Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Ðiện ảnh (sửa đổi), trong đó các vấn đề mang tính mấu chốt, bao trùm là cần điều chỉnh các hoạt động điện ảnh trong môi trường công nghệ số nhằm khuyến khích điện ảnh phát triển nhanh, đồng thời tạo được hành lang pháp lý để phát triển nền công nghiệp điện ảnh.
Dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 52 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 25 điều, quy định mới 27 điều so với Luật Ðiện ảnh hiện hành. Trong báo cáo tóm tắt tờ trình dự án Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh nước nhà, Luật Ðiện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung.
Dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) phù hợp với bốn chính sách đề xuất trong xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua, gồm: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Những nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ đã trực tiếp làm việc với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và kết luận các vấn đề cơ bản khi tiến hành xây dựng luật, trên tinh thần phải bảo đảm tính chặt chẽ, toàn diện, minh bạch, đổi mới, đáp ứng yêu cầu của đất nước và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Cụ thể, điện ảnh được nhìn nhận không chỉ dưới góc độ là một tác phẩm mà còn là một sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa cao, như một ngành công nghiệp. Khi đã là một ngành công nghiệp thì cần phát triển trên nền tảng các quy luật kinh tế, có chính sách và quá trình.
Trước đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Ðiện ảnh (sửa đổi). Trong quá trình thảo luận, còn nhiều ý kiến khác nhau về chính sách phát triển, quản lý nhà nước đối với điện ảnh, như: Hình thức sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước có đấu thầu hay không đấu thầu; quản lý phổ biến phim trên không gian mạng; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Với hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước có hai phương án: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng và giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Chính phủ lựa chọn phương án một, nhưng đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban lựa chọn phương án hai và cho rằng, thực hiện hình thức đấu thầu nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân, đồng thời phù hợp với Luật Ðấu thầu. Với vấn đề quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng cũng có hai phương án: Hậu kiểm và tiền kiểm.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề xuất phương án kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm hợp lý, trong đó hậu kiểm là chủ đạo, tiền kiểm là cần thiết đối với phim có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Bên cạnh đó, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cân nhắc quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh như dự thảo Luật vì chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Nội dung chi của Quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; chưa đủ căn cứ, chưa đưa ra giải pháp về khả năng tài chính độc lập.
Về những vấn đề trên, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Ðiện ảnh Việt Nam, Ngô Phương Lan cho rằng, đối với phim do Nhà nước đặt hàng cần quy định rõ tiêu chí về đề tài, nội dung để định hướng sáng tác, không nên nói chung chung "thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị", bởi vì, người sáng tác, nhà sản xuất cần quá trình để thẩm thấu, triển khai tác phẩm. Nên có sự thay đổi căn bản về phương thức đặt hàng, thay thế quy trình cũ (duyệt kịch bản văn học, duyệt tổng dự toán phim, cấp kinh phí sản xuất) bằng phương thức mới hiệu quả hơn (tài trợ cho từng khâu trong dự án hoặc tất cả các khâu nhưng theo quy định cụ thể).
Với việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cho rằng phạm trù Quỹ như trong dự thảo Luật đề cập chưa được cụ thể hóa. Theo ông, không nên bó hẹp về quỹ mà cần nhìn rộng hơn về sự đầu tư chiến lược của nhà nước cho điện ảnh, nên tham khảo hệ thống phát triển điện ảnh của Pháp với quỹ điện ảnh được trích phần trăm tiền vé bán tại các rạp hoặc điện ảnh Trung Quốc với sự kết hợp điện ảnh và truyền hình.
GS, TS Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội nhấn mạnh, trong dự thảo Luật có hai phương án cho việc phổ biến phim trên không gian mạng: Tự phân loại phim và phim chỉ được phổ biến khi có giấy phép phân loại. Ông cho rằng phương án một phù hợp thực tiễn và xu thế phát triển chung của thế giới. Vấn đề quan trọng là công tác thanh tra, kiểm soát, hậu kiểm phải được quan tâm, đổi mới, chuyên nghiệp hóa sâu và việc quản lý cần được áp dụng công nghệ.