nữa. Vì vậy mà nửa đời còn lại, mẹ không sống cùng gia đình. Mẹ xây một cái am nhỏ ngoài đê, thỉnh Phật về thờ, ngày ngày gõ mõ tụng kinh. Lúc đầu nghe mẹ bàn chuyện ra riêng để tu tại gia, ba phản đối kịch liệt:
-Bà làm vậy coi được sao? Bà đi rồi tôi với bọn trẻ sống ra sao?
Mẹ từ tốn nói:
-Tôi ở ngoài đê thôi chứ có đi đâu xa. Các con đã lớn tướng hết rồi, nó tự lo được mà. Ông cũng bỏ bớt rượu chè, dứt hẳn cờ bạc mà lo làm ăn nuôi tụi nó. Tôi cực khổ nửa đời người, vừa làm vợ, làm dâu, lại làm mẹ, giờ tôi muốn sống một cuộc sống thanh thản, hướng tâm về cửa Phật.
- Bà có thể thỉnh Phật về nhà thờ được mà. Gia đình chúng ta cũng theo đạo Phật, có gì trở ngại đâu?
- Tôi hiểu điều đó chứ. Nhưng ông xem, nhà mình gần lộ lớn, xe cộ ồn ào. Với lại suốt ngày ông dẫn bạn về chè chén, con cái thì không thích nghe tiếng mõ, nên không thể nào ở đây được. Nhưng ông yên tâm, lễ lạt, đám tiệc trong nhà tôi sẽ ra vào thắp nhang, quây quần cùng gia đình mà.
Anh Hai cầu xin mẹ:
- Mẹ đừng đi bỏ chúng con mà! Không có mẹ, chúng con nhớ lắm! Ở lại nhà đi mẹ!
- Mẹ đã quyết rồi! Mẹ hứa ra vào thường xuyên thăm nom, động viên các con học tập.
Cả nhà khuyên không được, đành buông xuôi.
Người già thường hay bệnh tật bất chợt, cứ như ông trời khi nắng khi mưa. Ba lo thế nên nhờ bên bưu điện lắp cho mẹ chiếc điện thoại bàn để khi cần liên lạc. Ba và anh em chúng tôi cũng thường xuyên ra am thắp hương, thăm mẹ. Thỉnh thoảng cũng có vài người bạn đến thăm mẹ, hàn huyên cho mẹ đỡ buồn. Mẹ vui lắm, cảm kích lắm nhưng mẹ lại không khuyến khích mọi người ra thăm thường xuyên. Mẹ sợ phá vỡ không khí thanh tịnh, rồi những người mê tín dị đoan đồn thổi này nọ kéo đến bày trò. Mẹ bảo khi nào mẹ cần, mẹ sẽ vào thăm nhà.
Thực tế mẹ không phải là người trốn tránh trách nhiệm mà mẹ có nỗi khổ tâm riêng. Có lần nhổ cỏ vườn cùng mẹ, mẹ tâm sự với tôi rất nhiều. Mẹ kể ngày xưa ba là người đi buôn giỏi. Nhưng vì muốn lãi to, ba dùng chiêu cân non, làm thiếu. Mẹ đã khuyên ba rất nhiều lần nhưng ba không nghe. Dù bây giờ ba không còn buôn bán nữa nhưng mẹ cảm thấy day dứt vì những gì ba đã làm. Mẹ sợ anh em chúng tôi sẽ lĩnh hậu quả, “quả báo nhãn tiền” nên mẹ muốn đi tu, hướng về cõi Phật để mong sao xóa bớt tội lỗi trước đây.
- Thế mình có thể đi làm từ thiện nhiều, sống tốt là được rồi, đâu cần mẹ phải dọn ra đây? -Tôi thắc mắc.
- Con nghĩ thế cũng đúng nhưng chưa hiểu sâu. Con thấy đấy, nhà mình bây giờ sa sút vì ba con cờ bạc, rượu chè suốt ngày, tiền bạc, công sức đâu mà đi làm từ thiện. Sống chung với ba con, mẹ lúc nào cũng nhận những trận đòn, lời trách mắng. Mẹ làm thế để ba tu tâm, dưỡng tính, biết thay đổi và lo cho các con. Có mẹ, ba sẽ ỷ lại rồi sinh tật xấu.
Mẹ nói chí phải. Từ ngày mẹ dọn ra ở riêng thờ Phật, ba đã thay đổi rất nhiều. Ba ít uống rượu, thôi cờ bạc, chịu khó đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà. Ba không còn la cà ở các quán cà phê để cá độ bóng đá mà ở nhà để dạy dỗ anh em chúng tôi, lo cho chúng tôi cái ăn, cái mặc đầy đủ. Dù ba đã thay đổi gần như hoàn toàn nhưng mẹ không quay về nhà. Mọi người năn nỉ đến gãy lưỡi mà mẹ vẫn nhất dạ trước sau như một. Mẹ nói với ba:
-Ông thay đổi, tôi mừng lắm! Nhưng duyên nợ đã vậy rồi, chúng ta đừng nên bàn đến vấn đề này nữa. Điều quan trọng nhất là bây giờ cả nhà đã đoàn viên vui vẻ đó sao?
Mỗi năm, cứ đến mùa Vu Lan là anh em chúng tôi mua hoa hồng tặng mẹ. Mẹ yêu hoa lắm! Những đóa hoa rực rỡ mà chúng tôi tặng, mẹ đem đặt vào chiếc bình sứ đến khi khô mới mang bỏ vào thùng giấy giữ làm kỷ niệm. Sau am, mẹ trồng một vườn hoa nhài, hoa bách nhật nở lung linh như những ánh mặt trời tí hon trong buổi ban mai. “Niềm vui của mẹ bây giờ là gõ mõ tụng kinh, chăm hoa và nghĩ về các con” - mẹ bảo thế. Hoa đẹp, tràn đầy sức sống như tình yêu thiêng liêng của mẹ dành cho chúng tôi…
Vậy mà mùa Vu Lan năm nay vườn hoa xơ xác… Ong, bướm thôi đến hút mật, lượn lờ. Chim cũng bay đi mất dạng, không còn hót líu lo ở những rặng trâm bầu. Trên ngực áo của anh em chúng tôi cài những đóa hồng trắng rưng rưng!