Nắng chiều đã dịu, ngồi trong nhà nhìn ra khoảng sân rợp mát bóng cây, ông Hạ rất ưng với khuôn viên nhà mình, gần 3.000 m2 đất, ngoài diện tích làm cho nhà ở, còn lại ông trồng các loại cây ăn quả. Mùa nào thứ ấy, ai đến thăm cũng phải khen.
Có bóng người đi vào sân, ông Hạ chưa nhận ai ra. Người thanh niên xách cặp, lại gần ông: “Cháu chào bác ạ”. Ông Hạ nhíu mày như cố đánh thức trí nhớ. Người thanh niên hồ hởi: “Cháu là Hùng, con bố Cường ở xóm bên”. Ông Hạ “À” một tiếng. Cường ở xóm bên, cùng thôn với ông, hai xóm chỉ cách nhau vài trăm mét, nhưng ông cũng ít có việc sang bên ấy. Hùng đón chén nước từ tay ông hồ hởi: Học xong Trung học cháu đỗ vào Đại học. Tới đây ra trường cháu sẽ đi làm cho một công ty mới mở tại huyện nhà. Công ty này chuyên nghiên cứu, phát triển cây chuối và chế biến chuối xuất khẩu. Luận văn tốt nghiệp của cháu là “Phát triển cây chuối trên đất trung du”. Qua nghiên cứu, đất quê ta rất hợp với cây chuối. Hôm nay cháu đến một lần nữa xin cảm ơn bác. Ông Hạ cố nhớ lại xem vì sao Hùng đến cảm ơn mình. Khi Hùng đi rồi, câu chuyện của ông với Hùng mới hiện về.
Cách đây bẩy, tám năm, phong trào trồng chuối quê ông phát triển. Vườn nhà ông khi ấy chủ yếu trồng chuối. Người ta mua chuối xanh về dấm xong chở lên thành phố và các khu công nghiệp để bán, một bộ phận mua gom lại bán cho thương lái đem đi Trung Quốc. Ngay đầu làng ông, cô Nụ đang buôn bán ở chợ, cũng về nhà mở đại lý thu mua chuối. Cứ dăm bẩy ngày lại có xe đến lấy hàng chở đi.
Giá chuối lên hàng ngày. Vườn chuối nhà ông Hạ đẹp vào hàng nhất nhì trong xóm. Ông nhẩm tính gia đình ông được mùa vụ chuối, số tiền thu được sẽ sửa lại ngôi nhà ngang đã xuống cấp.
Sáng hôm ấy, ông có việc sang làng bên, vợ ông đi chợ. Gần trưa trên đường về nhà, ông cảm thấy nóng ruột. Mở cổng vào sân, dựng chiếc xe đạp ở cửa bếp, ông đi vòng sau nhà ra vườn chuối, chợt giật mình: Trước mắt ông cây chuối giáp bờ rào đã bị chặt mất buồng. Buồng chuối này ông nhớ có mười nải, quả chuối bên ngoài của nải trên cùng có vết đứt do tháng trước ông dùng dao chặt một tàu chuối chẳng may chém vào. Ông định tuần tới sẽ xuất một thể với mấy chục buồng chuối khác. Ông nghĩ buồng chuối giá trị không nhiều nhưng mình cho qua chuyện này thì còn hàng trăm buồng chuối trong vườn liệu còn an toàn không.
Ông Hạ phân vân rồi quyết định đến nhà Nụ. Ông thăm dò: “Kỳ này cô có mua được nhiều chuối không?”. Vừa nói ông Hạ vừa quan sát mấy chục buồng chuối xếp trên sân. Nụ đánh đôi mắt sắc lẹm về phía ông Hạ: “Cũng kiếm được cơm ăn và cho các cháu đi học. Vườn chuối của bác khi nào bán để cho em nhé”. Ông Hạ đi lại đống chuối tay khẽ xoay từng buồng. Ông nhận ra buồng chuối có vết đứt của nải trên cùng. Ông lại gần Nụ chỉ tay vào buồng chuối nói nhỏ: “Cô mua buồng chuối này ở đâu, ai bán cho cô?”. Nụ ngạc nhiên: “Ai có chuối đưa đến thì em mua, em nhớ làm sao hết được”. Ông Hạ đành nói thật: “Tôi bị mất chuối sáng nay, chuối nhà tôi có dấu. Cô giúp tôi tìm ra người lấy, để tránh cho lần sau. Tôi không làm gì liên luỵ tới cô đâu”. Nụ nhìn ông Hạ trân trân, rồi hạ giọng: “Sáng nay đứa thanh niên xóm bên kia (Nụ hất hàm) bán cho em, nó bảo chuối của nhà nó”. Ông Hạ dặn Nụ: “Cô đừng nói chuyện này với ai. Tôi giải quyết việc này không để ảnh hưởng đến cô đâu”.
