Bà Mẩn

19:15, 28/09/2021

Bà Mẩn chưa già, năm nay mới 65 tuổi, nhưng bà đã có cháu ngoại nên bà quyết định làm đơn vào Hội Người cao tuổi. Bà Mẩn thương người, thương cả loài vật, thậm chí thương cả cỏ cây, hoa lá. Thấy ai có hoàn cảnh khó khăn là bà nhăm nhăm hỏi han để giúp đỡ. Bà không phải là người giầu có của cải, nhưng bà giầu tình thương. Những thứ bà giúp đỡ người khó khăn cơ nhỡ hoặc gặp thiên tai hoạn nạn thường chỉ là vài chục nghìn đồng, khi nào mới lĩnh lương hưu thì bà mạnh tay giúp nhiều hơn hai ba trăm nghìn. Bà bảo: "Một nắm khi đói, bằng một gói khi no", cứ giúp người ta, đỡ được chút nào hay chút ấy.

Khó ai có được tính nết như bà. Lòng tốt có khi còn bị kẻ rảnh rỗi cho là ấm đầu, là hâm hâm. Kệ, bà cứ làm, cứ có tâm là mình sống thanh thản. Gần nhà bà có mấy hàng rau, hàng cá, hàng thịt. Khi mua hàng, bà ít khi mặc cả, ít mua theo cân lạng, bà thường bảo người bán hàng: Bán cho bà 6 con tôm, bán cho bà hai mớ rau cải. Mua thịt thì bà chỉ vào miếng thịt rồi khoanh vòng tròn hoặc vuông vuông, rồi bảo: Đây, cắt cho bà bằng chừng này. Người bán hàng cắt xong, tự cân và bảo bà: Bà nhìn cân cho cháu nhé. Bà cười rất đỗi hiền hậu:

-Thì cháu cứ cân lên rồi theo giá bán chung cho mọi người mà tính tiền. Hết bao nhiêu tiền thì bà trả.

-Ôi bà ơi, cháu phải bảo bà nhìn cân chứ, không lúc bà về nhà con cháu có hỏi, bà lại không biết là bao nhiêu mà trả lời ạ.

-Ừ, cháu nói cũng phải, nhưng con cháu bà nó ở với bà quen rồi, chả đứa nào hỏi đâu. Mà tính tiền cũng vậy, nếu có lẻ tý thì cháu cứ làm tròn lên, đỡ phải lo tìm tiền lẻ. Vài nghìn lẻ với người mua, nó chẳng đáng là bao, nhưng với người bán, mỗi khách hàng bớt đi một ít, thì lại không có lãi, chưa kể còn bớt mất một phần tiền đóng học, mua sách vở cho con, nên cháu cứ tính đi.

Người bán hàng nhìn bà Mẩn bằng con mắt trìu mến. Có người phải thốt lên: Ai cũng như bà thì cháu có dầm mưa, dãi nắng cả đời để bán hàng, cháu cũng không ân hận bà ạ. Có đôi người mua hàng thì quá lắm, miệng hỏi giá, tay đã xộc vào hàng, đảo, bới, lật, nát hết cả rau, cả thịt, rồi mặc cả lên, mặc cả xuống. Không ưng ý là họ quật miếng thịt đánh phạch một cái rồi bỏ đi.

Bà Mẩn rất thông cảm cho người bán hàng. Bà động viên và bảo thế mới là xã hội, thôi đừng buồn mà tổn thọ. Xã hội cũng như cái vườn nhà mình ấy, rau thường cũng có, rau thơm cũng có, thậm chí có cả cỏ và hoa dại nữa. Mặc dù cỏ và hoa dại đều là thứ ta không trồng mà có, nhưng chắc chắn, cỏ thì nhìn thấy là ta muốn nhổ đi ngay, còn hoa thì không nỡ vì nó đẹp. Những người có tính tai quái thì không ai quý mà cũng không ai muốn gần.

