Những trái tim lên đường

15:58, 14/09/2021

Ngày mai đoàn xe thiện nguyện lên đường mang hàng về các tỉnh phía Nam. Ban Tổ chức bố trí từng khu phố chủ động xe hàng theo quy định và tới điểm hẹn hội quân xuất phát. Đang cùng một số cựu chiến binh xếp các loại hàng hóa lên xe, điện thoại của ông Phương reo vang. Giọng ông Hải hồ hởi:

- Bên tôi xong rồi, các ông thế nào? Tôi vừa thấy thằng Sơn nhà ông trên ti vi.

Ông Phương ngẩn người giây lát, trả lời bạn nhưng mắt vẫn đáo qua đống hàng:

- Vâng thế ạ! Cháu nó gọi về bảo đang cố gắng hết sức… Nhóm của tôi còn chút nữa.

Sơn là con trai út của vợ chồng ông Phương. Trước tình hình dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, Sơn tình nguyện cùng đoàn y, bác sĩ của tỉnh lên đường chi viện cho miền Nam. Cả nước chung tay đẩy lùi dịch, con ông là bác sĩ, tới làm nhiệm vụ tại tâm dịch cũng là lẽ đương nhiên. Ông không mấy để ý đến việc “lên ti vi” của con, bởi ông nghĩ làm bất cứ điều gì cần nhất là ở tâm mình. Những chuyến xe nghĩa tình này cũng là sự san sẻ yêu thương đến với người dân vùng giãn cách.

Đêm muộn, ông Phương mới về nhà. Vợ ông vừa mở lồng bàn mâm cơm, vừa đưa cho ông chiếc điện thoại di động:

- Vợ thằng Sơn xem ti vi, nó chụp lại gửi cho tôi.

Ông Phương nheo mắt ngắm bức ảnh một nhóm bác sĩ đang cấp cứu cho bệnh nhân. Một người mặc trang phục bảo hộ y tế, đầu đội mũ gắn kính chống giọt bắn, trên lưng có dòng chữ “Bác sĩ Lê Sơn”. Ngành Y thiếu gì người có tên trùng tên? Biết ông bán tín bán nghi, vợ ông ngồi xuống bên cạnh nhỏ nhẹ:

- Vợ nó bảo ti vi giới thiệu đoàn bác sĩ của tỉnh mình. Chẳng thằng Sơn nhà mình thì còn ai vào đây!

- Thế bà không xem ti vi sao?

- Tôi còn vườn tược, giặt giũ, cơm nước… thời gian đâu ngồi xem như ông.

Ông Phương bật cười. Đúng là hàng ngày, dù bận gì giờ tin tức thời sự ông vẫn dành thời gian xem. Hình ảnh các bác sĩ, điều dưỡng tận tình cứu chữa bệnh nhân COVID bấy lâu nay truyền hình, báo chí, các trang mạng xã hội đăng tải nhiều. Dẫu con ông hay bất kì ai làm việc đó cũng là hành động cần thiết lúc này. Không muốn làm giảm bớt niềm vui của vợ, ông góp thêm dăm ba câu chuyện, ăn vội bát cơm và ra nhà ngoài pha trà.

Mấy hôm nay, ông Phương và mọi người đã gom góp chuẩn bị mọi thứ cho các chuyến xe thiện nguyện. Dẫu chính quyền có gói hỗ trợ an sinh xã hội nhưng người dân còn cần nhiều thứ khác cho cuộc sống hằng ngày, mỗi phần quà giá trị tuy nhỏ nhưng là nghĩa là tình. Không có phép màu nào ngay lập tức xua đi nỗi khổ của bà con vùng dịch, cái cần nhất bây giờ là sự sẻ chia. Nếu không có các cựu chiến binh tại các tỉnh phía Nam làm cầu nối, việc đưa hàng đến với bà con cũng vô cùng khó khăn.

