Đón đọc ấn phẩm đặc biệt “Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước”

11:21, 20/10/2021

Đại thi hào Victor Hugo từng nói: “Tương lai là tiếng vọng của quá khứ. Nói cách khác, không có quá khứ thì làm gì có tương lai”… Hướng tới Kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (4/11/1831-4/11/2021), được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, Báo Thái Nguyên phối hợp với Viện Công nghệ Truyền thông và Kinh tế số (IDEC) xuất bản cuốn sách “Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước”.

Cuốn sách dầy 248 trang, gồm 3 phần: Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước; Một số hình ảnh tiêu biểu; Những bài phát biểu, bài viết về tỉnh Thái Nguyên.

Ở phần thứ Nhất - Thái nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước gồm 20 bài viết về Thái Nguyên từ thuở hồng hoang cho đến ngày nay. Để thực hiện loạt bài này, Hội đồng Biên tập đã mời nhiều chuyên gia sử học, nhà nghiên cứu; các nhà lãnh đạo, chính trị gia các thời kỳ, các nhà báo cũng như khảo cứu qua sách chính sử và điền dã... chắt lọc những thông tin có giá trị.

20 bài viết là sự phân kỳ tương đối dòng chảy lịch sử cùng với các nhân vật, sự kiện nổi bật của mảnh đất và con người Thái Nguyên hàng nghìn năm qua. Bạn đọc sẽ gặp trong đó những nhân vật lịch sử gắn liền với mảnh đất Thái Nguyên, là niềm tự hào của dân tộc Việt. Đó là chúa động Lão Mai (vùng Võ Nhai, Thái Nguyên) Hồ Đề kéo quân theo Hai Bà Trưng chống lại thế lực phong kiến Đông Hán phương Bắc vào mùa Xuân Canh tý năm 40; đó là đức Vua Lý Nam Đế - Lý Bí, quê gốc ở thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên (T.X Phổ Yên ngày nay). Năm 542, Lý Bí liên kết các hào kiệt lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa đánh đuổi quân đô hộ của nhà Lương, năm 544 lên ngôi lập nước Vạn Xuân, đặt niên hiệu là Thiên Đức, trở thành vị Hoàng Đế đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Trong dòng chảy lịch sử ấy, lấp lánh nhất là thời kỳ chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn xây dựng ATK với trung tâm là Định Hóa. Từ đất thiêng Định Hóa, nhiều quyết sách lịch sử đã ra đời, quyết định các bước phát triển của cách mạng dân tộc.

Phần thứ hai là Một số hình ảnh tiêu biểu. Với 32 trang ảnh, bạn đọc sẽ tìm thấy trong cuốn sách những bức ảnh tư liệu đen trắng vô cùng quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Người sống và làm việc tại ATK Định Hóa. Đó là bức ảnh nổi tiếng ghi lại khoảnh khắc ngày 6/12/1953 tại lán Tỉn Keo, ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Nam Bộ ra ATK Định Hóa báo cáo với Trung ương Đảng, Chính phủ về quyết tâm kháng chiến của đồng bào và chiến sĩ miền Nam (tháng 10-1949).

Phần cuối cùng của cuốn sách là những bài phát biểu, bài viết về tỉnh Thái Nguyên. Đây là những bài viết đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành của Trung ương và địa phương do Báo Thái Nguyên cùng Viện Công nghệ Truyền thông và Kinh tế số dày công tìm kiếm. Điểm nhấn là toàn văn bài nói chuyện của Bác Hồ với đồng bào Thái Nguyên và công nhân khu Gang thép khi Người về thăm tỉnh lần cuối ngày 1/1/1964. Bài nói chuyện chứa đựng tình cảm sâu nặng của Bác Hồ với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói chung và công nhân khu Gang thép nói riêng. Những lời dặn dò của Người năm xưa còn vang vọng cho đến hôm nay, để mỗi khi đọc, chúng ta lại xúc động bồi hồi, rưng rưng nhớ Bác: Phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giầu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc.

Khi cầm trên tay cuốn sách này, bạn hãy mở ra và lật giở từng trang để hiểu thêm về đất và người Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử của nước nhà, để thêm yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ.