Gìn giữ mạch nguồn di sản

08:14, 21/11/2021

Di sản văn hóa là tài sản của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau theo hướng tích lũy trong môi trường văn hóa. Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực để quản lý, đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, tạo lợi thế để phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân.

Để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, những năm qua, Thái Nguyên đã thực hiện nghiêm túc Luật Di sản văn hóa, đồng thời tăng cường tuyên truyền đến người dân nâng cao nhận thức trong giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích, kiểm tra, đánh giá hiện trạng các di tích để xin chủ trương, kinh phí trùng tu, tôn tạo các di tích xuống cấp.

Gắn với việc bảo vệ di tích, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội, trò chơi dân gian, ẩm thực… tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân và du khách.

Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể, Thái Nguyên xây dựng hoàn thành, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 20 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Riêng Nghi lễ Then, tỉnh đã phối hợp với Bộ hoàn thành hồ sơ quốc gia Then Tày - Nùng - Thái, đệ trình UNESCO ghi danh vào sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Song song với công tác bảo tồn, tỉnh cũng quan tâm thực hiện tốt việc phát huy giá trị di sản văn hóa. Nếu như di sản văn hóa vật thể được phát huy thông qua hình thức gắn với phát triển du lịch, giáo dục truyền thống lịch sử thì các di sản văn hóa phi vật thể ngày càng lan tỏa trong cộng đồng nhờ các hoạt động truyền nghề, tôn vinh nghệ nhân.

Hàng năm, tỉnh đều tổ chức tập huấn truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể như: Di sản văn hóa phi vật thể của người Dao; tiếng nói cho dân tộc Sán Dìu; xây dựng các mô hình câu lạc bộ hát Soọng Cô (dân tộc Sán Dìu), hát Then (Dân tộc Tày), hát Pả Dung (dân tộc Dao), múa Tắc Xình (dân tộc Sán Chí)... Qua đó cung cấp kiến thức cơ bản về loại hình dân ca, dân vũ cho người học, đảm bảo các học viên có thể biểu diễn và truyền dạy lại…

Từ những hoạt động trên, đến nay, toàn tỉnh đã có 283 di tích được lập hồ sơ khoa học và quyết định xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Trong đó có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt gồm 13 điểm, 52 di tích quốc gia, 218 di tích cấp tỉnh.

Lễ hội Lồng Tồng là một trong 17 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh được tổ chức hằng năm tại ATK Định Hóa.

Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã tu bổ được 64 di tích với tổng kinh phí khoảng 98 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều di tích được tu bổ từ nguồn kinh phí xã hội hóa do các địa phương, cơ quan, tổ chức thực hiện. Một số di tích được đầu tư tôn tạo có quy mô lớn như: Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Địa điểm thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Địa điểm trụ sở làm việc của Văn phòng Trung ương Đảng, Đình - đền - chùa Cầu Muối, Địa điểm di tích nơi ra đời Đội Thanh niên xung phong Việt Nam...

Trong đó, nhiều khu, điểm di tích đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, có sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch trong và ngoài nước như: Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Khu di tích núi Văn - núi Võ, Địa điểm Lưu niệm các thanh niên xung phong đại đội 915, Thắng cảnh chùa Hang - Kim Sơn tự, Di tích đền Đuổm…

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, toàn tỉnh đã có 17 di sản được đưa vào Danh mục di sản cấp quốc gia là: Múa Tắc xình, Hát Sấng cọ, Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay, Lễ Cấp sắc, Nghi lễ Tết nhảy, Pả dung; Rối cạn Thẩm Rộc và Ru Nghệ, Lễ hội Lồng Tồng… Riêng Nghi lễ Then, qua sự phối hợp hoàn thiện hồ sơ của tỉnh đã được UNESCO ghi danh vào sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2019.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn hiệu quả, tỉnh đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ hoạt động quản lý, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bản tỉnh giai đoạn 2021-2025”. Chú trọng việc tạo nên những sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo, đột phá dựa trên nguồn tài nguyên di sản văn hóa, thiên nhiên đặc thù của tỉnh với sự tham gia của cộng đồng và dựa vào cộng đồng, góp phần đưa hoạt động quản lý, tu bổ, tôn tạo, phục dựng vào phát huy tối đa giá trị di sản, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Mục tiêu cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 100% di tích được rà soát, kiểm kê phân loại xác định giá trị và cấp độ bảo tồn sơ bộ; số hóa 100% hồ sơ khoa học di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp tỉnh; phấn đấu có từ 50-60 di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi trên tổng số 283 di tích đã xếp hạng; có từ 3-6 làng, bản văn hóa truyền thống được đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững. Cùng với đó là xây dựng bộ tài liệu giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa phục vụ chương trình giáo dục lịch sử địa phương, bộ tài liệu về di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh tiêu biểu để quảng bá, phát triển du lịch bền vững.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100% hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được số hóa; xây dựng hồ sơ đệ trình trên 10 di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản cấp quốc gia; sưu tầm, phục dựng, tư liệu hoá từ 10-15 di sản văn hóa phi vật thể.

Đặc biệt, Đề án sẽ hỗ trợ xây dựng và hoạt động cho 10-15 mô hình câu lạc bộ, hợp tác xã thực hành, truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển đời sống cộng đồng…