Từ đầu mùa dịch đến nay, không hẳn do tuổi già, nhiều đêm ông Phương không thể chợp mắt vì mất mát quá lớn. Đại dịch như cơn bão tàn khốc tràn qua những miền đất trù phú của đất nước. Những con phố vắng lặng không bóng người, chỉ có xe cứu thương và cảnh sát qua lại. Nhiều con hẻm dựng rào chắn, giăng dây. Các phòng bệnh dã chiến chật kín bệnh nhân; những ánh mắt căng thẳng, thẫn thờ vì mất ngủ...

Thi thoảng Sơn gọi điện về báo tin anh và đoàn công tác làm việc tại một bệnh viện dã chiến, ông biết con rất vất vả, nhưng Sơn luôn trấn an: “Bố mẹ yên tâm, không phải lo cho con”. Sơn nói vậy, nhưng vợ ông cứ một hai buổi lại gọi điện hỏi con dâu. Đến nỗi ông phải nhắc: “Bệnh nhân nhiều ca nặng, nó còn bận…”. “Rõ khổ. Lúc vào tâm dịch, đến bữa cơm với bố mẹ cũng không thể ăn”. Chả là khi Sơn nhận quyết định lên đường, vợ ông định tổ chức bữa cơm, Sơn gạt đi: “Thôi bố mẹ ạ! Để hết dịch con về ”.

Mấy tuần trước, ông Hải, người bạn đồng môn từ Gang thép đạp xe tới báo tin: Cậu con cả của ông đang công tác tại một quân y viện cũng cùng đoàn y, bác sĩ lên đường vào tâm dịch. Ông Hải trầm tư: “Nỗi lo lớn nhất bây giờ là nguồn nhân lực! Càng chi viện thêm nhiều y, bác sĩ, điều dưỡng càng tốt. Nếu cần chúng ta lại lên đường”. “Cánh lính già chúng mình, ai cho đi?”. Ông Hải không nao núng: “Chúng ta già nhưng có chuyên môn hồi sức cấp cứu. Y, bác sĩ các bệnh viện san sẻ cũng chỉ có mức độ, vì còn điều trị các bệnh khác, lại dự phòng nguy cơ dịch có thể bùng phát…”.

46 năm trước, khi đang học năm thứ ba Trường Y, ông Phương cùng một số sinh viên nhận lệnh lên đường nhập ngũ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Mặc quân phục và huấn luyện gấp gáp chỉ hơn một tuần lễ, ông và đồng đội được biên chế vào các đơn vị chủ lực hành quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Sau giải phóng, những sinh viên y khoa được quân đội cử về học tiếp đại học và sau đó công tác tại các viện quân y cho đến lúc nghỉ chế độ.

Ông Phương biết tuổi như ông không ai dám mạo hiểm cho đi làm nhiệm vụ ở tâm dịch. Ông siết chặt tay người bạn già: “Điều cần thiết lúc này là làm tất cả những gì tốt nhất cho lực lượng chống dịch và bà con…”.

Khi các tổ chức đoàn thể kêu gọi quyên góp mua trang thiết bị y tế tặng các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, ông Phương đã trích những đồng tiết kiệm ít ỏi phòng lúc ốm đau ủng hộ. Những chuyến xe thiện nguyện ngày mai lên đường là tấm lòng của các cựu chiến binh cùng bà con xóm phố.

                                                        *  *  *

Trời chưa sáng hẳn, ông Phương đã có mặt bên đoàn xe. Gần tiếng đồng hồ trước, điện thoại của ông Phương đã liên tục đổ chuông vì các nhóm chắp mối cho kịp giờ khởi hành. Mọi người thực hiện hạn chế tập trung để phòng, chống dịch, nên ông được cử đại diện bà con dân phố đưa tiễn.

Điện thoại của ông Phương lại reo vang, lần này là của ông Hải:

- Ông đang ở điểm tập kết đó hả?. Chúng ta không đi được, chỉ có thể gửi vào trong đó tấm lòng. Hy vọng bình yên sớm trở lại.

Tiếng máy nổ giòn tan, đoàn xe chuyển bánh. Bất giác ông Phương đưa tay chào như thời còn trong quân ngũ. Chống dịch như chống giặc. Tuyến đầu đang gọi. Những trái tim lại lên đường…