***
Ông Hạ đến thẳng nhà ông Cường. Từ khi phát hiện mất buồng chuối, ông đã nghĩ đến Hùng con trai của Cường. Hùng mới lớn, ông có nghe Hùng học khá, nhưng mấy năm nay có tiếng là nghịch ngợm. Nghe Nụ nói vậy, ông Hạ càng tin Hùng là người đã lấy chuối của mình. Thấy ông Hạ đường đột đến nhà, lại vào buổi trưa, thái độ lại có vẻ khác với mọi khi, ông Cường rất ngạc nhiên, linh tính có việc gì xảy ra. Ông Cường thăm dò: “Đang trưa thế này, bác đến nhà em chắc có việc”. Ông Hạ ôn tồn: “Ừ tôi cũng đến có việc muốn trao đổi với chú. Nhưng mong chú thông cảm cho tôi và chú cần hết sức giữ bình tĩnh để anh em mình cùng giải quyết”.
Ông Cường sốt ruột: “Có việc gì hệ trọng không hả bác?”. Ông Hạ nhìn quanh nhà: “Cháu Hùng có nhà không? Tôi muốn gặp cháu”. Ông Cường như linh cảm ra được điều không hay: “Dạ, ăn xong cháu nó vào buồng ngủ rồi. Có việc gì với cháu bác cứ nói với em”. Ông Hạ đắn đo: “Tôi nói ra, nhưng chú phải hết sức bình tĩnh. Tôi đang nghĩ là cháu Hùng đã vào vườn nhà tôi lấy buồng chuối đem đi bán. Tôi muốn hỏi cháu cho rõ. Chuối nhà tôi có dấu, tôi đã nhận thấy nó rồi”.
Nghe ông Hạ nói vậy, ông Cường đến cửa buồng, gầm lên: “Thằng Hùng dậy tao bảo”. Hùng ở trong buồng đã nghe được câu chuyện giữa ông Hạ và bố mình, sợ sệt đi ra. Ông Hạ lại gần nhẹ nhàng hỏi: “Cháu lấy buồng chuối của bác đúng không?”. Hùng lí nhí: “Vâng, bác tha lỗi cho cháu”. Ông Cường gay gắt: “Chuối bán ở đâu, được bao tiền đem trả lại bác?”. Ông Hạ quay lại nắm tay ông Cường: “Tôi đến đây không phải lấy lại tiền chuối, cháu đã nhận là tốt rồi. Tôi chỉ muốn lần sau cháu không làm thế nữa”. Ông Cường kiên quyết: “Bác không nhận lại tiền, lần sau nó lại hư, em không đồng ý thế”. Ông Cường quay sang phía Hùng quát: “Mày bán chuối được bao nhiêu, tiền để ở đâu, vào lấy trả bác”. Hùng lủi thủi vào buồng lấy tiền quay ra đưa cho ông Hạ. Ông Hạ cầm tiền, rồi quay lại phía ông Cường: “Số tiền này coi như tôi đã nhận. Giờ tôi cho cháu để cháu mua giấy bút đi học. Tôi nhắc lại: chuyện này chỉ có tôi, chú và cháu Hùng biết mà thôi”
***
Hôm nay, Hùng đến chào và cảm ơn ông. Ông nhớ lại câu chuyện của Hùng trong khi trò chuyện với ông: “Luận văn tốt nghiệp của cháu có tên là Phát triển cây chuối trên vùng trung du”. Cháu sẽ gắn bó cả cuộc đời với cây chuối trên quê hương mình”. Ông Hạ tự hỏi: Hùng làm luận văn liên quan đến cây chuối và quyết định gắn bó lâu dài với nghề trồng và chế biến chuối là lựa chọn ngẫu nhiên của Hùng hay có liên quan gì đến buồng chuối năm xưa.