Bà Mẩn cũng có lúc lẩn thẩn nhưng lẩn thẩn một cách rất đáng yêu. Ngày hai buổi bà dành thời gian chăm sóc vườn rau, bà chăm rau, rất hay nói chuyện với rau và với những con vật ở vườn. Có lúc bà hái rau, không may hái nhầm vào cây rau con hoặc nhổ cỏ nhầm cả vào rau, bà lại bảo: Tại mày nhá, ai bảo gốc một nơi, ngọn một nơi, mắt mũi tao kém rồi, tao vơ nhầm đấy. Thấy con ốc sên đang rúc đầu vào gốc rau ngủ, bà không nỡ giết hoặc ném xuống mương nước, bà nhặt con ốc sên ném lên lùm cây sát bờ rào. Đấy, chỗ của mày đấy, rau tao trồng để ăn, mày ở đây lại phá rau của tao. Có người đi qua nhìn thấy bà ném con ốc sên vào lùm cây mà không ném xuống mương liền hỏi, bà bảo, mình ăn nhiều chứ nó ăn được bao nhiêu, sợ là sợ ăn phải dãi nhớt của nó thôi, giết nó thì dễ, nhưng lại cướp đi một mạng sống, biết đâu nó còn con, còn mẹ của nó nữa. Nghe bà nói ai cũng bật cười, nhưng sau điệu cười, mỗi người lại có thêm một tâm trạng.

***

Bà Mẩn nhanh tay xúc bò gạo đổ vào nồi, vo qua rồi đặt lên bếp, bà thò tay định bật bếp, bà giật thót người, một con rắn nhỏ hơn chiếc đũa nằm phơi mình trên bệ bếp, bà luống cuống lấy cái muôi đập vào đầu con rắn, rồi vội vàng lấy hót rác, hót gọn con rắn hất xuống mương. Con rắn nhỏ xíu chỉ bằng con giun to, bà Mẩn nhìn con rắn bị nước cuốn đi, nó đã chết sau cái đập quá mạnh trong lúc hoảng hồn vì giật mình của bà. Định thần lại bà lẩm bẩm: Sao mày dại thế, ngoài vườn, ngoài ruộng rộng thế không ở, làm thế nào lại trườn qua khe cửa, rồi leo cả được lên bếp. Khổ thân, tại mày làm tao giật mình chứ tao có muốn thế đâu…

Mẹ ơi. Tiếng con trai gọi làm bà bừng tỉnh. Mày gọi khẽ thôi có được không, mẹ giật cả mình. Cậu con trai chứng kiến từ lúc bà mang cái hót rác ra bờ mương. Anh động viên bà: Con rắn, con rết là không thương được mẹ ạ, mình mà không giết nó, rồi có lúc sơ suất nó cắn mình đấy. Thôi, về đi mẹ. Bà Mẩn lững thững theo chân con trai vào nhà, bà không quên ngoảnh lại nhìn xuống con mương, nước vẫn chảy mà lòng bà rối bời, bà lẩm bẩm: Đành rằng là như thế, nhưng đây là con rắn con, nó bé tí, nó đã làm gì nên tội. Đành rằng là như thế, nhưng đây là con rắn con, mắt nó hiền lắm, nó tin tưởng vào mình nên lúc mẹ vo gạo, đặt cơm ngay đấy, đi đi, lại lại mà nó có định chạy đâu, nó bé tí, nó đã làm gì nên tội. Ác với người đặt niềm tin vào mình là có tội con ạ.

-Mẹ nghĩ luẩn quẩn cái gì mà lạ thế, mẹ uống nước đi.

Bà Mẩn hững hờ đón chén nước từ tay con trai, bà cứ nhắc đi nhắc lại câu: Làm điều ác với người đặt niềm tin vào mình là có tội đấy, mình làm điều ác với người tin tưởng vào mình là không đáng mặt với đời…